Hội nghị góp ý tài liệu nâng cao năng lực cán bộ Hội

24/07/2020
Ngày 23/7, Hội thảo góp ý cho tài liệu tập huấn nâng cao năng lực cán bộ Hội và nữ ứng cử viên ĐBQH khoá XV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã diễn ra tại trụ sở Hội LHPN Hà Nội. Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương chủ trì hội thảo
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương cho biết, nhiều năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã luôn chủ động, tích cực tham mưu công tác cán bộ nữ, tham mưu đề xuất chính sách cho phụ nữ; nỗ lực thực hiện mục tiêu bình đẳng giới; chủ động góp ý, phản biện xã hội về giới trong các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; giới thiệu cán bộ nữ ưu tú cho Đảng; giới thiệu phụ nữ tiêu biểu làm nguồn ứng cử viên đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân; tập huấn nữ ứng cử viên tiềm năng; nâng cao ý thức, trách nhiệm cho phụ nữ trong mỗi cuộc bầu cử..

Hội thảo góp ý cho tài liệu tập huấn nâng cao năng lực cán bộ Hội và nữ ứng cử viên ĐBQH khoá XV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, đội ngũ cán bộ nữ trong thời gian qua đã ngày càng phát triển, tăng cả về số lượng và chất lượng, song vẫn chưa tương xứng với lực lượng phụ nữ và đóng góp của phụ nữ, chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Cụ thể, tỷ lệ nữ ĐBQH(số liệu đầu nhiệm kỳ) khoá XI (2002-2007) là 27,31%, khoá XII (2007 – 2011) là 25,76%, khoá XIII (2011 – 2016) là 24.40%, khoá XIV (2016 – 2021) là 26,72%.

Về tỷ lệ nữ ĐB HĐND các cấp (số liệu đầu nhiệm kỳ) như sau: Nhiệm kỳ 1999 – 2004 là 16,61%, nhiệm kỳ 2004 – 2011 là 19,53%, nhiệm kỳ 2011 – 2016 là 21,71%, nhiệm kỳ 2016 – 2021 là 26,59%.

Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ song tỷ lệ nữ ĐBQH và HĐND các cấp không đạt tỷ lệ từ 35% - 40% như trong Nghị quyết số 11 – NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020 đã đặt ra, vẫn còn 25 tỉnh (chiếm 39,7%) còn tỷ lệ dưới 20%, 3 tỉnh không có nữ ĐBQH (trong đó có 2 tỉnh không có nữ ĐBQH trong 2 khoá liên tiếp).

Báo cáo tại Hội thảo cũng chỉ ra rằng, những khó khăn ảnh hưởng đến tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội, HĐND các cấp như: Một số quy định chưa bảo đảm bình đẳng giới, chưa đồng bộ như quy định hiện hành về tuổi đề bạt và tuổi nghỉ hưu, cơ cấu ứng cử viên nữ, cơ hội trúng cử... Ngoài ra, vẫn còn những khó khăn do quan niệm xã hội "trọng nam khinh nữ".

Trước tình hình này, Hội LHPN Việt Nam nhận thấy trách nhiệm của tổ chức Hội trong công tác cán bộ nữ nói chung và trong tham gia bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp. Đó là tham mưu, giới thiệu tạo nguồn cán bộ nữ đủ tiêu chuẩn cho Đảng, nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Tham gia các tổ chức bầu cử và các hội nghị hiệp thương như tham gia các tổ chức bầu cử, tham gia vào các Hội nghị hiệp thương, bồi dưỡng nữ ứng cử viên, tham gia công tác tuyên truyền và vận động bầu cử; tham gia công tác giám sát về bầu cử.

Hội LHPN các cấp cần giới thiệu nguồn nữ ứng cử viên ĐBQH, đại biểu HĐND; Tham gia các tổ chức bầu cử và các hội nghị hiệp thương; Bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội, nữ ứng cử viên và hỗ trợ nữ ứng cử viên trong quá trình vận động bầu cử; Thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về bầu cử và vận động cử tri nữ tham gia các hoạt động bầu cử; Giám sát việc thực hiện phát luật về bầu cử.

Hội thảo cũng đưa ra những cẩm nang về các kỹ năng vận động bầu cử cho các ứng cử viên nữ như kỹ năng xây dựng chương trình hành động, kỹ năng trình bày chương trình hành động và trả lời câu hỏi của cử tri; Kỹ năng tiếp xúc truyền thông đại chúng; Kỹ năng xây dựng hình ảnh cá nhân...

13 ý kiến đóng góp tại Hội thảo đến từ các đại biểu HĐND, chủ tịch Hội LHPN các cấp quận, huyện... sẽ được ban biên tập tiếp thu và chỉnh sửa, để hoàn thiện tài liệu tập huấn nâng cao năng lực cán bộ Hội và nữ ứng cử viên ĐBQH khoá XV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video