Huy hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang của liệt sĩ Hoàng Ngân

27/07/2017

Kể từ ngày chị ra đi cho đến nay đã tròn 68 năm. Ngày 17 tháng 7 là ngày giỗ chị. Chị đã cống hiến trọn tuổi xuân cho Tổ quốc. Hình ảnh chị mãi mãi trẻ trung ở độ tuổi 28, in sâu trong tâm trí thế hệ mai sau.

Chị Hoàng Ngân tên thật là Phạm Thị Vân, sinh năm 1921 trong một gia đình yêu nước làm nghề kinh doanh, buôn bán thủy sản ở chợ Sắt, Hải Phòng (nay là số nhà 179, đường Quang Trung, phường Phạm Hồng Thái, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng).

Khi còn nhỏ, chị sớm được tiếp xúc và giác ngộ cách mạng. 15 tuổi, chị tham gia hoạt động trong Mặt trận Bình Dân; phong trào Thanh niên Dân chủ ở Hải Phòng.

Năm 1938, chị vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, là Thành ủy viên thành phố Hải Phòng trực tiếp tham gia phong trào đấu tranh biểu tình đòi dân sinh, dân chủ. Vì tham gia biểu tình chống sưu thuế, chị bị giặc bắt bỏ tù 3 tháng.

Từ 1939 đến 1940 chị được điều lên xứ ủy Bắc kỳ phụ trách công tác xây dựng cơ sở cách mạng ở các tỉnh Hải Dương, Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây. Năm 1941 chị bị địch bắt lần thứ 2 khi đang dự cuộc họp của Xứ ủy ở Làng Vạn Phúc, tỉnh Hà Đông do anh Hoàng Văn Thụ chủ trì. Ba tháng sau địch đưa chị ra tòa xét xử và chị bị kết án 12 năm tù tại nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.

Cuối năm 1944, chị được Đảng bố trí vượt ngục để tiếp tục hoạt động cách mạng. Ra tù, chị bị ốm nặng, gần mù hai mắt. Sau 2 tháng chữa bệnh, chị được người của tổ chức ở Hà Nội về đón. Nhận nhiệm vụ xong chị lại trở về Hải Phòng, Hải Dương xây dựng cơ sở Cách mạng, vận động quần chúng nổi dậy chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám.

Cách mạng Tháng Tám thành công, chị được bầu làm Thành ủy viên, Bí thư phụ nữ cứu quốc Hà Nội, ủy viên Ban cán sự Đảng khu vực ngoại thành kiêm Bí thư chi bộ đầu tiên của xã Khương Trung, TP Hà Nội.

Sau những ngày hòa bình ngắn ngủi, cả nước chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 1946, chị được bầu làm Bí thư Đoàn phụ nữ Cứu quốc tỉnh Hải Dương và cùng đội ngũ cán bộ tỉnh kiện toàn đội ngũ cán bộ, củng cố phong trào, tổ chức đội tuyên truyền lưu động nhằm vận động chị em ủng hộ kháng chiến, tích cực tham gia sản xuất, vận động chồng con tòng quân, vào dân quân du kích, xóa mù chữ … thành lập các trung đội nữ du kích để vừa tham gia chiến đấu, vừa phục vụ chiến đấu.

Năm 1947 chị được bầu vào Khu uỷ khu 3, kiêm trưởng Ban Dân vận khu 3. Cuối năm đó, chị được bầu làm Bí thư Đảng đoàn và Bí thư Phụ nữ Cứu quốc Việt Nam. Năm 1948 chị là người sáng lập tờ báo Phụ nữ Việt Nam và kiêm nhiệm Tổng biên tập đầu tiên của báo. Là lãnh đạo trẻ xông xáo dày kinh nghiệm, chị đưa hoạt động của Phụ nữ Cứu quốc Việt Nam lên tầm cao mới.

Chị đi dự hội nghị Phụ nữ tại Trung Quốc, trên đường về thì bị địch phục kích bắn bị thương nặng, vậy mà chị không rời công việc để đi chữa trị. Vừa bị sốt rét rừng hành hạ, vừa bị vết thương tái phát, chị đã hy sinh lúc 17 giờ ngày 17/7/1949 tại chiến khu Việt Bắc, năm ấy chị tròn 28 tuổi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm thăm hỏi, chia buồn với gia đình chị: “Gia đình ta mất đi một người con trung hiếu, Chính phủ mất đi một cán bộ trẻ thông minh, xuất sắc…”. Thương tiếc người con gái hy sinh mới 28 tuổi xanh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đồng ý cho đổi tên quả đồi Pù Ngạm Ngà thành đồi Hoàng Ngân. Một loạt các đội nữ du kích ở Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình xin được mang tên người Anh hùng Liệt sĩ Hoàng Ngân. Sau này hài cốt của chị được quy tập về nghĩa trang Mai dịch, Hà Nội.

Để ghi nhớ công ơn và những đóng góp hy sinh của Anh hùng Liệt sĩ Hoàng Ngân. Năm 1955 tại Hải Phòng, Nam Định quê hương của chị đã có nhiều con đường, trường học mang tên Hoàng Ngân.

Ngày 5/12/2007, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Liệt sĩ Phạm Thị Vân (Hoàng Ngân). Đây là sự ghi nhận, đánh giá to lớn của Đảng và Nhà nước đối với những đóng góp hy sinh của Liệt sĩ Hoàng Ngân cho sự nghiệp cách mạng nói chung và sự nghiệp giải phóng phụ nữ nói riêng.

 Ảnh minh họa Ảnh minh họa

Bài và ảnh do BTPNVN cung cấp