Chuyện kể về Đại đội nữ lái xe Trường Sơn

22/12/2004
Nhớ lại những cuối tháng 12/1967, lúc đó do yêu cầu phục vụ cuộc chiến đấu ngày càng ác liệt, Bộ Tư lệnh 559 đã giao nhiệm vụ cho Binh đoàn 12 tuyển gấp một số chị em là TNXP và bộ đội ở các binh trạm gần đó về đào tạo lái xe ngay giữa tuyến lửa. Từ đây, 35 chị em đã được tuyển chọn và bắt đầu nhiệm vụ đặc biệt của mình.

Sau khoá học kéo dài 45 ngày, chị em được điều ngay ra lái xe ở các Binh trạm dọc đường Trường Sơn. Chị nào lái giỏi thì được giao 1 xe, chị lái yếu thì 2 chị một xe. Công việc của các chị là lái xe chuyển thương binh, bộ đội, chở hàng từ các Binh trạm số 9, 12, 14, 23, 40 vào các kho H1, H2, đoàn 500... Không quản khó khăn gian khổ, các chị đã lái xe vượt bao núi cao, vực thẳm, xuyên rừng, lội suối, vượt "cổng trời" dưới làn bom đạn của kẻ thù với ý chí kiên cường, lòng căm thù giặc và tình yêu quê hương đất nước tha thiết.

 

Tháng 2/1969, chị em ở các Binh trạm lẻ được điều về Binh trạm 23, Cục vận tải ở Thường Tín, Hà Tây làm nhiệm vụ chuyển thương binh về các trạm điều dưỡng. Đầu năm 1972, do yêu cầu nhiệm vụ đặc biệt, chị em lại được Bộ tổng tham mưu Bộ Quốc phòng điều toàn bộ về Tổng đội TNXP D255, Cục quản lí xe máy và trở thành nữ giáo viên dạy lái xe. Chính từ lúc này, đại đội nữ lái xe duy nhất ở Trường Sơn được thành lập với tên gọi Đại đội nữ lái xe C13 gồm 33 chị và được trang bị 25 xe.

 

Bằng những kinh nghiệm tích luỹ từ thực tế, các chị đã truyền dạy kiến thức lí thuyết, thực hành sửa chữa điện, máy cho hơn 300 nữ tân binh. Khi ra trường, các cô gái lại về nhận nhiệm vụ lái xe ở các bệnh viện, đơn vị kho xe, kho hàng... thay cho lái xe nam để các anh ra trận. Cuối năm 1975, Đại đội nữ lái xe C13 kết thúc nhiệm vụ huấn luyện, mỗi người về một đơn vị, có chị chuyển ngành, xuất ngũ.

 

Năm 1995, họ mới tìm gặp được nhau. Trong số các chị, có người đã xây dựng gia đình, có chị vẫn sống cô đơn và nhiều chị đã mất vì chất độc da cam, vì bệnh tật... Một thời từng "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", giờ gặp lại, các chị càng thương yêu, gắn bó, đùm bọc nhau hơn và cùng hát vang những bài ca về Trường Sơn, về khúc quân hành của đời lính. Các chị -những nữ lái xe Trường Sơn năm xưa- xứng đáng được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Binh đoàn Trường Sơn và Bộ Giao thông Vận tải.

Hà Khanh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video