Thành phố thân thiện với phụ nữ

30/06/2017
Hai chủ đề chính tại Diễn đàn phụ nữ Việt Nam- Hàn quốc lần thứ 5 do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc (KWDI) tổ chức chiều ngày 30/6/2017 (Hà Nội) về “Đánh giá tác động giới” và “Xây dựng thành phố thân thiện với phụ nữ” đã được các diễn giả và đại biểu tham dự Diễn đàn tiếp cận từ nhiều góc độ, qua đó tạo được cái nhìn toàn diện hơn, sâu sắc hơn về lĩnh vực đánh giá tác động giới để lồng ghép giới trong ngân sách và ngân sách giới của mỗi quốc gia cũng như những kinh nghiệm, cách làm hay của mỗi nước trong xây dựng thành phố thân thiện với phụ nữ.

Đánh giá tác động giới và ngân sách giới

Ở chủ đề này, trong bài tham luận của mình, bà Cho Sun Joo, Trưởng phòng thúc đẩy chiến lực bình đẳng giới, KWDI chia sẻ, ở Hàn Quốc, Luật cơ bản về bình đẳng giới quy định nghĩa vụ và quyền tham gia của người dân và quốc gia để thực hiện BĐG, chuyển từ khái niệm bảo đảm quyền lợi sang khái niệm bảo vệ người mẹ và mở rộng sang cả bố; quy định lồng ghép giới trong quá trình thực hiện trách nhiệm từ TW đến địa phương; tiến hành đánh giá tác động giới, ngân sách giới, thống kê giới, giáo dục về giới, lập và công bố chỉ số BĐG quốc gia; lập Ủy ban Bình đẳng giới do Thủ tướng là Chủ tịch; chỉ định cơ quan hành chính TW và 17 thành phố chịu trách nhiệm về BĐG.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng tiến hành đánh giá tác động giới một cách hệ thống sự chênh lệch về xã hội- kinh tế và đặc điểm của nam và nữ trong quá trình xây dựng luật pháp, kế hoạch, chương trình đóng góp vào việc thực hiện BĐG. Bà Cho Sun Joo đã dẫn chứng những ví dụ cụ thể hiệu quả của việc đánh giá tác động giới như việc quy định trang phục của nữ giới trong đội cứu hỏa tình nguyện là “chân váy” thì sau khi có đánh giá tác động giới đã sửa thành “chân váy hoặc quần”; Bố trí tay nắm trên tàu điện ngầm trước được tính theo chiều cao trung bình của nam giới thì sau khi đánh giá đã điều chỉnh bố trí tay nắm ở nhiều độ cao...

Về vấn đề ngân sách giới, theo bà Cho Sun Joo, các ngân sách đều phải tuân thủ quy trình và đảm bảo cho ngân sách giới. Đối với các vùng đặc thù, cần có hoạt động khảo sát, giám sát để có thông tin xây dựng ngân sách. Các thông tin được chia sẻ và tạo nên sự thống nhất trong quy trình xây dựng ngân sách. Nâng cao trách nhiệm của Chính phủ đối với vấn đề BĐG, tạo ra sự quan tâm về vấn đề BĐG khi lập dự toán, quyết toán ngân sách giới.

Tham gia diễn thuyết tại Diễn đàn về chủ đề này, PGS.TS Đặng Văn Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế- Ngân sách Quốc hội cho biết, ở Việt Nam, BĐG được bảo đảm bằng các biện pháp thúc đẩy, hỗ trợ, lồng ghép và đảm bảo nguồn tài chính. Ngân sách Nhà nước cho phát triển kinh tế xã hội, phát triển nguồn lực phải bảo đảm lồng ghép giới ngay trong quá trình xây dựng dự toán, phân bổ ngân sách và điều hành, chấp hành ngân sách Nhà nước. Luật Ngân sạch Nhà nước của Việt Nam năm 2015 đã có quy định về nguyên tắc giới và lồng ghép giới trong xây dựng và quản lý ngân sách.

Tuy nhiên, cũng theo PGS.TS Đặng Văn Thanh, những cải thiện về mức độ tham gia của nữ giới trong bộ máy nhà nước chủ yếu mới dừng lại ở cơ quan dân cử, trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Khả năng ảnh hưởng, tác động tới các vấn đề kinh tế, tài chính, ngân sách của phụ nữ còn hạn chế. Mức phân bổ ngân sách của TW được xác định trên cơ sở giới hạn nguồn lực thường thấp hơn nhiều so với nhu cầu chi cần thiết. Bên cạnh đó, việc áp dụng một thuế suất thống nhất cho mọi đối tượng đối với thuế thu nhập doanh nghiệp gây bất lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, ở đó tỷ lệ nữ khá cao...

Xây dựng thành phố thân thiện với phụ nữ

Nếu như chủ đề đánh giá tác động giới và ngân sách giới đề cập nhiều đến các vấn đề ở tầm quốc gia, vĩ mô thì chủ đề “Xây dựng thành phố thân thiện với phụ nữ” lại trao đổi nhiều về những kinh nghiệm hay của hai nước ở cấp độ tỉnh, thành phố, địa phương trong việc xây dựng các thành phố thân thiện an toàn cho phụ nữ. Chủ đề đã có 3 tham luận chính thức và nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu tham dự Diễn đàn.

Chia sẻ về xây dựng thành phố thân thiện với phụ nữ lồng ghép giới trong chính sách tại địa phương của diễn giả hàn quốc Lee Seon Min cho biết ở Hàn Quốc, tạo cơ hội tham gia bình đẳng cho cả nữ và nam giới vào quá trình xây dựng chính sách và phát triển được xem là điểm cốt lõi để xây dựng thành phố thân thiện. Thành phố thân thiện là thành phố có môi trường thân thiện với phụ nữ và gia đình, ở đó người phụ nữ được an toàn, được chăm sóc, giao lưu, đồng cảm và sẻ chia. Ở đó phải xây dựng nền tảng về chính sách để có thể thực hiện công việc liên quan đến BĐG. Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào kinh tế- xã hội thông qua thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp, tìm việc làm, tăng cường trách nhiệm xã hội của tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân để bảo đảm việc làm bền vững cho phụ nữ. Xây dựng môi trường địa phương an toàn, không nguy hiểm, nâng cao năng lực an toàn của phụ nữ; tạo môi trường làm việc BĐG, đề cao trách nhiệm xã hội về sự chia sẻ và chăm sóc lẫn nhau; mở rộng hoạt động của phụ nữ tại địa phương, có biện pháp nâng cao tính đại diện của phụ nữ ở tất cả các lĩnh vực...

Hàn Quốc có nhiều dự án hướng đến phụ nữ như Dự án “Một Seoul thân thiện với phụ nữ” tại quận Gwangjin, dự án "Xây dựng công viên thân thiện với phụ nữ"; thành phố Bucheon  có dự án "Hỗ trợ gia đình sau giờ học", dự án "Bàn tay mẹ" hỗ trợ bà mẹ đi làm; thành phố Seongiu có dự án “Doanh nghiệp thân thiện với phụ nữ”, môi trường đi lại an toàn với “ 500 bước chân thong thả của phụ nữ”....


Phía Việt Nam, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Chủ tịch Hội LHPN TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều chính sách quan tâm, hướng về phụ nữ, tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ và nam giới bình đẳng với nhau về mọi mặt. Cơ sở vật chất, hạ tầng của Thành phố đã có những thay đổi mang lại sự an toàn thoải mái cho phụ nữ như: nhiều trung tâm thương mại đã có nơi dành riêng cho phụ nữ cho con bú, thay tã cho con, hút sữa mẹ vào bình...; các phương tiện vận chuyển giao thông công cộng đã có ghế ngồi ưu tiên cho phụ nữ mang thai, phụ nữ có con nhỏ; có bệnh viện dành riêng cho phụ nữ; nhiều hoạt động lễ hội hướng tới phụ nữ (lễ hội áo dài, ngày Quốc tế phụ nữ, ngày Phụ nữ Việt Nam, Ngày của mẹ...); các địa chỉ, trụ sở hướng đến hỗ trợ phụ nữ như Báo Phụ nữ TP, Nhà văn hóa PN Tp, Trung tâm giới thiệu việc làm phụ nữ; Hội Nữ trí thức, Nữ doanh nhân...

Cùng với TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban vì sự tiến bộ của phụ nữ TP Đà Nẵng cũng chia sẻ tại Diễn đàn về “Thành phố Đà Nẵng thân thiện với phụ nữ”. Hiện nay, Chủ tịch UBND TP và người đứng đầu chính quyền, các ngành của địa phương tại Đà Nẵng là Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ TP và các cấp tương đương, do đó với vai trò của người ra quyết định đã giúp bảo đảm một cách tốt nhất trong hoạt động BĐG và sự phát triển của phụ nữ. UBND TP ra quyết định thành lập “Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển” với số vốn điều lệ 33 tỷ đồng; phê duyệt các đề án nhà chống bão, công trình vệ sinh, có khu chung cư dành cho phụ nữ đơn thân... với hàng chục tỉ đồng nhằm hỗ trợ phụ nữ khó khăn có nhà ở, có điều kiện phát triển kinh tế; tạo điều kiện cho nữ công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thông qua đề án “Hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực công nghiệp, khu vực chế xuất”... Chính quyền TP cũng tổ chức nhiều cuộc gặp mặt, đối thoại với những đối tượng là chồng có hành vi bạo lực gia đình, từ đó tạo hiệu ứng tích cực, mạnh mẽ thay đổi nhận thức, hành vi gây bạo lực ở nam giới. Thành ủy Đà Nẵng có nhiều chính sách phát triển, đào tạo nguồn cán bộ nữ, hỗ trợ cán bộ nữ nâng cao trình độ, tuyển dụng cán bộ nữ, đảm bảo tỷ lệ nữ là lãnh đạo...

Với những cách tiếp cận đa chiều, nhiều góc độ của các diễn giả giàu kinh nghiệm trong các lĩnh vực hoạt động về BĐG, hai chủ đề của Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam- Hàn Quốc lần thứ 5 đã góp phần tạo nên sự thống nhất nhận thức chung về lồng ghép giới trong các lĩnh vực hành chính xã hội, đặc biệt là lồng ghép giới trong thực hiện ngân sách và xây dựng thành phố thân thiện với phụ nữ.

Bế mạc Diễn đàn, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa chia sẻ, khi nói tới thành phố thân thiện với phụ nữ, chúng ta đã nghĩ về những thuật ngữ tưởng chừng rất chung chung, nhưng khi nói về những việc cụ thể, chúng ta hiểu rằng, những gì chúng ta đã làm, đang làm và sẽ làm đều hướng tới xây dựng thành phố thân thiện, lành mạnh, an toàn với phụ nữ, công bằng với mọi người, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển. Sự tham gia của cộng đồng, có sự cam kết của chính quyền các cấp để tất cả mọi người đều muốn sống, muốn đến và tận hưởng cuộc sống ở đó. Việc làm rõ hơn khái niệm thành phố thân thiện cũng giúp cán bộ, hội viên, phụ nữ hiểu, triển khai và hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch góp phần xây dựng đô thị văn minh cũng là góp phần xây dựng thành phố thân thiện.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video