Phụ nữ Phú Yên với an toàn vệ sinh thực phẩm

26/12/2018
Thực hiện chủ đề năm 2018 Phát huy vai trò của phụ nữ trong thực hiện an toàn thực phẩm (ATTP), các cấp Hội LHPN tỉnh Phú Yên đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền vận động phụ nữ thực hiện ATTP, nhân rộng các mô hình về ATTP tại địa phương, chung tay vì sức khỏe gia đình và cộng đồng.

Trong năm 2018, Chi cục ATVSTP Phú Yên phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức tuyên truyền ATTP cho 120 cán bộ, hội viên phụ nữ, tư vấn phòng chống ngộ độc thực phẩm cho trên 980 cán bộ, hội viên, phụ nữ. Qua các buổi truyền thông, tư vấn đã cung cấp cho cán bộ, hội viên, phụ nữ kiến thức về tác hại tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả, sử dụng chất cấm, kháng sinh cấm trong chăn nuôi đến sức khỏe của con người; tác hại của việc sử dụng rau, thịt, thủy sản không an toàn; nguồn gốc gây ô nhiễm thực phẩm; cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm…

 Chị Nay Hờ Chăm, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) chia sẻ: “ATTP luôn là vấn đề mà Hội LHPN hết sức quan tâm. Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ nữ về hiểu tầm quan trọng của ATTP đối với sức khỏe con người, cách nhận biết, lựa chọn thực phẩm tươi, sạch, an toàn ra sao thì Hội đặc biệt chú trọng đến nhóm chị em sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, làm sao để chị em nhận thức đúng về mối hiểm họa của thực phẩm bẩn đến sức khỏe của chính bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, từ đó chị em tự giác thực hiện giữ gìn vệ sinh, ATTP trong sản xuất, kinh doanh, chế biến”.

 Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Phương Liên cho biết: Để góp phần thực hiện hiệu quả Đề án 938 về “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ” trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2017- 2027; thực hiện chủ đề năm 2018 “Phụ nữ thực hiện ATTP”,

bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các cấp Hội còn phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, tham gia các đoàn giám sát liên ngành với Ủy ban MTTQ, HĐND các cấp về vấn đề ATTP; vận động hội viên, phụ nữ tham gia vào các loại hình liên kết trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn để xây dựng thương hiệu hàng hóa địa phương; đồng thời chỉ đạo Hội LHPN các địa phương, các đơn vị xây dựng mô hình ATTP vì sức khỏe cộng đồng. Kết quả, 100% Hội LHPN cơ sở lồng ghép tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hiện ATTP.

 Một số mô hình tiêu biểu cung cấp thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng như: “Tổ phụ nữ sản xuất rau an toàn”, “Vườn rau sạch 3 không”, “Phụ nữ sản xuất rau an toàn vì sức khỏe cộng đồng”, “Tổ phụ nữ làm đậu hũ sạch”, “Phụ nữ làm bún sạch”, “Người tiêu dùng thông minh”, “Chăn nuôi gà sạch”, “Chả cá sạch”, “Hộ gia đình chế biến ruốc cam kết không dùng thực phẩm bẩn”…

 Các cấp Hội cũng tích cực vận động hội viên thực hiện “3 không” (không sản xuất rau không an toàn, không bán phụ gia thực phẩm không có trong danh mục cho phép, không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn); ký cam kết tuân thủ quy định về ATTP, nói không với “thực phẩm bẩn”… Qua đó nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của phụ nữ trong thực hiện ATTP trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng để đảm bảo sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Ngọc Dung

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video