Ôn quá khứ, nhìn về hôm nay

23/12/2016
Công tác tại Hội LHPN Việt Nam đã hơn chục năm, những chuyến công tác đối với tôi vẫn là công việc thường xuyên của một người cán bộ Hội.

Trong những lần công tác, tôi thường chỉ chú tâm vào công việc của mình mà dường như không để tâm nhiều đến mảnh đất, con người của những nơi đã qua. Xong chuyến công tác, tôi lại vội vàng quay trở về với bao bộn bề của công việc và cuộc sống gia đình.

Nhưng lần công tác này thì lại khác. Lâu lắm rồi tôi mới có dịp trở lại Hà Nam, tham dự hội thảo Khoa học “Huyền thoại mười nữ dân quân pháo phòng không Lam Hạ” do Tỉnh ủy Hà Nam và Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Cảm xúc đầu tiên của tôi giống như những lần tham dự Hội thảo khác, tôi giở từng trang tài liệu, đọc và nghe những gì đại biểu phát biểu. Tôi nghĩ cũng như những Hội thảo khoa học khác, kết thúc nó sẽ là một cuốn Kỷ yếu với đầy đủ thông tin phát cho mỗi đại biểu mang về.

Song, càng nghe, tôi thấy sống mũi mình cay cay, mắt hơi nhòe và tai có vẻ ù đi vì những điều giản dị mà vô cùng thiêng liêng được các đại biểu chia sẻ trong Hội thảo. Vậy ra, sự hi sinh vô cùng anh dũng, kiên cường của 10 cô gái nữ dân quân pháo phòng không Lam Hạ cách đây nửa thế kỷ nhưng đến tận bây giờ mới được nhắc đến. Mỗi bài tham luận khai thác rất sâu từng khía cạnh về con người, mảnh đất Hà Nam, về truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của con người Hà Nam, mà trong đó, 10 cô gái Lam Hạ đã trở thành biểu tượng thiêng liêng mãi mãi. Tôi chợt thấy lòng mình nặng nề hơn bao giờ hết.

Chiến tranh đã đi qua. Mất mát đau thương thì nhiều mà nỗi đau dường như chưa bao giờ dứt. Có những con người, những thân thể, những máu xương đã mãi mãi nằm lại nơi đất mẹ, có những người thậm chí còn chưa được tìm thấy, họ hi sinh mà không kịp để lại một câu chào từ biệt cha mẹ, anh em, người yêu thương.

Ngồi trong không gian của Hội thảo, tôi tưởng như đang xem một thước phim về chiến tranh Việt Nam, về cuộc pháo kích giữa quân đội Mỹ với đại đội dân quân Lam Hạ. Nòng pháo cứ nhằm thẳng những “thần sấm”, “con ma”, bắn đến đỏ cả họng pháo, người này hi sinh lại người khác lên thay, cứ liên tục không ngừng nghỉ. Những chi tiết bi tráng về 10 cô gái Lam Hạ cứ dần được khắc họa, tạo nên một tổng thể. Rồi tất cả như chìm vào đau thương, mất mát khi chính những người nữ dân quân năm xưa đứng lên nói về đồng đội, về mình, về chiến tranh, về những day dứt khôn nguôi trong suốt nửa thế kỷ qua. Không khí trầm lắng, có tiếng sụt sùi, vài người đưa tay lén lau nước mắt, tôi ngồi đó, toàn thân nổi da gà vì lần đầu được sống trong cảm xúc xót xa đến tột độ.

Vẫn biết chiến tranh đã qua đi lâu rồi. Những đau thương mất mát cũng dần nguôi ngoai, nhưng còn đâu đó những nỗi niềm chưa thể cất được thành lời. Với tôi, những hi sinh ấy là hiện hữu. Ở trong hoàn cảnh khốc liệt ấy, các chị sẵn sàng từ bỏ mọi giấc mơ để hoàn thành những điều giản dị, thì với chúng tôi - những thế hệ trẻ trong thời đại hiện nay, cũng sẽ sẵn sàng đi theo tiếng gọi của Tổ quốc thiêng liêng, để tiếp nối được truyền thống của những người đi trước. Và tôi luôn tâm niệm rằng “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta; Mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”.

 

PNVN theo Phạm Thị Thanh Hà, chuyên viên Ban Tuyên giáo TƯ Hội

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video