Khởi nghiệp thành công từ mo cau và những ký ức tuổi thơ

13/10/2021

Từ những ký ức tuổi thơ về chiếc quạt mo của ngoại, chị Phan Vũ Hoài Vui, 32 tuổi (ở Tiên Phước, Quảng Nam) đã tạo nên các sản phẩm hộp làm hoàn toàn từ bẹ cau tự nhiên, thay thế hộp xốp nhựa, vừa tạo ra nét đặc sắc riêng, giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc, vừa giúp giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường.

Chi Phan Vũ Hoài Vui - chủ thương hiệu Mo cau Xứ Tiên

Nguồn cảm hứng “Mo cau Xứ Tiên”

Chị Vui chia sẻ, ý tưởng khởi nghiệp của chị bắt đầu từ ký ức về cái quạt mo của ngoại và những tháng năm chưa có đồ nhựa và quạt máy nhiều như bây giờ. Chị yêu cái hương cau quyện vào hương bưởi thơm nồng và cả cái dáng đứng hiên ngang thẳng thắn của cây cau trong nắng mai, trong cả nắng chiều.

Những ngày rời quê lên TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp, thấy các đồng nghiệp ăn bữa cơm vội đựng trong hộp xốp, khay xốp, khay nhựa trong các quầy hàng siêu thị... sau khi dùng xong lại vứt tràn ra môi trường. Điều này khiến chị buồn và trăn trở rất nhiều. Trong một lần về thăm nhà, nhìn thấy chiếc mo cau rụng ở góc sân, chị đã nhặt lấy định làm một cái quạt mo thật đẹp. Mân mê trên tay, chị nhận ra cái bẹ cau này có thể làm thành những điều đẹp đẽ khác…

Mo cau khi mới rụng được phơi khô, đưa về xưởng phân loại

Về lại TP. Hồ Chí Minh, chị bắt đầu tìm hiểu, lên kế hoạch và tìm người tư vấn cho dự án mo cau của mình. Nhận được sự ủng hộ, tin tưởng từ những người thầy, người đồng sự, chị Vui đã dồn hết tiền tích góp để “bỏ phố về quê” lượm mo cau và xây dựng thương hiệu mang tên mảnh đất quê hương “Mo cau Xứ Tiên”.

Chị cho biết: “Quyết định trở về quê là chấp nhận đi trên một con đường mới, vẫn biết sẽ phải bước từng bước một với vô vàn khó khăn nhưng tôi tự nhủ sẽ cố gắng gấp trăm ngàn lần”.

Thành công với sản vật xứ ngàn cau

Điều may mắn lớn nhất của chị là được sinh ra và lớn lên ở nơi được mệnh danh xứ ngàn cau – Tiên Phước. Chị khẳng định như vậy.

Sản phẩm làm ra từ mo cau của chị luôn bảo đảm được yêu cầu về chất lượng tốt nhất. Đầu tiên, mo cau khi mới rụng được phơi khô, đưa về xưởng phân loại, sau đó mang vào nước ngâm, rửa sạch; tiếp theo, cho vào máy ép theo khuôn khác nhau như dĩa tròn, dĩa vuông, chén to, chén nhỏ, thìa... sau đó đưa vào kiểm tra chất lượng sản phẩm. Tiếp tục đưa vào máy khử khuẩn để bảo đảm an toàn vệ sinh sản phẩm, cuối cùng là đóng gói nhập kho và phân phối.

Các yếu tố bắt buộc trong quá trình sản xuất như: nguyên liệu đầu vào sạch, không bị mốc; khuôn hình đẹp, không bị méo; được khử khuẩn trước khi đóng gói. Chiếc mo cau vốn dĩ là bản thiết kế hoàn hảo nhất của thiên nhiên, mỗi chiếc bẹ cau là độc nhất vô nhị và vì thế, không chiếc mo cau nào có thiết kế giống nhau. Đặc biệt, những sản phẩm làm ra đều giữ nguyên hương thơm thoang thoảng của mo cau, đem đến cho khách hàng cảm giác được trở về tuổi thơ, hòa cùng thiên nhiên với những điều bình dị, mộc mạc nhất.

Các sản phẩm làm hoàn toàn từ bẹ cau tự nhiên

Hiện tại, HTX của chị có 16 mẫu sản phẩm gồm khay, chén, đĩa, muỗng, hộp và quạt làm hoàn toàn từ bẹ cau tự nhiên, thay thế hộp xốp, nhựa giúp giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường và an toàn cho sức khỏe của người sử dụng.

Vượt qua khó khăn thời đại dịch để phát triển kinh doanh

Đại dịch Covid-19 đã khiến cho thị trường kinh doanh ngưng trệ. Các nhà hàng phải đóng cửa, ngành du lịch cũng đứng yên đã ảnh hưởng rất lớn đến lượng tiêu thụ sản phẩm. Chị Phan Vũ Hoài Vui cũng gặp không ít khó khăn như: khó khăn trong việc tiếp cận với các nguồn vốn vay để mở rộng sản xuất; thời tiết miền Trung khá khắc nghiệt, xảy ra nhiều bão lũ; nhân công hầu hết là phụ nữ trong xã nên sẽ mất nhiều thời gian để huấn luyện sản xuất và tác phong làm việc chuyên nghiệp; việc giao nhận hàng hóa gặp nhiều khó khăn và chi phí cao…

Nhưng người con gái xứ ngàn cau ấy không nản chí, chị đã nỗ lực cho ra những chiến lược marketing phù hợp với tình hình hiện tại để đẩy mạnh kinh doanh, tích cực bán hàng online trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử… Không chỉ bán sỉ cho các nhà hàng mang phong vị quê hương, resort, homestay, khu du lịch, các công ty thực phẩm sạch, HTX của chị đã và đang tiếp tục hướng đến xuất khẩu sản phẩm sang thị trường châu Âu.

HTX đi vào hoạt động ổn định đã tạo thêm nguồn thu nhập cho người lao động tại địa phương. Theo chị Vui, quý 1 năm 2021, giá trị thu mua bẹ cau là 200 triệu đồng, qua đó, dự tính trung bình một năm HTX thu mua từ các hộ nông dân từ 300.000 đến 400.000 bẹ cau nhằm mang lại lợi ích kinh tế, góp phần nâng cao giá trị phế phẩm nông dân trồng cau cải thiện đời sống cho người dân trên địa bàn.

 

“Nhân sự của Mo cau Xứ Tiên có hơn 80% là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Việc phát triển của Mo cau Xứ Tiên sẽ tăng nguồn thu nhập cho các thành viên HTX, giúp chị em phụ nữ có thêm nguồn thu nhập ổn định và giúp phụ nữ tự tin hơn trong cuộc sống của mình”, chị thông tin thêm.Dự án “Sản xuất và phân phối các sản phẩm gia dụng làm từ mo cau” của chị Phan Vũ Hoài Vui (HTX nông nghiệp kỹ nghệ Quảng Nam) đã xuất sắc lọt vào vòng thi thuyết trình chung kết Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021.

* Thương hiệu Mo cau Xứ Tiên

Địa chỉ: Tiên Phước, Quảng Nam;

Số điện thoại: 0702270999;

Email: phanvuhoaivui@gmail.com;

Fanpage: https://www.facebook.com/mocauxutien;

Website: Arecavn.com

 

Minh Trang