Rác thải điện tử- nhận diện và tác hại
20/05/2020
Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, các thiết bị điện, điện tử được sản xuất ngày càng nhiều, phục vụ đắc lực cho nhu cầu của con người. Tuy nhiên, những sản phẩm điện, điện tử lại đang bị người tiêu dùng thải hồi, thay thế một cách nhanh chóng, trở thành nguồn rác thải khổng lồ với hàng chục triệu tấn mỗi năm, gây ô nhiễm môi trường và là hiểm họa lớn đối với sức khỏe con người.
NHẬN DIỆN RÁC THẢI ĐIỆN TỬ
Rác thải điện tử là gì?
Rác thải điện tử (e-waste) là một nhóm chất thải đặc thù phát sinh chủ yếu từ hộ gia đình và các văn phòng, công sở… Đó là các thiết bị điện, điện tử bị hỏng không còn khả năng phục hồi hoặc đã không được sử dụng do lỗi mốt.
Rác thải điện tử gồm những gì?
Máy tính, tivi cũ, hỏng hoặc đã lỗi mốt, không sử dụng nữa:
Các đồ gia dụng cũ, hỏng:
Các loại đồ chơi điện , điện tử, đồ chơi trẻ em có vi mạch điều khiển:
Các loại pin đã qua sử dụng:
Các vi mạch, bo mạch điện tử từ các thiết bị điện, điện tử cũ:
Các phụ kiện công nghệ cũ (tai nghe, cáp, sạc pin, usb, loa, máy nghe nhạc, điều khiển….):
Các đồ dùng,thiết bị điện, điện tử khác đã qua sử dụng hoặc hư hỏng:
Rác thải điện tử rất thường gặp trong đời sống hàng ngày. Với tốc độ phát triển chóng mặt của khoa học kỹ thuật, rác thải điện tử đang tăng lên một cách nhanh chóng. Theo báo cáo từ Liên hợp quốc, mỗi năm trái đất gánh thêm khoảng 50 triệu tấn rác thải điện tử, trong đó chỉ có 20% là được đưa vào tái chế. Nếu không có sự can thiệp và hạn chế rác điện tử từ các quốc gia thì tổng lượng rác thải sẽ tăng lên gấp bội vào năm 2050, khoảng 120 triệu tấn/ năm.
TÁC HẠI CỦA RÁC THẢI ĐIỆN TỬ ĐỐI VỚI MÔI TRƯỜNG VÀ SỨC KHỎE CON NGƯỜI
Tác hại đối với môi trường
Theo nghiên cứu của Tổ chức Bảo vệ môi trường Sillicon Valley Toxics Coalition (trụ sở tại San Jose, California, Mỹ) và các nhà khoa học, các kim loại nặng và hóa chất trong rác điện tử thường gặp là bari, đồng, niken; berili (trong các bo mạch chủ), cadmium (trong điện trở và chất bán dẫn); crom (trong đĩa mềm); chì (trong pin, màn hình máy tính) hay thủy ngân (trong đèn huỳnh quang, pin, nhiệt kế, một số sản phẩm y tế)… Các chất độc hại này đều có thể ngấm vào đất, nguồn nước, phát tán vào không khí gây ra ô nhiễm.
Khi các thiết bị điện tử vừa mới được sản xuất và trong quá trình sử dụng, các chất trong thiết bị không gây hại cho con người. Việc tích trữ rác điện tử ở các cơ sở thu mua phế liệu không đảm bảo điều kiện bảo quản, dưới tác động của mưa, nắng, bị va đập… ở nơi chứa rác thải, các chất có hại bị phơi ra ngoài không khí, bị phóng thích ra môi trường sống bằng nhiều cách như hòa vào nước mưa, các hạt kim loại nhỏ di chuyển dần trong đất, thấm vào nguồn nước ngầm. Một số kim loại, hóa chất dễ bay hơi thì có thể bốc hơi dưới tác động của nắng gắt. Mặt khác, các kim loại, hóa chất có sẵn trong các sản phẩm hư hỏng có thể tác động lẫn nhau và kết hợp với không khí, nước, gây ra các phản ứng hóa học tiêu cực, tạo ra các hóa chất khác độc hại hơn đối với môi trường và sức khỏe con người.
Trong quá trình xử lý rác điện tử không đúng qui cách, các kim loại có thể phân tách thành những phân tử nhỏ hơn, mang hóa chất độc hại hòa vào không khí, nước mưa và nhiễm độc cả khu vực. Đốt cháy rác thải điện tử một cách bừa bãi, làm khí đốt độc hại lẫn vào không khí gây ô nhiễm không khí, trong đó có cả chất thải dioxin rất dễ gây ra quái thai, dị tật đối với thai nhi. Các lò đốt rác thô sơ cũng thải ra nguồn nước thải công nghiệp có chứa nhiều kim loại nặng. Nước thải công nghiệp và nước rỉ ra từ bãi rác điện tử có thể hòa vào nước ngầm, nước ao, hồ, sông ngòi gây ra ô nhiễm. Nước và không khí cũng dần dần vận chuyển các hóa chất, kim loại nặng từ rác điện tử từ khu vực quanh bãi rác ra môi trường rộng lớn hơn.
Tác hại đối với sức khỏe con người
Hiện nay có khá nhiều người trực tiếp thu gom rác điện tử, thường là những người dân nghèo và cả trẻ em không có đủ kiến thức về tác hại của các chất có trong rác. Họ sử dụng tay trần hoặc bao tay không đúng quy cách để chia nhỏ thiết bị thành các phần nhỏ. Quá trình này có thể khiến những kim loại, hóa chất độc ngấm vào cơ thể, gây ra các bệnh về da, hô hấp, nhiễm độc cơ thể thậm chí ung thư và suy giảm nhận thức.
Bên cạnh những người trực tiếp làm nghề thu gom, xử lý rác, mỗi người sống quanh khu vực bãi rác điện tử thậm chí là mỗi chúng ta đều có thể trở thành nạn nhân chịu tác động của kim loại nặng và chất độc trong rác thải điện tử. Nguồn đất, nước, không khí quanh khu vực chứa hoặc đốt, xử lý rác thải điện tử có thể ô nhiễm lâu dài và những loài thực vật, động vật sống trong khu vực có thể bị phơi nhiễm, dần dà gây ảnh hưởng lên cả chuỗi thức ăn và sức khỏe con người.
Thủy ngân rất dễ xâm nhập vào cơ thể con người qua đường ăn uống hoặc hít thở và nó sẽ gây hại đến não, thận, hệ thống sinh sản... Trong đó, thủy ngân ở dạng không khí là nguy hiểm nhất, khả năng nhiễm độc cao nhất. Chúng sẽ được hít vào phổi qua thẩm thấu oxy và niêm mạc, từ đó xâm nhập vào cơ thể nhanh hơn. PGS.TS Trần Hồng Côn (nguyên giảng viên Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) cho hay: “Thủy ngân cũng như các kim loại khác, khi vào cơ thể, khả năng đào thải rất thấp. Khi nhiễm độc thủy ngân, chúng ta không có hy vọng chúng thải ra nhanh chóng, đa phần tích lũy trong tủy xương rất lâu”.
Đối với kim loại chì, chỉ cần một lượng nhỏ là đã có ảnh hưởng nặng nề đến cơ thể, nó sẽ có xu hướng thay thế các kim loại có lợi trong cơ thể như chiếm chỗ của canxi trong xương gây thiếu canxi, mục xương, hoặc thay thế sắt trong máu... làm rối loạn các phản ứng sinh hóa, gây còi xương hoặc chậm lớn ở trẻ...
Khi bị nhiễm kẽm, người bệnh sẽ có biểu hiện như nôn nhiều hoặc chảy máu đường ruột, giảm mức phản xạ tự nhiên và đôi khi bị tê liệt.
Khi cơ thể bị nhiễm chất cadmium sẽ dẫn đến tình trạng loãng xương, thiếu máu, suy gan thận, thậm chí ung thư như ung thư phổi, tăng nguy cơ gây dị dạng ở thai nhi khi mang thai...
Có thể nói, rác thải điện tử đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đối với môi trường và sức khỏe, đời sống con người. Loại rác thải này rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan chức năng để có thể xử lý một cách triệt để hơn. Mặt khác, mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong phân loại rác; bảo quản và sử dụng hợp lý để kéo dài tuổi thọ của các sản phẩm điện tử nhằm giảm bớt rác thải điện tử ra môi trường./.
Việt Nam tái chế là chương trình thu hồi miễn phí đầu tiên các sản phẩm điện tử hư hỏng hoặc lỗi mốt, đảm bảo thu gom và xử lý chuyên nghiệp, thân thiện với môi trường.
10 địa điểm thu gom thường xuyên của Việt Nam tái chế
Tại Hà Nội:
1. Nhà Văn hóa phường Nghĩa Tân, Quận Cầu Giấy (45 Nghĩa Tân, P.Nghĩa Tân, Q.Cầu Giấy)
2. UBND phường Tràng Tiền, Quận Hoàn Kiếm (02 Cổ Tân, P. Tràng Tiền, Q. Hoàn Kiếm)
3. UBND phường Quán Thánh, Quận Ba Đình(12-14 Phan Đình Phùng, P.Quán Thánh, Q.Ba Đình)
4. UBND phường Thành Công, Quận Ba Đình (09 Thành Công, P.Thành Công, Q.Ba Đình)
5. Chi Cục Bảo Vệ Môi Trường Hà Nội. (17 Trung Yên 3, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.)
Tại TP.HCM:
1. UBND Phường 9, Quận 3 (82 Bà Huyện Thanh Quan, P.9, Q.3)
2. UBND Phường 15, Quận 4 (132 Tôn Thất Thuyết, P.15, Q.4)
3. UBND Phường 17, Quận Phú Nhuận (22 Nguyễn Văn Trỗi, P.17, Q.Phú Nhuận)
4. UBND Phường 2, Quận Bình Thạnh (14 Phan Bội Châu, P.2, Q.Bình Thạnh)
5. Trung Tâm MM Mega Market An Phú (Khu B, KĐT mới An Phú-An Khánh, P.An Phú, Q.2)
Ngoài ra có thể liên hệ qua fanpage https://facebook.com/Vietnamtaiche hoặc qua số điện thoại hotline: 093388205 để được thu gom rác điện tử miễn phí nếu có 1 thiết bị lớn (tivi, màn hình, máy tính…) hoặc 10 thiết bị điện tử nhỏ (như pin…). Với các doạnh nghiệp, có thể liên hệ để hỗ trợ miễn phí nếu có ít nhất 1m3 hoặc 100kg rác điện tử.
Bên cạnh đó, hệ thống siêu thị Vinmart trên toàn quốc và 300 cửa hàng tiện lợi Vinmart + tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; một số siêu thị khác như Big C, Co.op mart trên toàn quốc có thùng nhận pin đã qua sử dụng của khách hàng. Số pin này sẽ được đơn vị hợp tác với siêu thị là các công ty xử lý rác thải tiến hành vận chuyển và xử lý theo quy trình xử lý chất thải công nghiệp nguy hại mà pháp luật quy định.
|