Huyền thoại Nữ tướng Nguyễn Thị Định

10/05/2007
Trước bà, chưa có người phụ nữ nào tham gia cách mạng, được phong hàm tướng.

Năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Phó tổng Tư lệnh Quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta". Năm 1982, bà được bầu làm Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ quốc tế: năm 1986, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước.

 

Nhân  dân Hát Môn, Hà Tây đã rước bát hương bà Nguyễn Thị Định về thờ trong khu đền Hai Bà Trưng với niềm tự hào, ngưỡng mộ về một nữ tướng thời đại Hồ Chí Minh.

 

Ở Cuba, có một làng mang tên Nguyễn Thị Định. Tên của bà được nhiều phụ nữ trên thế giới hâm mộ đặt tên cho con mình. Hình ảnh bà khi xuất hiện ở nước ngoài làm nổi bật vị thế Việt Nam.

 

Nhưng đằng sau vinh quang, huyền thoại là nỗi đau và nước mắt mà bà đã lặng lẽ giấu kín trong đêm trước cuộc cách mạng. Những giọt nước mắt ấy đã trở thành châu ngọc tỏa sáng, soi đường cho thế hệ sau tiếp bước...

 

Kỳ 1: Người đàn bà vượt biển

 

Ngày 15/2/1920...

 

Đó là ngày định mệnh đối với gia đình nông dân trên bờ sông Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

 

Trong căn buồng tối dành cho sản phụ ở nông thôn Nam Bộ thời tây y còn rất sơ khai, người mẹ oằn oại cơn đau đẻ. Nếu như hôm đó người chồng nghe theo lời bà mụ móc đầu đứa bé lôi ra để cứu sống vợ thì sau này Cách mạng miền Nam không có ngôi sao Nguyễn Thị Định chói sáng.  Ông đã động viên, thuyết phục bà mụ kiên trì chờ đứa bé ra đời.

May sao, mẹ tròn con vuông. Vì lẽ đó, trong gia đình 10 đứa con, cô út Nguyễn Thị Định được cưng nhất nhà.

 

Cô sinh ra với thể chất yếu đuối, ốm nhom vì hen suyễn.

 

Trường học xa nhà, ở trọ thì tốn kém, cô Út không được đi học, đành ở nhà học chữ với người anh thứ ba tên là Chẩn. “Người thầy” ấy có ảnh hưởng sâu sắc với cuộc đời cô về nghĩa khí Lục Vân Tiên, về chí hướng đánh Tây, giành độc lập cho đất nước.

 

Cô tận mắt chứng kiến anh Chẩn tham gia cách mạng, bị bắt, bị đánh đập trong nhà giam ở quận. Cô đứng nhìn, căm thù mà không biết làm gì để cứu anh ra, đành khóc tức tưởi.

 

Từ đó, những câu hỏi về thời cuộc, về cách mạng nảy nở trong đầu cô Út. Cô hiểu và tin làm cách mạng là việc tốt nhưng là việc rất khó, là con gái chắc không thể làm được.

 

Năm 16 tuổi, cô Út Định rất đẹp, da trắng, môi đỏ, tóc xoăn, một vẻ đẹp rất đặc biệt. Nhiều gia đình giàu có đánh tiếng dạm hỏi. Tuổi cô thời ấy con gái đã lo lấy chồng nhưng Út Định không quan tâm đến điều hệ trọng ấy.

 

Đó cũng là năm phong trào dân chủ lên cao. Út Định say sưa lắng nghe anh Chẩn và các bạn của anh diễn thuyết, rồi tham gia rải truyền đơn, làm giao liên, lo cơm nước cho các anh, tham gia các hội tương tế ái hữu, cổ động báo “Dân chúng"...

 

Nhưng đó cũng là lúc cô bị sức ép dữ dội từ phía gia đình, buộc cô phải lấy một người giàu có mà gia đình đã nhắm sẵn. Anh Ba Chẩn rất thương và hiểu em gái nhưng cũng không có cách nào làm dịu bớt được bầu không khí căng thẳng trong nhà. Cô Út gặp các anh, đòi đi làm cách mạng, bởi ở nhà cô không còn có sự lựa chọn nào khác.

 

Hiểu thấu được hoàn cảnh của Út Định, các anh lặng lẽ sắp xếp một cuộc gặp gỡ...

 

Hôm đó, cô được các anh nhắn ra vườn quýt. Lòng cô nôn nao, nghĩ rằng các anh giao nhiệm vụ rải truyền đơn, cũng có thể đã chấp thuận cho cô thoát ly, đi làm cách mạng. Không ngờ trước mặt cô là anh Bích - một trong số đồng chí cùng hoạt động với anh cô.

 

Cô vô cùng bối rối, nhận ra hôm nay anh cao lớn, đẹp trai hơn thường ngày rất nhiều. Cô đỏ mặt thầm nghĩ: “Một thanh niên như anh ấy hèn gì mà có nhiều cô gái đẹp, con nhà giàu đeo đuổi”. Không để cô thoát lui, anh hỏi thẳng vấn đề: “Tại sao Út muốn lấy chồng cách mạng?”. Cô bối rối bứt mấy chiếc lá quýt, thật thà nói: “Vì em muốn làm cách mạng”. Anh vặn lại: “Nhưng làm cách mạng cũng phải lấy chồng”. Cô Út nói: “Nếu lấy chồng, phải là người cách mạng, em mới ưng”. Anh hỏi: “Người chồng như thế nào thì cô mới  ưng?”. “Người ấy phải làm cách mạng, phải tốt với ba má em và yêu thương em suốt đời”.

 

Mắt anh Bích sáng lên. Im lặng một lúc, anh nhìn thẳng vào mắt cô hỏi: “Lấy chồng cách mạng không chỉ chồng cô mà bản thân cô và gia đình có thể bị tù, bị giết chết, cô không sợ sao?”. “Không. Em không sợ”. “Nhưng nếu người ấy bị bắt, bị đi tù 9, 10 năm, Định có chờ được không?”. “Em sẽ chờ”.

 

Lời hứa ấy không ngờ trở thành định mệnh, kết chặt hai người với nhau.

 

Sau khi gặp cô Định ở vườn quýt, anh Bích chính thức cầu hôn. Gia đình cô vốn quý một thanh niên trí thức, có chí hướng nên sẵn lòng tác hợp cho đôi trẻ. Họ sống bên nhau những ngày trăng mật ngắn ngủi. Rồi anh Bích lại đi hoạt động. Cô ở lại bám cơ sở. Sau này, cô mới biết anh là Tỉnh ủy viên tỉnh Bến Tre, ở bộ phận hoạt động công khai.

 

Đó cũng là những ngày vô cùng hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ. Khi cô sinh con trai, anh mừng vô kể, cùng vợ thức trông con.

 

Lòng trào dâng niềm hạnh phúc, cô Út thầm nói với con: “Thử hỏi trên thế gian này có người đàn bà nào hạnh phúc như mẹ. Mẹ đã chọn đúng người cùng chí hướng. Mẹ đã chọn cho con người cha tốt phải không?!”.

 

Nhưng hạnh phúc đến với vợ chồng Út Định chưa bao lâu thì giông tố ập đến. Mới sinh con 3 ngày, mật thám đến nhà vây bắt anh Bích. Út Định qụy xuống, ôm con khóc nức nở. Dù anh Bích trấn an “anh sẽ không sao” nhưng nhớ lại dự cảm người cách mạng không tránh khỏi tù đày, cái chết, lòng cô không khỏi lo lắng cho anh...

 

Từ khi anh Bích  bị bắt vào tù, Út Định chỉ được bồng con đến thăm anh có một lần. Dù tự nhủ gặp anh không được khóc, để dành thời gian nói chuyện nhưng trước anh, cô không sao ngăn được nước mắt.

 

Anh Bích giơ tay ra song sắt bồng con. Út Định trao đổi nhanh với anh sẽ gửi con, đi thoát ly. Cô biết chồng rất thương con nhưng cuối cùng tán thành quyết định của cô. Anh nói nhanh là địch đã kết án anh 5 năm tù và 5 năm đày biệt xứ. Anh đã lường trước cảnh tù đày, chỉ thương mẹ con cô. Anh tin cô sẽ vượt qua mọi thử thách như lời cô đã hứa với anh bên vườn quýt năm nào.

 

Anh còn định nói thêm nhiều điều thì tên gác ngục đã báo hết giờ, đuổi mẹ con cô ra ngoài. Lúc ấy, cô mới sực nhớ đến điều hệ trọng nhất, quay lại hỏi anh:

- Đặt tên con là gì?

- Là o­n. Em nhớ không?!

 

Cô đặt tên con là o­n, như anh căn dặn, còn tên khai sinh của con là Nguyễn Ngọc Minh, ngụ ý o­n là viên ngọc tình yêu mãi tỏa sáng của hai người. Ngay hôm sau, ngày 19/7/1940 (chưa đến ngày 21/7- ngày hẹn với tổ chức thoát ly) thì Út Định bị mật thám vây bắt.  Chúng đưa hai mẹ con cô về khám Lá, Bến Tre. Chúng tuyên bố đưa cô đi Bà Rá, buộc cô phải gửi con về nhà. Ôm chặt con thơ trước lúc lìa xa, lòng người mẹ như đứt từng đoạn ruột. Cô biết dấn thân vào con đường cách mạng là chấp nhận thương đau, tù đày, cái chết, nhưng cảnh đứa bé mới 7 tháng tuổi mà sớm bị bứt lìa khỏi cha mẹ thì cô chưa bao giờ nghĩ đến. Trao con cho mẹ, nhìn vẻ mặt ngây thơ của con mà lòng cô đau quặn thắt, nước mắt chảy tràn...

 

Mấy hôm sau, Út Định bị đưa vào một trại giam ở Sài Gòn. Chồng cô cũng bị đưa đến đây. Cô đâu hay rằng “anh Bích” cùng bị giam chung một nhà tù mà không thể tận mặt.

 

Nhà giam này là trạm trung chuyển trước khi  đày anh Bích ra Côn Đảo và Út Định đi Bà Rá. Anh không sợ mình bị đưa vào chốn địa ngục trần gian mà chỉ lo cho vợ không biết có chịu đựng nổi cảnh ma thiêng nước độc ở Bà Rá. Nhưng Út Định đã kiên cường chịu  đựng, đã vượt qua bao thử thách. Đó là nơi hoang sơ không chỉ có vắt, voi, cọp mà còn có “cọp người”.

 

Nguyễn Thị Định được xếp vào khu nhà B - nơi dành riêng cho tù chính trị nữ. Ở đây, mọi người gọi chị bằng cái tên thân mật: Ba Bích - tên người chồng đã bị đày ra Côn Đảo của chị. Chị em rất đoàn kết, thương yêu nhau, kịp thời cảnh giác bọp xếp, bọn cai tù. Các nữ tù không chỉ chịu đựng cảnh lao động khổ sai nhọc nhằn mà còn phải chống lại những trò chọc ghẹo của những tên cò Tây. Có những tên ban đêm mò vào chỗ các nữ tù, định giở trò sàm sỡ. Phát hiện được, chị em hô ầm lên khiến chúng sợ, co mình lại. Lấy cớ vùng này có nhiều cọp, beo, thú dữ nên khi “nó” đến gần thì họ khua thùng thiếc, hô vang để “bọn thú” bỏ đi. Các chị dặn nhau khi đi gánh nước, làm cỏ chớ nên ham bóng mát gần nhà mấy tên Tây...


Chị Ba Bích bày thêm kinh nghiệm là bọn quản tù hay chụp nắm tóc phụ nữ trước khi đánh. Vì vậy, chị em nên cài ít kim may vào trong búi tóc, để khi chúng chụp vào đầu tóc chị em, tay bị kim đâm, sẽ bỏ ra ngay. Tới lúc đó, chị em có thì giờ để đối phó...

 

Biết chị Ba Bích là trung tâm đoàn kết, đấu tranh của khu nhà B; tên quan ba nổi tiếng tàn ác, có thú tính thích nhìn thấy máu đổ, thích xui chó béc-giê cắn xé tù nhân cho ra máu lai láng, bắt chị Ba Bích bước ra sân, giơ cao vỏ chai đựng rượu làm đích cho hắn bắn. Hắn vừa muốn  khoe tài bắn súng vừa "nắn gân" chị Ba Bích “chuyên xách động nữ tù đấu tranh”.

 

Nếu chị Ba Bích không chịu bước ra, không giơ cao chai rượu cho hắn nhắm bắn, hắn sẽ có dịp bêu riếu chị là hèn nhát. Còn nếu thể hiện chí khí, viên đạn của tên quan ba có thể cắm vào cơ thể chị. Hắn đẩy chị vào một tình huống khó xử. Sau phút lưỡng lự, chị Ba bình tĩnh bước ra sân rồi giơ cao vỏ chai rượu lên. “Đoàng”. Tiếng súng nổ, vỏ chai vỡ toang. Hắn khoái chí cười khanh khách. Chưa thỏa mãn thú tính, hắn bắt chị Ba Bích tháo chiếc vòng cẩm thạch đang đeo ở tay - kỷ vật chồng chị tặng ngày cưới mà chị rất quý yêu, làm đích cho hắn bắn tiếp. Quá phẫn uất, chị tháo vòng, ném mạnh vào viên gạch gần đó, làm chiếc vòng vỡ tan. Trước sự bướng bỉnh, gan dạ của Ba Bích, tên quan ba hơi bất ngờ. Lúc ấy, hắn không làm gì nhưng định bụng sẽ trừng trị chị và các “nữ tù ngoan cố” vào một dịp khác. Mấy hôm sau, hắn đưa các chị ra khu nhà sàn của hắn để chứng kiến cảnh hắn trừng phạt tù nhân. Nạn nhân là các tù nam vì không chịu nổi cảnh hà khắc, nhân lúc tên lính gác bắt các anh đào hố chôn tù nhân chết đã giết nó rồi bỏ trốn. Không ngờ, ít lâu sau họ bị bắt trở lại. Hắn tra tấn người tù dã man, cho treo ngược anh lên sàn nhà. Tên quan ba đánh anh một gậy thì con chó của hắn chồm lên cắn anh một miếng. Lúc đầu, người tù vừa la vừa chống đỡ bộ răng sắc bén của con vật nhưng dần dần kiệt sức, bất động. Khi những tên lính tháo dây, thả anh xuống thì anh như một xác không hồn, bê bết máu. Chứng kiến cảnh khủng khiếp ấy, chị em càng khắc cốt ghi sâu mối thù quân cướp nước.

 

Những đòn roi, tra tấn nhục hình không đánh gục được ý chí người phụ nữ kiên trung. Nhưng chúng không hề biết rằng trái tim chị đang bị gặm mòn, hủy hoại vì nỗi khổ đau. Tin tức anh Bích ngoài Côn Đảo vẫn biền biệt. Nỗi nhớ thương con đốt cháy lòng người mẹ. Cứ mỗi sáng, mỗi chiều nhìn ra làn sương mù giăng kín núi đồi, nước mắt chị nhòa đi. Đêm ở Bà Rá buốt lạnh. Chị em tổ chức văn nghệ để quên đi giá rét. Người thích hát vọng cổ, người thích nói thơ. Đến lượt chị Ba, chị cất giọng hát: “Kìa xa xa nơi Côn Đảo - Sóng nước muôn trùng - Hỡi đàn cò trắng - Bay qua ngang trời...”. Giọng chị đang trong trẻo, ấm áp, tình cảm bỗng tắc nghẹn rồi vỡ ra thành nước mắt. Đến lúc đó, mọi người vô cùng hối hận vì đã để chị hát bài hát gợi nhớ nỗi mất mát khôn nguôi.


Bệnh tim ngày càng trở nặng, chị liên tục bị ngất. Chị em nữ tù đấu tranh quyết liệt với tên sếp Tây. Cuối cùng, chúng đành chấp nhận đưa chị về điều trị tại Nhà thương Biên Hòa. Năm 1943, chị Ba Bích (Nguyễn Thị Định) được bọn Pháp đưa về quản thúc tại địa phương...

 

Ngày trở về quê, lòng người mẹ rộn rã, hồi hộp khi bước vào cánh cửa. Đứa con trai lên 4 ngơ ngác nhìn mẹ. Chị chạy đến ôm chặt con vào lòng, như chẳng bao giờ muốn rời xa con, trong lúc đứa bé khóc thét lên, sợ hãi. Đứa bé càng giống cha, tim chị càng đau thắt nỗi nhớ chồng. Ba tháng sau, vết thương những ngày bị đọa đày trong nhà tù đế quốc chưa lành thì chị nhận được hung tin: Anh Bích đã hy sinh ngoài Côn Đảo. Đó là vết thương đau đớn nhất đời. Chị không còn nước mắt để khóc, người nửa điên nửa dại. Nhiều đêm, chị lần bước ra vườn quýt, nơi đã gặp anh năm xưa ngồi khóc một mình.

 

Thương o­n còn thơ dại, chị giấu con nỗi đau mất cha, đau xé lòng trước câu hỏi “sao ba không về” của con trẻ. Chị muốn đi tu, muốn chết cho xong, nhưng nhớ đến lời anh Bích căn dặn “dấn thân vào con đường cách mạng là phải chịu tù đày, cái chết”, nhớ đến bao đồng chí còn đang bị tù tội, đã hy sinh; chị cứng rắn đứng lên. Là góa phụ có nhan sắc, chị bị vây bủa, o ép của bọn tề làng. Chị vừa mềm dẻo, mạnh mẽ chống lại chúng vừa tự nhủ mình phải tỉnh táo trước phong trào thân Nhật. Năm 1944, phong trào Việt Minh lên mạnh, chị bắt được liên lạc với tổ chức. Chị gửi con cho mẹ, lao vào công tác.

 

Trong Cách mạng tháng Tám, người góa phụ trẻ ấy đã cầm cờ dẫn đầu hàng ngàn quần chúng tay dao, tay gậy, cờ, băng, biểu ngữ rầm rộ tiến chiếm thị xã Bến Tre.


Sau ngày khởi nghĩa thắng lợi, chị được tổ chức giữ lại công tác ở cơ quan Phụ nữ tỉnh. Trong ngày rước tù Côn Đảo trở về đất liền, dẫu biết tin anh Bích đã hy sinh, lòng chị vẫn nuôi niềm hy vọng anh còn sống. Chị bồng con ra bến đón các anh trở về. Nhưng cho đến người tù cuối cùng trên tàu bước lên, bóng chồng vẫn biền biệt. Nhìn gương mặt giàn giụa nước mắt của chị, đồng đội anh Bích nói lời chia sẻ: "Anh Bích còn sống, thấy chị tiếp tục công tác, tiến bộ được như vậy chắc hẳn anh ấy rất vui. Từ bây giờ, chị phải vui sống, bởi chị phải làm thay cả phần anh Bích!”.

 

Chị gượng cười cho các anh yên lòng mà vẫn không thể nào lau khô được dòng nước mắt...

 

Cuối năm 1964, Nguyễn Thị Định được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Phụ nữ tỉnh Bến Tre. Giữa lúc chị hăng say công tác, đi thăm hỏi, chăm sóc bộ đội thì được lệnh Tỉnh uỷ gọi về, giao nhiệm vụ: Ra Bắc, gặp Bác Hồ và Chính phủ báo cáo tình hình sau Hiệp định Sơ bộ 6/3 và xin chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam. Năm ấy, Nguyễn Thị Định mới vừa 26 tuổi.

Kỳ 2: Những con người làm nên Đồng Khởi

 

Đoàn miền Nam ra Bắc năm ấy còn có Đoàn  Văn Trường - Tư lệnh Khu 8, Ca Văn Thỉnh, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp...

 

Tháng 3/1946, phái đoàn miền Nam Trung Bộ ra đi trên chiếc tàu đánh cá nghi trang, từ cửa biển Bến Tre ra Phú Yên. Rồi từ Phú Yên, họ ngồi xe lửa ra Hà Nội. Đến nơi, đoàn được bố trí ở ngôi nhà của Bộ trưởng Bộ Giáo dục.

 

Ngay hôm sau, Bác Hồ đến thăm đoàn. Bác ưu tiên cho người phụ nữ trong đoàn nói trước. Chị đứng lên, quá xúc động, không nói được nên lời.

 

Bác đỡ lời: “Thiếu súng đạn lắm phải không? Các cô các chú muốn xin bao nhiêu khẩu mang về?". Chị sung sướng nói: “Dạ thưa Bác, nhiều lắm”. Bác nói: “Thế nào Trung ương và Chính phủ cũng có súng gửi vào Nam. Nhưng nước ta còn nghèo, các cô các chú về, phải đánh Pháp cho giỏi, cướp lấy súng của nó dùng thì cái vốn đó mới nhiều”.

 

Sau này, chị đã vận dụng lời Bác dạy một cách hiệu quả ở chiến trường miền Nam. Kết thúc chuyến đi miền Bắc, chị Ba Định đi thẳng vào Quảng Ngãi - trụ sở của Ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam, nhận súng, tiền và tài liệu của Trung ương mang về cho Xứ ủy Nam Bộ.

 

Chị không chỉ vào được tận kho để nhận phần cho Khu 8 mà còn năn nỉ xin thêm: “Tôi mang một cây mà bị lộ thì cũng chết. Các anh cho tôi một ngàn cây, tôi đi một chuyến cho đáng”. 

 

Thế rồi, bằng lòng quả cảm, trí thông minh, chị Ba Định lại cùng các đồng chí của mình khéo léo vượt trùng dương đưa được 12 tấn vũ khí chi viện cho miền Nam một cách an toàn.

 

Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneve được ký kết, chị Ba Định quyết định ở lại miền Nam, chỉ mình o­n ra Bắc. Người mẹ đứng trên bờ tiễn con, lòng tràn trề niềm tin và hy vọng. Chị đâu ngờ đó là cuộc chia ly vĩnh viễn...

 

Hiệp định Geneve bị địch vi phạm nghiêm trọng. Cán bộ kháng chiến cũ bị đặt ngoài vòng pháp luật. Nhiều chi bộ bị xóa trắng. Chị phải giả làm nghề nuôi heo, nuôi gà vịt tại nhà một đồng bào ở giữa cánh đồng vùng giáp ranh ba xã Tân Hòa, Thạnh Phú Đông, Phước Long.

 

Ở Bến Tre và nhiều địa phương khác, chính quyền Diệm lập hội đồng hương chính, dùng những tên địa chủ vốn căm thù Cộng sản làm đại diện, sẵn sàng bắn chết người nếu tình nghi “Việt Cộng”. Bến Tre sống trong cảnh ngột ngạt và khó thở cùng cực.

 

Giữa lúc ấy, đồng chí Lê Duẩn được cử về Bến Tre nắm tình hình, tổ chức và động viên bà con hãy kiên định đấu tranh giành độc lập. Đồng chí Lê Duẩn căn dặn Tỉnh ủy phải xây dựng nội tuyến trong quân ngụy, khẩn trương xây dựng tự vệ ngầm ở vùng yếu.

 

Khi anh Ba Duẩn được Trung ương mời ra họp ở Hà Nội, tận mắt chứng kiến cảnh đồng bào bị giặc khủng bố, càng thôi thúc “anh Ba” hoàn chỉnh "Đề cương cách mạng miền Nam" cho Hội nghị Trung ương lần thứ 15 - một hội nghị quan trọng nhất của Trung ương năm 1959 bàn về sự chuyển hướng đấu tranh của Cách mạng miền Nam.

 

Bản thân bà Nguyễn Thị Định nhiều lần thoát chết trong gang tấc. Bà đã từng cải trang thành người tu hành, người chăn vịt, người đi mua bán, làm vợ bé, người ở... Đôi chân của bà hết in dấu bên Minh lại về bên Bảo, hết qua An Hóa lại về Châu Thành xây dựng cơ sở, nắm tình hình phong trào.

 

Cái đầu của bà được địch treo giá: “Thưởng 10.000 đồng cho ai bắt được Nguyễn Thị Định". Nhờ sự dũng cảm của các đồng chí, của người dân, kể cả của các em bé, bà đã vượt qua tất cả hiểm nguy. Một lần, bà lần về xã Phước Thạnh trong đêm khuya, ở lại gia đình anh chị Tư - một cơ sở nòng cốt. Anh có hai đứa con: cháu gái tên Thành, cháu trai tên Công. Sáng hôm sau, vì quá mệt, bà ngủ quên. Bất ngờ bọn lính ập tới. Thành hốt hoảng lay bà dậy. Bà chỉ kịp dỡ nắp hầm, nhảy xuống, mặc dù biết làm vậy rất nguy hiểm nhưng không còn con đường nào khác.

 

Thành lanh trí đổ nồi cháo heo đã nấu xuống miệng hầm. Cháo văng tung tóe, bít cả miệng hầm. Thành tát vào mặt em, quát: “Mày hư quá, làm bể nồi tấm, má về đánh cho coi!”. Công bị đánh đau, không biết gì, ức quá, òa lên khóc.

Vừa lúc đó, hàng chục tên lính bước vào nhà. Thấy ngôi nhà chỉ có hai đứa bé nheo nhóc, với nồi cháo heo vung vãi, bọn lính ngán ngẩm bỏ đi. Bà thở phào nhẹ nhõm, khen Thành nhanh trí đã cứu được bà...

 

Cuối năm 1959, Mỹ - Diệm cho xây khu trù mật ở Bến Tre. Ý đồ thâm độc của chúng là gom tất cả gia đình có người đi tập kết, cán bộ thoát ly và đồng bào yêu nước vào địa ngục trần gian này.

 

Đồng bào nhất quyết không đi. Địch tăng cường hai đại đội do tên Ba Hương khét tiếng ác ôn chỉ huy, phối hợp với hai tiểu đoàn của Sư đoàn 7 trấn áp bà con.


Chúng châm lửa đốt nhà, đốn cây, dùng xe ủi phá nát ruộng lúa. Chúng bắt thanh niên đi làm xâu, thẳng tay đàn áp đồng bào đấu tranh.  Giữa ban ngày, chúng ngang nhiên bắn giết, hãm hiếp. Chúng bắn chết những trẻ chăn trâu rồi dùng dao găm chặt đầu, xách về khu trù mật, nói là đã trừ được hai tên trinh sát lợi hại của Việt Cộng. Được cán bộ chỉ dẫn, hàng ngàn quần chúng đã kéo đến khu trù mật đưa yêu sách:

 - “Chống bắt dân làm xâu!

- Đòi bồi thường huê lợi, tài sản hư hao!

- Đòi trở về chỗ cũ làm ăn...”.


Tên ác ôn thẳng tay cho đàn áp đồng bào. Hắn xông vào đám đông, đạp vào giữa bụng người phụ nữ đưa yêu sách. Chị ngất xỉu, mình bầm đen. Vậy mà khi tỉnh dậy, chị động viên đồng bào: “Các bà, các chị cứ yên tâm. Tôi còn sống, bà con cứ khiêng tôi xuống quận đấu tranh...”

 

Lửa căm thù âm ỉ bốc cháy. Nhân dịp Ngô Đình Diệm đi thăm khu trù mật, bà con bất chấp hàng rào cảnh sát, quần áo bẩn thỉu, rách nát; đầu trùm khăn tang, xông ra đường đấu tranh. Một cuộc đàn áp dữ dội diễn ra.

 

Cuối cùng người dân cũng đưa được bản kiến nghị cho Ngô Đình Diệm. Lợi dụng thời cơ, nhiều bà, nhiều chị níu áo Diệm và các tên sĩ quan khóc la thảm thiết, đòi trả lại họ chồng, con, cha mẹ...

 

Ngô Đình Diệm hoàn toàn bất ngờ, lúng túng, nói vài câu hứa hẹn rồi lên máy bay về Sài Gòn. Sau cuộc kinh lý thất bại này của Diệm, bà con Bến Tre bị bọn tay sai trả thù  bằng những trận khủng bố, ruồng ráp dữ dội hơn. Luật 10-59 của Mỹ Diệm gieo bao đau thương tang tóc cho người dân.

Máy chém lê đi khắp nơi, nhà tù mọc lên khắp miền Nam. Báo chí chính quyền Diệm cổ động “hễ bắt được Cộng sản thì xử tại trận, chém không run tay”. Những quần chúng ở Mỏ Cày vừa khóc, vừa căm phẫn nói nới bà Định: “Chị Ba ơi, phải võ trang mới sống, không thì anh em chết hết. Lúc này có võ trang, chị gọi một tiếng là bà con đi ngay....”.

 

Điều mong mỏi tha thiết của bà con cũng là nỗi mong đợi tha thiết của Tỉnh ủy. Nhưng bà và các đồng chí trong Tỉnh ủy luôn bị giằng xé, giữa một bên là ý thức chấp hành kỷ luật Đảng, một bên là nỗi bức xúc phải vũ trang để bảo vệ nhân dân.

Giữa lúc tiến thoái lưỡng nan, may mắn thay, bà nhận được điện Khu ủy gọi lên họp gấp để nghe phổ biến nghị quyết mới, rất quan trọng của Trung ương Đảng. Tại Khu ủy ở Đồng Tháp Mười, nghe đồng chí Sáu Đường - Bí thư Khu ủy báo cáo tình hình và chủ trương của Trung ương, chuyển hướng đấu tranh cách mạng, bà như mở cờ trong bụng.

 

Vậy là Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng rõ ràng đã chủ trương phát động nhân dân miền Nam đấu tranh chính trị  có kết hợp vũ trang để tự vệ.

 

Do địch liên tiếp lùng sục nên cơ sở và Tỉnh ủy phải liên tục di dời. Việc liên lạc rất khó khăn, để chậm sẽ mất thời cơ. Cuối cùng, các đồng chí trong Tỉnh ủy cũng gặp lại nhau và đồng chí Bảy Hiền - Tỉnh ủy viên mạnh mẽ nói: “Dứt khoát phải làm ngay mới kịp. Ta cứ nổi dậy, tức khắc sẽ bắt được liên lạc”.

 

Trong gian buồng bé nhỏ, được soi bởi ngọn đèn khi mờ khi tỏ, 7 đồng chí kiên trung năm ấy đã thắp lên ngọn lửa Đồng khởi, đi vào lịch sử cách mạng miền Nam. Chưa bao giờ bà và các đồng chí có mặt hôm ấy thấy mình đang gánh trên vai sự nghiệp cách mạng quá lớn.

 

Bà nhắc lại: “Bảy người chúng ta có mặt ở đây, hôm nay sẽ cùng chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy và Khu ủy. Nếu làm sai, mình xin chịu kỷ luật, mà làm đúng thì lấy thắng lợi bước đầu phát triển lên”.

 

Vấn đề nan giải nhất là lực lượng và vũ khí. Họ cùng tỉnh táo nhìn nhận thực lực của ta chỉ còn không đầy 20 chi bộ và 200 đảng viên, với 4 cây súng hư, cũ; mỗi khẩu chưa đầy 10 viên đạn. Nếu lực lượng nổi dậy lẻ tẻ, không đồng loạt, không có khí thế áp đảo, địch sẽ tập trung đàn áp, cơ sở quần chúng sẽ bị khủng bố, quét sạch, khó mà gượng dậy nổi.

 

Tại hội nghị, trong tập thể 7 người, không hẹn mà ai cũng dùng đến từ đồng khởi.

Trong ý nghĩ của bà Định, hai chữ đồng khởi được liên tưởng từ cuộc khởi nghĩa đồng loạt trong Cách mạng tháng Tám, phải nhất tề nổi dậy mới thắng được. Hội nghị chọn quận Mỏ Cày làm trọng điểm đồng khởi.

 

Để có ngay lực lượng võ trang làm nòng cốt trừ gian, diệt ác; bà đề nghị chọn ở mỗi xã một số thanh niên trung kiên, lập ra những tổ hành động, trước mắt trang bị bằng dao, mác, mã tấu đồng thời tìm người, tìm chỗ sửa mấy khẩu súng hư, giao cho mỗi tổ ít nhất một cây súng “làm vốn”.

 

Ngoài việc nghi binh, Tiểu đoàn 502 Đồng Tháp (Tiểu đoàn này đánh trận Gò Quản Cung nổi tiếng ở Hồng Ngự năm 1959, chỉ một trung đội, lập kế diệt cả tiểu đoàn địch, bắt sống 105 tên, thu 150 súng), ta còn tung tin có bộ đội chủ lực miền Bắc tham gia đồng khởi.

 

Bà còn cho một số thanh niên xã này qua xã khác học nói giọng miền Bắc, khi có lệnh lũ lượt hành quân, vác súng giả tự tạo như súng cây, súng bập dừa có bọc ni lông giả làm như bộ đội thật và súng thật để hù dọa địch, mặt khác động viên nhân dân nổi dậy. Tài năng quân sự cùng với sự thấu đáo của Ban tham mưu mà người chỉ huy trực tiếp là Nguyễn Thị Định đã lập nên kịch bản đồng khởi vô cùng tỉ mỉ, chu đáo.


 Ảnh minh họa
 Đội quân tóc dài của tỉnh Bến Tre
Ngày 17/1/1960, trận đánh diệt Tổng đoàn dân vệ ở xã Định Thủy, Mỏ Cày đã báo hiệu giờ đồng loạt nổi dậy cuộc Đồng khởi.

 

Lực lượng vũ trang được sự phối hợp nổi dậy mạnh mẽ của đồng bào, lấy gọn bót Định Thủy. Mỗi người dân tay cầm tầm vông, dáo, phảng, cờ đỏ sao vàng từ chợ Định Thủy kéo ra phối hợp như nước vỡ bờ. Quân địch ở Mỏ Cày bị phao tin “quân đội Việt Cộng về lấy bót Định Thủy, đang kéo tới Mỏ Cày rất đông", bèn co cụm lại giữ bót, không dám tiếp viện cho Định Thủy.

 

Thế là ngay trong ngày đầu tiên của Đồng Khởi, quân và dân Bến Tre đã đánh thắng hai trận ròn rã. Những trận thắng lịch sử đầu tiên này đã hình thành nên thế tấn công ba mũi rất đẹp. Từ đó, bà Nguyễn Thị Định đã sáng tạo nên phương pháp cách mạng tiến hành ba mũi giáp công, góp phần đưa cách mạng miền Nam lên cao trào mới.

 

Sau khi bị đòn bất ngờ, choáng váng của ngọn triều Đồng khởi, chỉ 10 ngày sau, bọn địch mới vỡ lẽ quân cách mạng chỉ có tay không, nổi lên bằng sức mạnh của quần chúng với gậy tầm vông, vũ khí thô sơ, chẳng có quân giải phóng miền Bắc nào cả. Chúng bắt đầu phản công dữ dội.

 

Ngày 22/2/1960, Mỹ - Diệm tập trung hơn 10.000 quân, có thủy quân lục chiến từ Sài Gòn xuống phối hợp với bảo an, dân vệ hiện có ở Bến Tre, Trà Vinh mở cuộc cuộc hành quân lớn vào Bình Khánh, Phước Hiệp, Định Thủy. Chúng tuyên bố “sẽ làm cỏ ba xã, tiêu diệt hết Việt Cộng ở Mỏ cày và lập lại trật tự cũ”.

 

Trước tình thế này, một mặt, bà chỉ đạo lực lượng vũ trang chống càn. Mặt khác, huy động lực lượng quần chúng làm công tác binh vận, đấu tranh chính trị.

 

Thay vì giữ dân tại chỗ để giữ thế hợp pháp, bà chủ trương huy động một lực lượng lớn quần chúng xông thẳng vào Mỏ Cày đấu tranh chính trị, tố cáo tội ác của giặc ở Phước Hiệp - nơi giặc càn quét lớn.

 

Ngày 27/2/1960, đồng bào Bình Khánh, Phước Hiệp, Định Thủy ngồi trên mấy trăm chiếc xuồng kín mặt sông, chở quần áo, mùng màn, giẻ rách, bồng con cái nối đuôi nhau ra thị trấn. Các xã khác cũng ùn ùn kéo theo. Lực lượng ấy phần lớn là phụ nữ, họ tổ chức thành đội ngũ hẳn hoi, tiến hành cuộc đấu tranh trực diện với địch, đòi chấm dứt càn quét, bắn giết, đòi bồi thường nhân mạng...

Tên cảnh sát đóng chặt cổng. Giằng co suốt 12 ngày đêm, địch đành chấp nhận yêu sách, kéo nhau đến xã Phước Hiệp thừa nhận tội ác  bọn thủy quân lục chiến và hứa rút bọn này về.

 

Cuộc đấu tranh chính trị thắng lợi rực rỡ, bọn Mỹ - Diệm phải gờm sức mạnh lợi hại đội quân chúng gọi là “đội quân đầu tóc”. Sau này, Bác Hồ gọi đội quân này là “đội quân tóc dài”. Tên tuổi Nguyễn Thị Định gắn liền với cuộc Đồng khởi như sóng triều vang dậy, lan khắp miền Nam. Tên tuổi của bà cũng gắn liền với đội quân tóc dài Đồng khởi.

 

Trang phục mà nữ tướng thường mặc vẫn là bộ quần áo bà ba đen, đôi khi màu cỏ úa, màu kem nhạt; khăn rằn quấn cổ, nón lá, đi dép râu, vai đeo túi để sẵn sàng lấy ra cây kim, sợi chỉ vá áo cho bộ đội, lấy ra miếng sừng tê giác khi có ai đó bị rắn cắn; lấy viên thuốc, miếng đường cho chiến sĩ nào đó lên cơn sốt... 

 

Kỳ 3: Những tháng năm làm tướng

 

 Ảnh minh họa
Bà Nguyễn Thị Định thăm mộ con trai năm 1973.
Ngày 2/9/1960, trong chuyến công tác, tranh thủ thời khắc yên tĩnh hiếm hoi, bà Nguyễn Thị Định viết cho con trai lá thư chan chứa tình yêu thương người mẹ. Bà không khỏi xốn xang khi 6 năm xa cách mà bà chỉ một lần nhận được thư con. Bức ảnh của anh o­n gửi về đủ làm lòng người mẹ vui sướng, tự hào. Vừa gửi xong lá thư, trở về Cơ quan Tỉnh ủy thì nhận được bức điện “Cháu o­n con chị Ba, bị bệnh mất ngày 4-5-1960”. Bà bàng hoàng, sửng sốt, thấy trời đất quay cuồng. Bà cố không để mình ngất xỉu trước mặt đồng chí nhưng trái tim như có bàn tay ai bóp nghẹt. Với bà, o­n là tình yêu, là tất cả niềm hy vọng. Tất cả đồng chí của bà hôm ấy đều im lặng, bởi họ biết bất cứ lời an ủi nào cũng vô nghĩa trước nỗi đau của người mẹ. Người chỉ huy lau nước mắt, nén lại nỗi đau, tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu quyết liệt...

 

Tháng 5/1961, bà được bầu vào Khu ủy viên Khu 8, Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ Khu 8. Năm 1965, bà là Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Giải phóng miền Nam. Cũng trong năm 1965, giữa lúc đang công tác ở Cơ quan Hội phụ nữ, bà được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mời sang gặp Bộ Tư lệnh Miền, giao nhiệm vụ: “Bác Hồ và Bộ Chính trị quyết định rút chị lên làm Phó Tư lệnh Các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Ngoài công tác chung, Bộ Tư lệnh phân công chị theo dõi chỉ đạo phong trào chiến tranh du kích, đấu tranh chính trị”.

 

Bà ngỡ ngàng trước trọng trách được giao, vừa thấy tự hào, vừa lo lắng. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nói: “Cuộc chiến tranh nhân dân của ta là cuộc chiến tranh không có trận tuyến, phải đánh giặc bằng quân sự và bằng chính trị. Do nhu cầu của chiến lược, Bộ Tư lệnh Miền phải có một đồng chí biết rành về chỉ huy lực lượng đấu tranh chính trị trực diện. Chị cứ mạnh dạn nhận nhiệm vụ, cần gì chúng tôi sẽ hỗ trợ”.

 

Bà thao thức suốt mấy đêm không ngủ. Bà tự nhủ đã nhận nhiệm vụ thì phải ráng hết sức, phải học, vừa làm vừa học. Bà  chợt nhớ lời dạy của Bác Hồ cách đó 20 năm, trong chuyến ra miền Bắc xin Trung ương hỗ trợ vũ khí đánh Pháp. Với tinh thần nghiêm túc, giữa rừng sâu, bà lao vào học lý luận, nghiên cứu khoa học quân sự.


Sự có mặt của Phó Tư lệnh Nguyễn Thị Định trong Bộ Tư lệnh Miền đã góp phần làm cho cái nhìn của lãnh đạo, chỉ huy toàn diện, thấu đáo hơn từ cuộc chiến tranh nhân dân.

 

Hãy nghe Thượng tướng Trần Văn Trà nói về nữ tướng Nguyễn Thị Định: “Sự thực là có chị Ba Định ở Bộ Tư lệnh, nhiều việc cụ thể ở chiến trường đã được làm sáng tỏ. Dưới sự chỉ đạo của anh Nguyễn Chí Thanh ở cương vị Chính ủy, chúng tôi được phân công giúp chị nắm những vấn đề cơ bản về chỉ huy và công tác tham mưu quân đội, cũng như công tác chính trị trong các lực lượng vũ trang, đồng thời chúng tôi cũng học tập được ở chị nhiều kinh nghiệm quý báu trong lãnh đạo đấu tranh chính trị và trong công tác xây dựng phong trào quần chúng.


Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về sự thông minh và hiểu biết nhanh chóng của chị về các vấn đề quân sự. Chỉ sau một thời gian không dài, chị đã có nhiều ý kiến đóng góp có giá trị trong việc chỉ huy lực lượng tổng hợp trên chiến trường.


Trong công tác, chị bộc lộ khá rõ sự năng động và tinh thần tích cực, hết mình trong mọi việc. Chị hầu như có mặt trong tất cả các cuộc hội nghị tổng kết về chiến tranh du kích, trong Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua của Miền. Chị đi thăm các sư đoàn, trung đoàn chủ lực, các đơn vị binh chủng không chỉ ở nơi đóng quân mà còn ở mặt trận. Chị quan tâm cụ thể đến việc tổ chức, huấn luyện, tác chiến và cả việc ăn ở, giải trí của chiến sĩ.

 

Anh em tiếp đón chị với cương vị người chỉ huy, đồng thời như người chị cả thân thương, họ thường gọi chị  bằng cái tên “Chị Ba” trìu mến. Anh Nguyễn Chí Thanh có lần nói vui với chị là “Chúng tôi ghen với chị về lòng thương yêu, quý mến của cán bộ, chiến sĩ đối với chị đấy...”.

 

Đọng lại trong ký ức Thiếu tướng Bùi Cát Vũ là chân dung một nữ tướng thật đẹp: "Bước vào lán của chị Ba, cái đập vào mắt trước tiên là tấm bản đồ không ảnh toàn miền Nam bằng lụa treo trên vách. Kế đó là chồng sách quân sự. Trên bàn làm việc của chị lúc nào cũng có một quyển đang xem dở. Chị nghiên cứu, chị học ngày, học đêm chiến thuật chiến tranh hiện đại. Nhớ hôm địch tấn công vào căn cứ, Bộ Tư lệnh phải di chuyển đến nơi an toàn, mỗi người ở cách xa nhau trong cự ly một quả bom đìa để hạn chế bom sát thương một lúc hai người. Bên bờ suối hoang vắng, chị vẫn đọc sách...”.

 

Và ông đã đánh giá về tài năng quân sự của vị nữ Phó Tư lệnh: “Tôi mời chị đi xem đơn vị diễn tập, chị vui vẻ nhận lời, và tôi đã tổ chức bảo vệ chị đi chu đáo. Chị tham quan diễn tập với cặp mắt và bộ óc của người chỉ huy binh chủng hợp thành. Chị chỉ ra những chỗ cần phải suy nghĩ thêm, khi chiến đấu ở đồng bằng với điều kiện địch chiếm ưu thế tuyệt đối về không quân, pháo binh, xe thiết giáp, đổ bộ trực thăng. Phải công nhận rằng, với bề dày kinh nghiệm lăn lộn đấu tranh nhiều năm qua, chị biết địch biết ta, am hiểu thời tiết, địa hình, chị tiếp thu nghệ thuật tác chiến hiện đại khá nhanh với nhiều hứa hẹn sáng tạo...”.

 

Bà Nguyễn Thị Định thường không mặc quân phục, không mang quân hàm dù phòng quân trang đo may cho bà những bộ quân phục rất đẹp để tiếp khách quốc tế (trong vùng căn cứ, thỉnh thoảng cũng có đoàn khách nước ngoài, nhà báo, nhà văn... đến thăm, bày tỏ lòng ngưỡng mộ và chia sẻ khó khăn với Trung ương Cục trong kháng chiến chống Mỹ).

 

Trang phục mà nữ tướng thường mặc vẫn là bộ quần áo bà ba đen, đôi khi màu cỏ úa, màu kem nhạt; khăn rằn quấn cổ, nón lá, đi dép râu, vai đeo túi để sẵn sàng lấy ra cây kim, sợi chỉ vá áo cho bộ đội, lấy ra miếng sừng tê giác khi có ai đó bị rắn cắn; lấy viên thuốc, miếng đường cho chiến sĩ nào đó lên cơn sốt... 

Nơi nào có “chị Ba”, nơi đó cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ được cải thiện. Trong rừng sâu, bà biết cách chế biến bột mì thành món bánh bao tuyệt hảo. Bà đồng cam cộng khổ với chiến sĩ, tập đi xe đạp băng qua đường rừng dài hun hút để ra mặt trận...

Bà Nguyễn Thị Định vá áo cho chiến sĩ trong chiến khu đông nam bộ năm 1968

 

Sau này, được  gặp  các nữ chiến sĩ của “chị Ba” bằng xương bằng thịt, tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn về những dòng khắc họa cốt cách vị nữ tướng.

 

Nếu không có tình thương sâu thẳm, không có cái nhìn thấu đáo, khi nghe thành tích đặc biệt của nữ du kích Võ Thị Mô, dù hết lời khen ngợi sự dũng cảm của chị nhưng bà cũng phân tích, đưa ra lời khuyên chí tình: “Nữ không nên đánh công đồn, bởi công đồn không hợp với sức khỏe phụ nữ, do mỗi lần vô đồn phải vác mìn DH.10 nặng 15 ký, vác khẩu AK cùng 6 băng đạn, một số lựu đạn. Những cuộc hành quân chiến đấu gian khổ không hợp với chị em. Chị em chỉ nên đánh gọn, đánh nhỏ và nắm tình hình, làm trinh sát, báo tin cho lực lượng ta tấn công địch. Ở vùng giải phóng, địch ném bom, bắn pháo dữ dội, sinh hoạt ăn uống thiếu thốn, nên chị em rất vất vả. Vì vậy, chỉ nên xây dựng lực lượng nữ du kích ở xã, huyện, không nên tổ chức ở tỉnh. Và cần phải tổ chức các đơn vị nữ xen kẽ với các đơn vị nam để hiệp đồng chiến đấu, hỗ trợ nhau”.


Vì thương mà khuyên vậy nhưng “lính chị Ba Định” có mặt khắp mọi chiến trường, có mặt ở khắp các binh chủng, không chỉ có những nữ du kích gan dạ, dũng cảm mà còn có những tay súng cừ khôi, có cả nữ pháo binh giỏi, tình báo, biệt động...

 

Chưa có thời kỳ nào nở rộ những bông hoa đánh Mỹ như thời bà Định làm Phó Tư lệnh. Chức vụ xã đội, huyện  đội, tỉnh đội không ít phụ nữ đảm nhiệm.

Chị Võ Thị Mô nói: “Nếu không có cô Ba Định, chắc tôi không còn tới giờ. Sau Mậu Thân, cô Ba rút tôi lên R. vì  biết nếu ở lại Củ Chi, với mức độ khủng bố dữ dội của địch, với sự bướng bỉnh, gan lì đánh giặc kiểu chị em du kích chúng tôi thời chiến tranh cục bộ, thế nào tôi cũng hy sinh.

 

Nếu không có cái nhìn thấu đáo, bà đã không bảo vệ được cho Thu Hà - một chỉ huy du kích dũng cảm, thành lập Tiểu đội Thu Hà đánh giặc ở Bến Tre. Trong một chuyến đi công tác, Thu Hà bị phục kích, rơi vào tay giặc. Tin Thu Hà “chiêu hồi”, nhận làm tay sai cho địch để dò xét chị em bay qua tường vách nhà giam, đến tai người chỉ huy. Bà khuyên mọi người hãy bình tĩnh, và nói rõ: “Con nhỏ đó rất dũng cảm và gan góc. Chính tôi khi làm Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, đã chọn gởi nó đi học khóa đào tạo cán bộ khung đại đội. Tôi hiểu khá sâu về nó. Tôi không tin nó có thể đầu hàng địch một cách dễ dàng. Cần phải kiểm chứng lại cho chắc chắn, trước khi nói rộng ra...”.

 

Nhờ thái độ thận trọng trước sinh mệnh chính trị của một cán bộ mà sau đó, Thu Hà được minh oan, được giải tỏa. Năm 1973, khi được trao trả tại Lộc Ninh, Thu Hà gục vào ngực “chị Ba” òa khóc nức nở.

 

Rất nhiều chiến sĩ của “chị Ba” sau này nhớ lại, bị vây bủa giữa bộn bề công việc, phải căng đầu óc ra đối phó trước kẻ thù đông và mạnh gấp nhiều lần nhưng bà đã thấu đáo đến từng chiến sĩ ở những ngóc ngách đời sống tưởng như bé nhỏ nhất.

 

Bà tạo mọi điều kiện cho những cán bộ, chiến sĩ do mải mê chiến đấu chưa lập được gia đình tìm hiểu bạn đời, làm lễ cưới, chia sẻ những tiêu chuẩn ở rừng vốn ít ỏi cho những đứa bé trong rừng sâu.

 

Bà gửi cơ sở mua cây đàn ghita hiệu Yamaha tận Phnômpênh tặng cho Đoàn Văn công Đồng Tháp. Trong hoàn cảnh chiến tranh có được cây đàn ấy là một nhạc cụ, càng quý hơn là tấm lòng, là sự quan tâm đến những người làm văn nghệ kháng chiến của vị nữ Phó Tư lệnh Miền...

Nếu có ai đó còn hoài nghi về tài năng cầm quân của bà Nguyễn Thị Định thì xin tìm hiểu về trận càn Johnson City.

 

Đó là trận càn lớn nhất của Mỹ - ngụy vào tháng 2/1967, huy động 7 lữ đoàn Mỹ, 2 chiến đoàn ngụy gồm 50.000 tên, 1.100 xe tăng, toàn bộ máy bay nhằm xóa sạch căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

 

Bộ Tư lệnh họp, quyết định bằng mọi giá phải bảo vệ vùng căn cứ; chuyển thế bị động sang chủ động tấn công địch. Bộ Tư lệnh phân công bà Nguyễn Thị Định chỉ đạo các đơn vị văn công, tuyên huấn, du kích các cơ quan, đoàn thể tham gia đánh địch.

 

Bà họp toàn thể anh chị em nói: “Mình có ít người, ít vũ khí, phải chia thành từng tổ nhỏ, đào công sự thật chắc, đón hướng đi của địch, đánh cho chúng những đòn bất ngờ, làm chúng nghi là có quân chủ lực đánh”.

 

Cuộc chống càn đã diễn ra đúng như kế hoạch đã chuẩn bị. Suốt 2 ngày đêm, quân ta bẻ gãy cánh quân chủ yếu của địch. Địch lại mở trận tấn công đợt 2. Dưới hầm, bà vẫn bình tĩnh chỉ huy trận đánh.

 

Bốn giờ chiều, Bộ Tư lệnh nhận được tin du kích khối cơ quan do “chị Ba” chỉ huy đã bắn cháy một số xe tăng địch. Sau những ngày bị du kích đánh cho mệt mỏi, rã rời, địch phải co cụm lại một nơi. Lúc ấy, các đơn vị chủ lực của ta đánh thẳng vào những cụm đóng quân của địch, diệt được nhiều xe tăng,  máy bay.

 

Trận càn Johnson City địch thất bại thảm hại. Rừng Tây Ninh vang tiếng hát chiến thắng, bà Nguyễn Thị Định được cán bộ chiến sĩ rất khâm phục. Sau đó, bà lại trở về với vai trò người mẹ, người chị, lo nấu một bữa ngon lành đãi các chiến sĩ bằng những chiến lợi phẩm mà họ thu được...

 

Trong đợt Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, bà Nguyễn Thị Định được Bộ Tư lệnh phân công đi chỉ đạo tỉnh Tây Ninh. Người nữ tướng ấy đội chiếc bọc vải dù, khoác mảnh vải dù ngụy trang, cùng các chiến sĩ đạp xe lên đường.

 

Dốc cao, bị một khúc cây ngáng ngang đường, xe mất đà, đổ ập xuống. Chân bị thương nặng nhưng bà vẫn  tiếp tục lên đường, bởi bà đang cầm trong tay lệnh truyền đạt nghị quyết.

 

Quên cả đau, bà cùng đoàn đi bộ suốt đêm không nghỉ. Đến nơi - bà bình tĩnh trụ lại căn nhà hầm gần Tỉnh đội để phổ biến nghị quyết của Trung ương, kế hoạch của Bộ Tư lệnh Miền, nhấn mạnh tình hình khó khăn của Tây Ninh. Tại đây địch lập các ấp chiến lược trong đó có bọn tay sai đội lốt tôn giáo, lôi kéo nhân dân.

 

Bà chỉ đạo đưa cán bộ nữ vào ấp chiến lược, xây dựng cơ sở, để khi anh em tấn công có chỗ ém quân, xây dựng lực lượng tự vệ mật tại chỗ, tranh thủ các tín đồ, tích cực làm công tác binh vận để làm tan rã quân Cao Đài do ngụy xây dựng, cô lập chức sắc ác ôn.

 

Bà nhấn mạnh: “Chúng ta không được quên hai vấn đề bí mật và bất ngờ. Trong lúc bộ đội ta đánh vào thành phố lớn, các đồng chí phải  tranh thủ cơ hội đánh lớn bằng 3 thứ quân bao vây bức hàng, bức rút, mở rộng vùng căn cứ...”.

 

Đối với người kế tục, bà Nguyễn Thị Định không bao giờ đưa ra những chuẩn mực về đạo đức, tài năng; không nói những lời dạy bảo phải làm cái này, phải làm như thế kia nhưng bản thân bà, chính thái độ, cách ứng xử của bà trong cuộc sống đã là bài học lớn lao, đầy thuyết phục để những người kế tục hiểu họ cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa...

 

Kỳ 4: Trong ký ức người cùng thời

 

Năm 1970, khi Lonnon  lật đổ Xihanúc, các căn cứ của ta ở biên giới Campuchia càng gặp nhiều khó khăn. Chăm chú theo dõi tình hình Campuchia, bà Nguyễn Thị Định trao đổi với các đồng chí ở H12 (Trường sơ cấp Quân giải phóng của Bộ tư lệnh Miền), tìm cách đối phó, bảo vệ căn cứ.

 

Bà Nguyễn Thị Định thăm đền Hai Bà Trưng-Hát Môn-Hà Tây

 

Bà phân tích: Địch bên sông Vàm Cỏ chỉ cách ta một con sông nhỏ, ta phải gấp rút tập trung thành lực lượng thống nhất đủ sức đối phó, tránh tình trạng phân tán quá nhỏ, hành động rời rạc. Ta phải ngụy trang chu đáo các kho tàng, tổ chức chiến đấu ở mỗi khu vực. Cần phân tán kho lớn, những vũ khí gọn nhẹ như AK, KCK, K63, B40... chia cho các đơn vị giữ và chiến đấu.

 

Bà kiên nghị nói: “Trong lúc chờ chủ trương của Bộ, của Trung ương Cục, tôi sẽ chịu trách nhiệm trước cấp trên và quyết định đánh. Trong lúc này, ta phải dám nghĩ dám làm, bỏ lỡ thời cơ, ta sẽ gặp khó khăn lớn!”. Rất may, Bộ kịp thời gửi điện xuống căn cứ, giao trách nhiệm cho bà Định cùng Sư đoàn 9, tỉnh Tây Ninh đánh địch bảo vệ lực lượng, bảo vệ căn cứ.

 

Ông Huỳnh Tấn Phát - Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời đến gặp bà, trao đổi: “Ý kiến của trên muốn đưa hai cơ quan về phía Nam, chị nghĩ sao?”. Bà nói: “Nếu đưa cơ quan Chính phủ Cách mạng lâm thời về phía Nam, ta sẽ mắc mưu địch. Nó đang chờ ta để tiêu diệt. Theo tôi, anh cứ tìm chỗ cho cơ quan di chuyển. Tôi sẽ chịu trách nhiệm tổ chức phối hợp chiến đấu bảo vệ cơ quan đầu não của ta”. Ông Huỳnh Tấn Phát đồng ý.

 

Thế là một không khí sôi nổi, khẩn trương diễn ra.

Quân Mỹ cho quân đổ xuống Xóm Giữa, gần trường Lê Thị Riêng, máy bay B.52 liên tục thả bom. Dưới đất, chúng cho từng đoàn xe bao quanh căn cứ dày đặc, quyết tâm tiêu diệt cơ quan đầu não của kháng chiến.

 

Bà Định cùng Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát nhận trách nhiệm dẫn cơ quan dân vận gồm gần 1.000 người lặng lẽ băng trong rừng, trong mưa. Đúng lúc đó, bác sĩ Dương Quỳnh Hoa - Bộ trưởng Y tế của Chính phủ cách mạng lâm thời "nhằm" lúc nước sôi lửa bỏng ấy đau đẻ. Bà Định đã lường trước tình huống này, cắt đặt một tổ, có cả bác sĩ phẫu thuật chở xe đạp đưa nữ Bộ trưởng đi trước. Rất may, mẹ tròn con vuông. Sinh con xong, nghỉ được một lúc, Quỳnh Hoa tiếp tục hành quân.

Cuộc hành quân đúng như dự kiến của bà Định. Trong lúc cơ quan di chuyển, các lực lượng vũ trang đã anh dũng chiến đấu, bẻ gãy được cuộc càn. Các mũi quân của địch sục vào khu căn cứ cách mạng bị đánh mìn, bị du kích đánh gây nhiều tổn thất, khiến chúng không dám sục sạo. Kho tàng của ta được bảo vệ; các bệnh viện kịp thời sơ tán, an toàn. Đặc biệt, trường H 12 trong tay chỉ có một trung đội nhưng trong 3 ngày tiêu diệt được 3 xe tăng, 2 trực thăng Mỹ.

 

Trong thời gian địch càn, vùng căn cứ của ta đón gần hàng ngàn đồng bào và lực lượng cơ quan, cán bộ các phân khu khác dồn về. Lò Gò là một trong những căn cứ chống càn có hiệu quả nhất, thiệt hại rất ít, bảo vệ được vùng giải phóng. Đặc biệt, hai cơ quan Chính phủ Cách mạng lâm thời, cơ quan phụ nữ hầu như không bị thiệt hại gì.

 

Sau này, những người có mặt trong cuộc hành quân dời căn cứ ngẫm lại, giật mình khi đưa ra câu hỏi: “Năm ấy, Trung ương Cục không có Phó tư lệnh Nguyễn Thị Định biết chớp thời cơ, dám chịu trách nhiệm, dám nghĩ dám làm, biết phán đoán tình hình, kiên quyết không di chuyển về phía địch đang chờ sẵn, bà cắt đặt chu đáo quân ứng chiến,... thì cơ quan Chính phủ cách mạng lâm thời sẽ ra sao?!

 

Tài chỉ huy và óc phán đoán nhạy bén, tinh thần trách nhiệm, sự dũng cảm của bà đã góp phần xoay chuyển thế bị cô lập bao vây thành thắng, từ bị động chuyển sang phòng ngự và chủ động tấn công...

 

Vào 22 giờ 50 phút ngày 26/8/1992, bà Nguyễn Thị Định vĩnh viễn ra đi. Tiễn bà đi không chỉ là những bậc lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước mà còn có cả quần chúng nhân dân từ những miền đất xa xôi năm nào đã từng cưu mang, che chở bà; những người nông dân từng được bà cởi trói từ ngọn triều Đồng Khởi, những cô cấp dưỡng trong rừng sâu, anh bộ đội miền Bắc có mặt ở cánh rừng miền Đông, từng được bà vá áo, được bà chia sẻ viên thuốc sốt rét, miếng sừng tê giác chống sốt; những cặp vợ chồng cán bộ đưa con cháu đến viếng “Bà Ba” vì cuộc sống hạnh phúc của họ ngày hôm nay là do bà tác hợp, có cả những người được bà minh oan, cứu sống sinh mệnh chính trị...

 

Khi bà ra đi, những người ở lại mới hiểu thêm những mất mát mà bà đã nếm trải.


Bà đã sống một cuộc đời trọn vẹn với non sông đất nước nhưng cuộc đời riêng của bà không trọn vẹn. Tính lại, bà được hưởng đời sống vợ chồng chưa tròn tháng. Người chồng đầu tiên của bà hy sinh ở Côn Đảo. Con trai duy nhất phải xa vòng tay mẹ, được gửi ra Bắc học nhưng sớm qua đời vì bệnh.

Người chồng thứ hai của bà là Hai Trí - một cán bộ cách mạng, từng đem lòng yêu bà thời thiếu nữ. Nhưng cuộc sống khắc nghiệt thời chiến tranh đã cướp đi sức khỏe của ông. Mặc dù công tác rất bận rộn, bà vẫn rất chu đáo trách nhiệm gia đình. Sau ngày giải phóng, bà đích thân lặn lội về xã Đại Điền (Bến Tre), đón bà mẹ chồng đã hơn 70 tuổi đang sống với hai đứa cháu nhỏ dại trong túp lều lá, bữa đói bữa no về nhà chung sống.

 

Sau chiến tranh, bà lại nhận lấy trên đôi vai trọng trách: Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước... Nhưng với nhân dân, bà gần gũi hơn với danh hiệu “Bao Công thời nay” mà nhân dân phong tặng...

 

Năm 1995, một lần theo đoàn làm phim tài liệu “Nữ tướng Nguyễn Thị Định” ra tận Hải Phòng, tìm lại dấu chân “Bao Công thời nay” của bà, tôi thật sự ngỡ ngàng khi gặp lại những nhân vật đã từng được bà minh oan, phục hồi danh dự. Một trong những con người đó là Thiếu tướng Trường Xuân.

Ngày 5/7/1995, chúng tôi gặp ông trong một căn nhà nhỏ ở Hà Nội, lúc đó, ông Trường Xuân đã ngoài 70, cao lớn, tóc bạc trắng. Khi hỏi chuyện cũ, mắt ông đượm buồn, trầm ngâm nói: "Trải qua những cay đắng khi bị bắt tù oan, sau này được minh oan, phục hồi, tôi suy ngẫm rất nhiều. Chính sự đôn hậu của chị Ba truyền cho tôi lòng bao dung. Tôi hiểu một cách biện chứng hơn về trường hợp oan sai của mình.

 

Những năm cuối thập niên 80, chuyện đổi mới còn đang rất mới mẻ. Những việc làm của tôi thời ấy cũng quá mới. Đó là việc đắp đường từ đất liền ra đảo Cát Bà, xây dựng lại sân bay Cát Bi, xây dựng các tuyến biên giới, xây dựng nhà tình nghĩa; lo nhà cửa, đào tạo nghề nghiệp cho các gia đình của đồng chí mình... Tất cả, tôi không vay mà từ công sức, vốn liếng của những người lính cùng với sự hợp tác của người dân địa phương.

 

Trong quá trình thực hiện những công trình lớn như thế không tránh được những sai sót. Nhưng thay vì chúng tôi cần có sự chia sẻ, hỗ trợ thì tôi nhận được bản án tuyên ngày 7/9/1987 với 6 tội danh và mức án 20 năm tù giam: Tội buôn lậu qua biên giới, tội đầu cơ, tội buôn bán hàng cấm, tội đưa hối lộ, tội cố ý làm trái pháp luật, tội tham ô.

 

Nghe tin, chị Ba (với tư cách Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước) lập tức nghiên cứu hồ sơ, đi thị sát trại giam. Đó là năm 1988, chị Ba lên tận Ba Vì thăm tôi. Chị lắng nghe nỗi niềm của những người tù một cách khách quan. Rồi chị Ba khuyên tôi bình tĩnh, bởi sự thật sẽ được trả về với sự thật. Rồi chị lặng lẽ đi gặp tất cả những nhân chứng, thu thập thông tin, chị lắng nghe dư luận quần chúng về tôi. Chị hiểu được tâm huyết, tầm nhìn chiến lược của những người khởi xướng; hiểu nỗi gian nan, vất vả của người lính thời bình.

 

Có đầy đủ những chứng cứ về trường hợp bị hàm oan của tôi, chị Ba báo cáo với Hội đồng Nhà nước. Sau đó thì tôi được ra khỏi tù, được phục hồi danh dự.".


Đầu mùa thu năm 1995, chúng tôi tìm đến ngôi nhà số 37 phố Hàng Chuối. Nơi đây, bà Nguyễn Thị Định đã sống và làm việc từ những năm sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước.

 

Trong ngôi nhà này, người kế tục sự nghiệp của bà là chị Trương Mỹ Hoa. Bên phải phòng khách, ở tầng dưới tòa nhà là góc trang trọng dành làm nơi tưởng niệm bà Nguyễn Thị Định. Bức di ảnh của bà chìm khuất trong làn khói mỏng nhẹ, quấn quít.

 

Chị Trương Mỹ Hoa lúc ấy là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nghẹn ngào nhắc đến những kỷ niệm về bà Nguyễn Thị Định: “Phải, căn phòng khách này tràn đầy những kỷ niệm, hơi ấm của dì Ba. Những năm tháng được làm việc bên cạnh dì Ba là những năm tháng cho tôi nhiều bài học quý giá về cuộc đời...”.

Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa (người thứ hai, hàng đầu từ trái sang) trong chuyến về nguồn khánh thành bia lưu niệm hội phụ nữ giải phóng tại rừng Tây Ninh (3/2005)

 

Đối với người kế tục, bà Nguyễn Thị Định không bao giờ đưa ra những chuẩn mực về đạo đức, tài năng; không nói những lời dạy bảo phải làm cái này, phải làm như thế kia nhưng bản thân bà, chính thái độ, cách ứng xử của bà trong cuộc sống đã là bài học lớn lao, đầy thuyết phục để những người kế tục hiểu họ cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa.

 

Chị Trương Mỹ Hoa kể lại: “Ngày nhận huy chương 50 năm tuổi Đảng, dì Ba thức dậy rất sớm. Hôm ấy, dì không mặc quân phục mà chọn cho mình bộ quần áo dài  trắng khiến tôi rất ngạc nhiên. Tôi thầm nghĩ: “Phải chăng đó là ý thích của dì. Dì chuộng sự giản dị, trong sáng, cũng như tấm lòng yêu nước, khao khát độc lập, mang lại sự phồn vinh cho Tổ quốc...".

 

Tôi không sao quên được hình ảnh dì Ba trong một lần vào Nam. Hôm ấy tôi tiễn dì Ba đi. Dì Ba thức dậy rất sớm. Dì Ba bước ra xe, trên vai, một bên là bọc hài cốt của đứa con trai yêu, một bên vai là gói hài cốt của đứa con trai của một đồng chí mình.  Hành lý của dì Ba vào Nam khi nghỉ hưu chỉ có vậy.

 

Dì Ba lặng lẽ bước ra xe trong tiết trời buốt giá. Nước mắt tôi trào ra. Bóng dì Ba mờ dần. Cứ nhớ đến hình ảnh đó của dì Ba là lòng tôi lại quặn lên một nỗi đau...”.

 

Và bà đã ra đi thanh thản trong bộ quần áo dài trắng như trong buổi đi đón huân chương. Những tấm huy chương lấp lánh trên nền ngực áo dài trắng của bà. Bà giống như một bà tiên sau khi đã hoàn thành những sứ mệnh trần gian, chính trên đất nước Việt Nam này.

 

Không phải ngẫu nhiên mà nhân dân xã Hát Môn, tỉnh Hà Tây bày tỏ ý nguyện được lập bàn thờ bà Nguyễn Thị Định trong đền thờ Hai Bà Trưng như một vị nhân thần mới, trên ý tưởng để “những người anh hùng lại gặp anh hùng”.

 

Trong ngôi nhà bà Nguyễn Thị Định từng sống ở đường Pasteur, chị Mẫn - từng là người thư ký riêng cũng là cháu ruột bà Nguyễn Thị Định trao cho tôi những dòng bút tích của bà.

 

Tôi vô cùng xúc động khi cầm trên tay tờ giấy đã ố vàng, cũ kỹ ghi những dòng bút tích đầy trăn trở, tâm huyết của bà, hình như đó là thư bà gửi cho lãnh đạo một cơ quan làm nhiệm vụ chính sách: “...tác phong thái độ của cán bộ có số chưa thể hiện được tinh thần trách nhiệm và tình thương đối với quần chúng đối tượng, cửa quyền rầy rà hơn là giải thích chính sách. Cách giải quyết chế độ chính sách còn máy móc, chưa vận dụng  có tình, có lý, đồng chí chú ý giáo dục anh chị em ngành TBXH nhận thức rõ là cơ quan thay mặt Đảng bộ thể hiện tình nghĩa thủy chung, uống nước nhớ nguồn, có như thế mới củng cố chỗ dựa cách mạng vững chắc, dù kẻ thù lắm mưu nhiều kế cũng không làm gì ta được. 

 

Khi xây dựng các ngành cơ quan ta cũng phải có phương pháp luôn phải đề cao ưu điểm, nói lên yêu cầu chức năng nhiệm vụ, từ đó anh chị em liên hệ thấy chỗ nào còn thiếu sót phải khắc phục, không nên nói ai phát hiện, ai nói, ai phê phán đâm ra rắc rối thêm không sửa chữa được.

 

Đây cũng là nghệ thuật lãnh đạo.

 

Tôi tin rằng đồng chí là người tiếp thu nhạy bén tình hình mới và hay lắng nghe ý kiến anh chị em cán bộ của quần chúng, tình nghĩa cũng thủy chung, đó là mặt mạnh của đồng chí, tin rằng đồng chí sẽ phát huy tốt hơn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Mong đồng chí luôn giữ gìn sức khỏe cho tốt, thư này vừa tình đồng chí cũng là tình chị em, mong đồng chí thông cảm cho”.

 

30 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bia lưu niệm trụ sở Cơ quan Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam được dựng giữa cánh rừng Tây Ninh.

 

Hàng ngàn đại biểu khắp mọi miền đất nước gặp nhau, cùng bồi hồi xúc động, như còn thấy rõ dấu chân của đồng chí Nguyễn Thị Định - Hội trưởng, vị tướng của đội quân tóc dài, người đã sáng tạo ra chiến pháp đặc sắc “Ba mũi giáp công” để phụ nữ miền Nam sử dụng hiệu quả nhất trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.


Hình bóng “Dì Ba Định” dường như vẫn còn đâu đây thấm trong máu thịt của những người đang sống

 

 

 

Trầm Hương - Báo An ninh thế giới

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video