19/05/2006
 

Chống thuốc lá: ''Đường thông không ai chịu đi''

"Bị" hỏi tại sao bán thuốc lá cho trẻ em dưới 16 tuổi, một phụ nữ bán mặt hàng này trên phố Tôn Đức Thắng (HN) ngạc nhiên, quát: "Không bán để mà chết đói à?''. ''Khái niệm'' xử phạt người hút thuốc nơi công cộng lại càng xa vời.


Luật cứ ra, khói thuốc lá cứ bay


Mặc dù Nghị định 46 sửa đổi về xử phạt các vi phạm hành chính ban hành đã quy định người hút thuốc lá nơi công cộng có thể bị phạt từ 50.000-200.000 đồng. Thế nhưng, luật là trên giấy; thực tế, vẫn khó lòng kiểm soát hành vi này để xử phạt.


Tại nhà ga, bến tàu, bệnh viện... thậm chí cả nhà hát (dù đã quy định cấm từ lâu) nhưng khói thuốc vẫn bay; việc xử phạt thường không được tiến hành.

Ông Nguyễn Việt Cường - Phó Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội - một trong những Thanh tra chuyên ngành được phép xử phạt các hành vi vi phạm chính sách phòng chống thuốc lá cũng thừa nhận: "Chúng tôi chưa bao giờ xử phạt ai hút thuốc trong bệnh viện, phòng khám hay các nơi bị cấm khác. Để phạt được phải có biên bản, có nơi tiến hành xử phạt; việc này lại không dễ thực hiện. Tiện nhất là xé vé phạt, nhưng lại không có chế tài này".


Ông Ông Vũ Đình Rậu - Trưởng ga Hà Nội cũng cho biết khó khăn của công cuộc chống thuốc lá: "Ga mới chỉ treo các biển cấm hút thuốc lá và vừa hoàn thành quy chế "Xử phạt những cán bộ vi phạm quy định phòng chống thuốc lá" (trừ thi đua người vi phạm), nhưng mới được 1 tuần nên chưa có hiệu lực ngay. Còn việc hành khách hút thuốc ở những nơi cấm, ga lại không có chức năng xử phạt. Ngay cả trong khuôn viên ga, cũng còn đến 5 - 7 quầy bán thuốc lá, tuy không bày quá lộ liễu như trước".


Theo thăm dò của Công đoàn Y tế VN năm 2005, vẫn còn khoảng 30% cán bộ cho rằng rất khó triển khai quy định cấm hút thuốc. 100% cơ sở y tế vẫn bị ô nhiễm nicôtin. 62,5% các bệnh viện, trung tâm y tế có hàng bán thuốc lá ở phạm vi bên trong, 23% bệnh viện và trung tâm y tế tuân thủ quy định cơ sở y tế không thuốc lá.

Mỏi cổ ngóng ngày tăng thuế thuốc lá?


Trong các chiến lược phòng chống thuốc lá được nhiều nước trên thế giới áp dụng thì biện pháp tăng thuế được nhiều quốc gia theo đuổi và thành công. Công ước khung về phòng chống thuốc lá cũng cho rằng: "Giá và thuế là những biện pháp hữu hiệu và quan trọng để giảm hút thuốc lá trong dân cư, đặc biệt là trong thanh niên".

 

Tại Việt Nam, chính sách quốc gia phòng chống thuốc lá giai đoạn 2001 - 2010 đề ra mục tiêu đến năm 2005 sẽ giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới hút thuốc lá từ 50% xuống còn 20%. Giảm tỷ lệ thanh thiếu niên (từ 15 - 24 tuổi) hút thuốc từ 26% xuống 7%.


Mặc dù thuốc lá là mặt hàng chịu thuế suất cao, trung bình khoảng 50%. Nhưng mức thuế này so với các nước khác vẫn còn khá thấp. Việc tăng thuế lên 70% giá bán lẻ - mức khuyến cáo của WHO và cũng là mặt bằng thuế áp dụng ở rất nhiều quốc gia - là có thể thực hiện được. Mức tiêu dùng thuốc lá giảm khoảng 8% và doanh thu thuế của Chính phủ sẽ tăng 10,8 - 20,4%.


Việc kìm chế gia tăng sản xuất thuốc lá cũng đã được đề xuất bởi hiện nay 50% nguyên liệu sản xuất thuốc lá ở Việt Nam là nhập ngoại. Theo Viện nghiên cứu kinh tế, việc cắt giảm sản lượng sản xuất sẽ không ảnh hưởng đến đời sống của khoảng 200.000 người nông dân đang canh tác trên 25.000 ha thuốc lá.


Tuy nhiên, tất cả những giả định này mới là kiến nghị của các cơ quan, tổ chức phòng chống thuốc lá ở Việt Nam. Vấn đề là đến bao giờ những đề xuất này mới đi vào thực tế?


Gánh nặng thuốc lá ngày càng chồng chất


Theo Tổng Công ty thuốc lá VN, 6 tháng đầu năm 2005, đã có gần 2 tỷ bao thuốc lá nội được đưa ra thị trường Việt Nam, chưa kể 10% thuốc nhập lậu qua biên giới Lào, Campuchia.


Mức tiêu thụ thuốc lá ở VN từ năm 2000 đến nay vẫn đang tăng nhanh chóng với mức 10 - 15%/năm.

Còn ở VN, tỷ lệ tiêu dùng thuốc lá trên đầu người (tính cho những người trên 15 tuổi) năm 1995 là 626 điếu, năm 2000 là 1.050 điếu. Theo đà này, ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 10% dân số hiện nay, tức là khoảng trên 7 triệu người VN sẽ chết do các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Bên cạnh đó, hút thuốc còn tác nhân gây ra các bệnh nguy hiểm như ung thư phổi, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch và các bệnh về hệ hô hấp có liên hệ rất mật thiết với thuốc lá.

Lệ Hà - Hải Đăng
VietNamNet

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video