Những nữ quân y tận tâm với bệnh nhân Covid-19

07/08/2021

Mới vài ngày trước, sau giờ trực, các chị được trở về với gia đình. Bây giờ, các chị tự nguyện “cấm cung” trong Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 4 để điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Các y sĩ, bác sĩ Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 4 triển khai nhiệm vụ hằng ngày.

Các chị là những y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 87 và Đội Điều trị 486 Vùng 4 Hải quân, tình nguyện thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm (BVDCTN) số 4 (Tổng cục Hậu cần) tại Khánh Hòa.

Đổi ca trực gần 2 giờ đồng hồ rồi nhưng trên gương mặt Trung úy QNCN Nguyễn Thị Hạnh, Khoa Xét nghiệm, BVDCTN số 4 những vết dây đeo khẩu trang vẫn hằn sâu. Vừa bưng hộp cơm nguội ngắt, chị vừa nói chuyện với chồng sắp cưới qua điện thoại. Anh chị động viên nhau cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch. Giờ này, anh cũng đang trong ca trực ở chốt kiểm soát phòng, chống dịch.

Được biết trước ngày nhận nhiệm vụ ở BVDCTN số 4, khi chị Hạnh xung phong lên đường, chỉ huy đơn vị và gia đình đắn đo vì sức khỏe của chị nhưng chị đã trấn an mọi người: “Em chịu được mà, nhiều sinh viên, nhân viên y tế làm nhiệm vụ phòng, chống dịch ở miền Nam còn yếu hơn em”.

Hằng ngày các chị phải làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao.

Câu chuyện của Đại úy QNCN Nguyễn Thị Loan đã làm lãnh đạo, chỉ huy Bệnh viện Quân y 87 trăn trở, khi chị tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ. Được biết con út nhà chị còn nhỏ, chồng lại công tác xa, nhưng chị vẫn xung phong lên đường. Chị chia sẻ: “Em biết điều trị bệnh nhân truyền nhiễm rất nguy hiểm, việc đi lại về thăm các con là không thể, thế nhưng em được chồng con ủng hộ. Hai cháu cũng động viên mẹ, giúp em yên tâm tham gia chống dịch cùng đồng nghiệp".

Đến thăm căn phòng của Thiếu úy QNCN Nguyễn Thị Kim Thoa, điều dưỡng Đội Điều trị 486, Vùng 4 Hải quân tại BVDCTN số 4, nếu như ở “căn phòng độc thân vui vẻ” tại Đội luôn hiện hữu sắc màu, vật dụng của một thiếu nữ với những bó hoa khô, chú gấu nhồi bông xinh xắn, thì ở căn phòng trong bệnh viện dã chiến này chỉ là những đồ bảo hộ, kính chắn giọt bắn, găng tay, cồn khử khuẩn…

Đại tá, bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Văn Khôi, Giám đốc BVDCTN số 4 cho hay: “Cơ sở vật chất của bệnh viện nhiều năm không sử dụng, xuống cấp, vật chất thiếu thốn, môi trường làm việc nóng bức, có nguy cơ lây nhiễm cao… nhưng tất cả đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện luôn xác định chăm sóc, chữa trị tốt nhất cho bệnh nhân Covid-19. Chúng tôi luôn nhận thức rằng, phải làm tròn cả hai vai, vừa là người điều trị, vừa là người thân, chỗ dựa tinh thần của bệnh nhân”.

Ngoài điều trị, các y, bác sĩ còn giúp đỡ người già yếu những sinh hoạt cá nhân.

Với bệnh nhân Covid-19 là phải luôn giữ giãn cách, hạn chế tiếp xúc gần, nhưng với các y, bác sĩ tại BVDCTN số 4, việc dìu bế bệnh nhân lớn tuổi để cấp cứu là chuyện thường. Khi hỏi về thái độ, trách nhiệm của y, bác sĩ tại đây, bà Lê Thị Lành (TP Nha Trang) xúc động kể: “Tôi biết ơn các y, bác sĩ nơi đây nhiều lắm. Nếu như trước đây đi chữa trị căn bệnh thông thường tại các bệnh viện còn có người thân, con cái chăm sóc… còn khi đến đây điều trị, các y, bác sĩ xem chúng tôi như ba, như mẹ mình. Các y, bác sĩ đã thay người thân gánh vác tất cả mọi việc giúp bệnh nhân”...

QĐND