|
Các đại biểu tham gia hội thảo |
Sáng 05/11/2019, Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Bảo đảm Quyền tham chính của phụ nữ trong giai đoạn hiện nay” nhằm chia sẻ các kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm thực tiễn nghiên cứu khoa học về Quyền tham gia chính trị (tham chính) của phụ nữ. Hội thảo có sự sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, cán bộ TW Hội LHPN và một số tỉnh/thành.
Quyền tham chính của phụ nữ là là một trong các quyền con người, quyền cơ bản của công dân đã được xác định trong pháp luật quốc tế, Hiến pháp và hệ thống pháp luật của các nước trên thế giới. Thực hiện được quyền tham chính của phụ nữ không những giúp xã hội phát triển bền vững, văn minh mà còn giúp tăng cường nguồn lực quốc gia, phát huy bình đẳng giới và tiến bộ xã hội. Trên thực tế, quyền tham chính của phụ nữ chưa tương xứng với năng lực và sự phát triển của giới nữ. Bên cạnh các yếu tố thúc đẩy quyền tham chính của phụ nữ như: khung pháp lý tiến bộ; nhận thức của xã hội về bình đẳng giới được nâng cao; khả năng lãnh đạo của phụ nữ; sự hỗ trợ từ gia đình, cộng đồng và xã hội; kinh tế xã hội phát triển, hiện còn tồn tại nhiều yếu tố hạn chế, kìm hãm phụ nữ thực hiện quyền tham chính. Những yếu tố hạn chế, kìm hãm phụ nữ tham chính được các đại biểu tham gia hội thảo đề cập đến như: Định kiến giới tồn tại dai dẳng trong xã hội; quy định khác biệt về tuổi nghỉ hưu; khoảng cách chính sách từ chỉ đạo đến thực tế và vai trò của cấp ủy, người đứng đầu. Định kiến giới còn tồn tại trong nhận thức đến hành động của từ cấp ủy, người đứng đầu thể hiện ở sự thiếu tin tưởng vào năng lực của phụ nữ, đánh giá phụ nữ thiếu khách quan do đó ít đưa nữ vào quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bộ nhiệm vị trí lãnh đạo, quản lý. Sự khác biệt về tuổi nghỉ hưu giữa nữ và nam đang là yếu tố gây bất lợi cho phụ nữ khi thực hiện Quyền tham chính do giảm cơ hội thăng tiến, hạn chế sự đóng góp hiệu quả của phụ nữ vào nền kinh tế và phát triển xã hội khi buộc phải nghỉ hưu khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Thiếu biện pháp và nguồn lực thực thi chính sách trong thực tế (kết quả phân tích danh sách những người ứng cử và trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV cho thấy tỉ lệ nữ không trúng cử cao hơn nhiều so với nam trong khi tổng số nữ tham gia ứng cử ít hơn hẳn nam giới (nữ là 60,94%, nam 31.94%). Một số giải pháp được hội thảo đề xuất nhằm hiện thực hóa quyền tham chính của phụ nữ gồm: Nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân về bình đẳng giới, trong đó đặc biệt tăng cường sự cam kết trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu trong thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới và thúc đẩy phụ nữ tham chính; Xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, luật pháp về bình đẳng giới; Huy động nguồn lực và sự tham gia của các cơ quan có trách nhiệm trong toàn hệ thống chính trị, các tổ chức quốc tế để triển khai thành công các dự án trọng tâm của Chương trình quốc gia về bình đẳng giới, phát triển những dịch vụ xã hội tạo điều kiện và cơ hội phụ nữ tiếp cận mọi nguồn lực để nâng cao năng lực và tham gia chính trị; Nâng cao vai trò của Quốc hội, Chính phủ và các tổ chức xã hội có chức năng bảo đảm thực hiện bình đẳng giới; Tăng cường trách nhiệm và cải tiến cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan trong đề xuất chính sách, thực hiện và giám sát thực hiện chính sách bình đẳng giới; Phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Hội LHPN Việt Nam và Liên đoàn Lao động trong tham mưu giới thiệu nguồn cán bộ nữ, đề xuất chính sách, giám sát thực hiện chính sách cán bộ nữ.  | TS. Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh, Hội thảo đặc biệt có ý nghĩa trong thời điểm sắp diễn ra Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc. Các tham luận và ý kiến tại Hội thảo đã phác họa rõ hơn thực trạng, các vấn đề liên quan đến quyền, nhận thức về quyền tham chính của phụ nữ trong giai đoạn hiện nay; đồng thời cũng đã đưa ra được những giải pháp nhằm góp phần tạo sự thay đổi thực trạng cũng như tăng thực chất quyền tham chính của phụ nữ trong thời gian tới.
Hồng Minh, TTTT
|