Nợ nần với muối

07/01/2020
Mùi muối rang chín tới thơm lừng. Bà Nghiệp đứng dậy đưa chúng tôi đi tham quan khu sản xuất với những máy rửa nguyên liệu, máy xay, lò sấy, đóng gói…
Bà Lương Thị Nghiệp đang đóng gói muối

70 tuổi đời, hơn 20 năm gắn bó với nghề làm muối ớt, muối tôm, mỗi tháng cho ra lò hơn tấn sản phẩm, bà Nghiệp kể, từ xa xưa gia đình đã biết làm muối ớt, muối tiêu, muối sả… để tiếp tế vào chiến khu, nhưng sự nghiệp làm muối ớt của gia đình bà chính thức bắt đầu từ năm 1998.

Mới đầu chỉ làm để ăn và bán lại cho người quen trong họ hàng chòm xóm. Sau đó, mọi người khen ngon và đặt thêm nên bà đã đầu tư máy móc để làm. Gặp may, thị trường ngày càng mở rộng ra các tỉnh, ra tận miền Trung, miền Bắc, vợ chồng bà làm không xuể nên phải thuê nhân công. 

Mùi muối rang chín tới thơm lừng. Bà Nghiệp đứng dậy đưa chúng tôi đi tham quan khu sản xuất với những máy rửa nguyên liệu, máy xay ớt, xay tôm, lò sấy muối, máy đóng gói… Một sân phơi rộng rãi, sạch sẽ, ánh nắng vàng tươi làm cho các khay muối thêm đỏ, thêm hồng. “Có dạo ớt tươi lên đến 100.000 - 140.000 đồng/kg, mỗi tháng cơ sở lỗ chừng chục triệu, nhưng vẫn phải làm, vì mình nợ nần với muối”, bà Nghiệp cho biết.

Nói về nghề, bà Nghiệp cho hay: “Ai cũng nghĩ làm muối ớt dễ ẹc, cứ lấy ớt, muối và bột nêm trộn đều, rang khô rồi cho vô hũ bán. Nhưng người trong nghề mới biết, để làm ra một ký muối đạt chuẩn sạch về nguyên liệu, giữ thơm ngon qua thời gian thì không phải dễ. Ngoài hiểu biết và đam mê muối thì còn phải biết chiều chuộng sở thích khách hàng. Muối cho thị trường miền Bắc thì không để nhiều bột ngọt, cho thị trường miền Trung thì mặn và cay hơn. Làm sao cho muối để lâu không vón cục, vẫn giữ màu đỏ của ớt...

Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có rất nhiều nhãn hiệu muối ớt, muối tôm, thế nhưng hầu hết các cơ sở ngại, không cho người khác vào tham quan, còn cơ sở muối tôm của bà Nghiệp thì “chào đón khách tham quan để biết làm ra được ký muối cực đến mức nào”.

Ngoài làm các loại muối ớt, mối tôm, bột canh, bánh tráng các loại, cơ sở của bà Nghiệp còn sản xuất cả cốm gạo lứt rong biển. Bà Nghiệp chẳng mong gì ngoài việc mở rộng thị trường để khách hàng mọi miền biết đến một vùng đất “không có biển, không có muối, không thể nuôi tôm” nhưng vẫn có được thương hiệu muối tôm nổi tiếng. 

Tên đầy đủ của bà là Lương Thị Nghiệp, chủ cơ sở muối tôm Ý Như, ở phường 2, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.

phunuonline

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video