Nhà khoa học giành giải ASEAN-Mỹ cho nhà nữ 2020

02/09/2020
Với chủ đề “Chăm sóc sức khỏe dự phòng”, TS. Chan Yoke Fun người Malaysia đã nhận Giải thưởng khoa học ASEAN-Mỹ dành cho các nhà khoa học nữ năm 2020 với tiền thưởng 20.000 USD.
Những nhà khoa học nữ giành giải ASEAN-Mỹ 2020

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Đổi mới ASEAN (COSTI) cùng Chính phủ Mỹ thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và Phòng thí nghiệm Underwriters vừa công bố Giải thưởng Khoa học ASEAN-Mỹ dành cho các nhà khoa học nữ năm 2020 với chủ đề chăm sóc sức khỏe dự phòng.

Giải nhất kèm phần thưởng trị giá 20.000 USD đã thuộc về Tiến sĩ người Malaysia Chan Yoke Fun, Trưởng Bộ môn Vi sinh y học thuộc Khoa Y Trường Đại học Malaysia. Bà đã tập trung nghiên cứu phát triển một loại vaccine chống lại virus gây bệnh tay chân miệng và các bệnh viêm não ở trẻ em; đồng thời cộng tác với các chuyên gia địa phương nhằm nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm và cách phòng chống loại virus này.

Tiến sỹ Chan Yoke Fun người Malaysia..

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Shefaly Shorey người Singapore giành Giải danh dự cùng phần thưởng trị giá 5.000 USD. Nữ tiến sĩ là chuyên gia điều dưỡng, hiện là Trợ lý Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Điều dưỡng Alice Lee, thuộc Đại học Quốc gia Singapore. Các nghiên cứu của bà tập trung vào ngăn ngừa bệnh trầm cảm ở nữ giới khi mang thai và sinh con. 

Bà đã tìm cách vận động các nhà hoạch định chính sách thông qua nghiên cứu của mình nhằm hỗ trợ sức khỏe bà mẹ và trẻ em trong khu vực. Từ kết quả nghiên cứu của mình, bà Shorey đã phát triển một ứng dụng giáo dục miễn phí có tên “Ở nhà nhưng không cô đơn” để hỗ trợ những người mới làm cha, làm mẹ bớt căng thẳng và ngăn chặn chứng trầm cảm sau sinh.

Tiến sĩ Shefaly Shorey người Singapore.

Tiến sĩ Chan và Tiến sĩ Shorey đã được chọn từ nhóm 10 ứng cử viên lọt vào vòng chung kết quốc gia, trong đó có Tiến sĩ Trần Thị Thanh Huyền, cán bộ Viện Nghiên cứu tế bào gốc và công nghệ gene Vinmec của Việt Nam.

Được thành lập vào năm 2014, Giải thưởng Khoa học ASEAN-Mỹ dành cho các nhà khoa học nữ nhằm vinh danh các nhà khoa học nữ có triển vọng, mới vào nghề vì những thành tích học tập và chuyên môn của họ. Cuộc thi sẽ tiếp tục diễn ra vào năm 2021 với chủ đề “Không khí trong lành và nước sạch”.

Năm 2019, Tiến sĩ Zhou Yan nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Nanyang Singapore đã được vinh danh tại giải thưởng vì công trình xử lý và cải tạo nước thải hiệu quả, mang lợi ích lớn cho sinh hoạt thường ngày và nền công nghiệp tại một số khu vực đang phát triển ở châu Á.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Hiệp thuộc trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM, là nhà khoa học nữ người Việt từng nhận Giải thưởng Khoa học ASEAN-Mỹ năm 2017. Phần thưởng 20.000 USD được trao cho nghiên cứu xất sắc của chị về sử dụng các giải pháp chăm sóc sức khỏe tại nhà nhằm giảm áp lực lên các hệ thống chăm sóc sức khỏe ở các đô thị.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Hiệp 

Giải thưởng này là một trong nhiều sáng kiến của Mỹ nhằm hỗ trợ ASEAN và 10 nước thành viên. Mỹ hợp tác với ASEAN để hỗ trợ hội nhập kinh tế, mở rộng hợp tác hàng hải, ươm mầm lãnh đạo tương lai, tăng cường cơ hội cho phụ nữ và giải quyết các thách thức xuyên quốc gia. Thông qua hợp tác của USAID với ASEAN, Mỹ giúp giải quyết tận gốc nguyên nhân của nghèo đói và mất ổn định và củng cố nền tảng vững chắc cho thịnh vượng và an ninh. Năm nay, Mỹ và ASEAN kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ đối tác.

khampha

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video