19/05/2006
 

                                 Cả nhà cùng… “hút thuốc”!

Mỗi năm, người hút thuốc Việt Nam đốt khoảng 6.000 tỉ đồng. Trên thế giới, cứ 10 giây lại có 1 người chết vì thuốc lá. Với mức tiêu thụ thuốc lá như hiện nay ở VN, sẽ có 7 triệu người đang sống sẽ chết sớm do mắc các bệnh có liên quan đến thuốc lá.

Thói quen của anh M.V.Thục (ĐakLak) là sáng sớm ngồi bên ly cà phê với vài điếu thuốc. Hôm nào cũng thế, đứa con trai 3 tuổi của anh ngồi bên cạnh đùa giỡn với em gái đang nằm trong lòng bố. Trò chuyện, vui đùa với 2 con nhỏ, nhưng môi anh lúc nào cũng ngậm điếu thuốc. 

Có những thói quen… nguy hiểm

 Chị Nguyễn Thị Lụa (Đak Lak) vẫn còn nguyên cảm xúc khi kể cho tôi nghe chuyện… “thoát chết” của cả nhà chị. Anh Thục, chồng chị còn có thói quen hút thuốc trên giường ngủ. Chị ít khi ngủ ngon khi chồng chưa tắt hẳn tàn thuốc cuối cùng. Nhưng hôm ấy, chị uống vài viên thuốc cảm nên ngủ quên lúc nào không hay. Trước đó, chị đã nhắc anh cẩn thận. Thế nhưng, chị vẫn bị ngọn lửa dựng dậy lúc nửa đêm. Chị cho biết: “Cũng may anh chị nhanh tay và nhà đông người. Không thì ‘đốt’ luôn cả căn nhà chứ đừng nói mất tấm nệm và chăn màn!”

Mỗi năm, người hút thuốc Việt Nam đốt khoảng 6.000 tỉ đồng. Trên thế giới, cứ 10 giây lại có 1 người chết vì thuốc lá. Với mức tiêu thụ thuốc lá như hiện nay ở VN, sẽ có 7 triệu người đang sống sẽ chết sớm do mắc các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Theo bác sĩ Kim Phượng, Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe còn nhận định: “Xung quanh 1 đứa trẻ toàn là những người thân hút thuốc. Mặc nhiên người lớn làm cho trẻ hiểu rằng, hút thuốc lá không xấu, không bị cấm”.

Đến thăm nhà một số người bạn, tôi quan sát thấy trên đầu giường hay trên nóc tủ kê gần đó luôn bày một cái gạt tàn. Mai, một người bạn lý giải: “Anh Phong có thói quen đọc sách ngay trên giường. Mà đã đọc sách thì phải hút thuốc. Mấy lần to tiếng vì chuyện này rồi, nhưng vẫn chứng nào tật ấy”. Phòng ngủ vốn nhỏ, lại luôn đóng kín. Thói quen của anh Phong (quận Phú Nhuận, TP.HCM) và nhiều ông chồng khác đã vô tình bắt vợ mình phải ngủ chung với… khói thuốc. Không những thế, anh Phong còn có thói quen không bỏ được là “bạ đâu gạt tàn đó”.

 Cứ mỗi chiều khoảng 5-6h, anh N.V.Luận, ở Nguyễn Thái Sơn, Gò Vấp, TP.HCM lại có nhiệm vụ bế con để chị Hoa - vợ anh rảnh tay làm việc nhà. Trước khi nhận con bé chưa tròn 1 tuổi từ tay vợ, anh đã thủ sẵn gói thuốc ba số và chiếc hộp quẹt trong túi. Vừa bế con đi tản bộ trong xóm, anh vừa phì phèo điếu thuốc. Hôm nào gặp mấy ông bạn cùng xóm đang đứng hóng mát thì coi như con bé chìm ngập trong khói thuốc. Mặc cho đứa bé vò đầu bứt tóc ra vẻ khó chịu, anh và những ông bạn cứ vô tư phà khói thuốc vào con bé.

Chị Nguyễn Thị Thọ, quê Đồng Nai, đã nghiện thuốc từ thời con gái. Lập gia đình rồi có con, chị vẫn giữ thói quen ấy. Chị kể, có những lần đang cho con bú, nhưng thèm quá chị cũng làm một điếu. Bây giờ, hai đứa con trai chị cũng hút thuốc khi mới 16, 17 tuổi.


 
 Cai thuốc, dễ hay khó?

 Ảnh minh họa
Trên tờ lịch treo tường nhà anh Hoàng Minh Tâm (Vũ Tùng, Bình Thạnh, TP.HCM) chi chít những hàng chữ “Hôm nay Tâm bắt đầu bỏ thuốc”, “Tâm dứt khoát bỏ thuốc”, các tấm biển “không hút thuốc” cũng được dán khắp nhà. Nhưng khi tiếp tôi, một tay anh cầm gạt tàn, tay kia là điếu thuốc đang cháy dở. Anh cho hay: “Thấy mình hay bị viêm phế quản, tôi quyết định bỏ thuốc từ năm 1999. Nhưng chỉ là hạn chế, chứ không bỏ được”. Bà Lựu, mẹ anh cũng bộc bạch: “Nào là ăn kẹo, nào là

Não bộ của người nghiện thuốc lá.


uống thuốc, rồi thì nhắc nhở, lá mắng… nhưng cũng không ăn thua. Cứ hễ đi gặp bạn về là có mùi thuốc”.

“Đã 3 năm nay, mỗi lần ghé thăm tôi, bạn tôi N.V.Hoàng đều để lại vài điếu thuốc với lời dặn ‘vứt giùm mình’. Mỗi lần mua 3 điếu, Hoàng chỉ hút 1. Và anh ta luôn tự dặn mình, không bao giờ mua nhiều thuốc, vì có sẵn sẽ dễ bị cám dỗ. Lúc nào thèm lắm mới ghé mua vài điếu. Cũng đã nhiều lần nghe Hoàng tuyên bố bỏ thuốc, nhưng đến nay vẫn chưa bỏ được”, có là lời kể của chị Lam Giang (Tây Ninh) về một người bạn của chị. Riêng anh Hoàng thì chia sẻ: “Mình và mấy người bạn cùng phòng rủ nhau bỏ thuốc, nhưng làm hoài không được. Chỉ cần ngửi thấy mùi thuốc là phải tìm cho bằng được 1 điếu”.


 
Nhà hàng, quán ăn không khói thuốc…


Bạn không hút thuốc lá và muốn vợ, con mình không bị ảnh hưởng bởi khói thuốc khi đến các nhà hàng, quán ăn? Đã có nơi dành riêng cho bạn. Hiện nay, TP.HCM đã có 35 nhà hàng, quán ăn có khu vực dành riêng cho người không hút thuốc.

Chú V.D.Xuân (53 tuổi) kể cho tôi nghe chuyện chú bỏ thuốc cách đây 20 năm. Ngày ấy, chú bị một cơn bạo bệnh, có nguy cơ tắt cả tiếng nói. Thế là chú cầu trời khấn phật cho mình khỏi bệnh. Đổi lại, chú sẽ không bao giờ hút thuốc nữa. Sau khi lành bệnh, chú đã giữ trọn lời hứa cho đến nay. Chú tâm sự: “Nhiều lúc thèm đến quay quắt, nhưng lỡ thề nguyền nên không hút”. Còn chị P. T. Liên Giang thì bật mí chuyện của anh trai mình: “Anh trai mình cũng thuộc tuýp người hút thuốc nhiều. Là bác sĩ, anh hiểu rõ hơn ai hết những tác hại của thuốc lá. Và cũng đã nhiều lần cai thuốc, nhưng không thành. Mới đây, anh tham dự một khóa thiền hay gì gì đó của Ấn Độ, họ cấm hút thuốc và bắt ăn kiêng. Chỉ một tuần theo lớp khóa học này mà ảnh bỏ được thuốc. Giờ có ai đưa khói thuốc tận mũi cũng không thèm!”

 Có lẽ, xin mượn chia sẻ của anh Lâm Ngọc Nguyên để làm 1 lời bàn: “Bỏ được hay không là do bản lĩnh của mỗi người, do mục đích mà họ muốn bỏ và cần có một chế tài. Nếu thuốc lá có giá cao, hút thuốc nơi công cộng, khi lưu thông xe bị phạt nặng thì chắc không còn ai hút”. Còn anh Nguyễn Phát Thảo, Giám đốc New Epoch Hotel - một người đã từng nghiện thuốc lá mấy chục năm cho biết: “Tôi công nhận bỏ thuốc lá rất khó, nhưng không phải không làm được. Nếu bạn ở một môi trường mà không ai hút thuốc thì mình cũng sẽ không hút. Nhưng hiện nay ở nước ta, chuyện hút thuốc lá nơi công cộng, vứt tàn thuốc bừa bãi… không bị phạt nên người ta cứ thoải mái hút. Cần có một quy định từ trên”.

Đoan Trúc
VietNamNet

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video