Thái Bình: Phụ nữ Bách Thuận liên kết giúp nhau sản xuất, kinh doanh cây cảnh

09/01/2020
Với sự ra đời của Tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh cây cảnh, cây hàng lá do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bách Thuận xây dựng, các hộ có điều kiện liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh.
Thành viên Tổ hợp tác trao đổi kỹ thuật trồng cây cau lụa tại vườn của gia đình chị Phạm Thị Đông, thôn Bách Tính, Bách Thuận (Vũ Thư).

Phụ nữ làng vườn Bách Thuận (Vũ Thư) từ xưa nổi tiếng chăm chỉ và giỏi giang, ngày cần mẫn việc ruộng vườn, sớm khuya tần tảo bán buôn. Hiện nay, chị em nhạy bén liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất và kinh doanh, vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và đóng góp phát triển xã hội.

Làng vườn Bách Thuận (Vũ Thư) là một trong những “vựa” cây hoa, cây cảnh của tỉnh. Trước kia, các hộ dân địa phương sản xuất, kinh doanh các loại cây hàng hóa này với quy mô nhỏ lẻ nên hiệu quả chưa cao. Giờ đây, với sự ra đời của Tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh cây cảnh, cây hàng lá do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã xây dựng, các hộ có điều kiện liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh.

Gia đình bà Bùi Thị Đông (thôn Bách Tính, xã Bách Thuận) thu hoạch lá cây vạn tuế để bán.

Gia đình anh Phạm Văn Định, thôn Bách Tính hiện có hơn 3 mẫu vườn trồng các loại cây cảnh, cây công trình, cây hàng lá như: sanh, si, tùng la hán, nhài cổ, tường vi, vạn tuế, hoa hồng, trắc bách diệp, mẫu đơn... Ngoài sản xuất, gia đình anh còn thu mua các loại cây này tại địa phương để bán ra thị trường trong, ngoài nước. Trước kia, việc trồng các loại cây trong vườn, số lượng cây nhiều hay ít thường do gia đình anh tự “liệu” nên có lúc lượng cây ít không đủ nhu cầu tiêu thụ, có lúc lại thừa. Nhiều hộ khác cũng vậy nên việc sản xuất, kinh doanh mặt hàng cây hoa, cây cảnh ở địa phương chưa đạt hiệu quả cao. Từ khi chị Trịnh Thị Khánh, vợ anh Định thành lập và tham gia Tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh cây cảnh, cây hàng lá, việc sản xuất, kinh doanh các mặt hàng này của gia đình anh Định có sự liên kết chặt chẽ với các hộ khác tại địa phương.

“Khi thị trường có nhu cầu ở một loại cây nào đó, gia đình tôi sẽ nhập đủ số lượng cây giống và liên kết với các hộ khác để bà con trồng tại vườn, đến kỳ thu hoạch gia đình tôi đến thu mua cho bà con. Hoặc khi gia đình tôi đang dư thừa, thậm chí ế số lượng nhất định một loại cây nào đó nhưng các hộ khác trong Tổ hợp tác lại tìm được đầu mối tiêu thụ hàng thì bà con sẽ hỗ trợ gia đình tôi tiêu thụ số cây đó. Như vậy, cả gia đình tôi và các gia đình khác trong Tổ hợp tác và nông dân địa phương đều có lợi” - anh Định chia sẻ.

Bà Bùi Thị Đông, thôn Bách Tính là một trong những thành viên của Tổ hợp tác chia sẻ, gia đình bà hiện có 8.000m2 vườn, trồng hàng chục loại cây cảnh, cây hàng lá khác nhau. Ngoài sản xuất, gia đình bà còn kinh doanh các mặt hàng đặc thù này, doanh thu mỗi tháng đạt từ 100 - 200 triệu đồng, ngoài ra còn tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên với mức thu nhập 350.000 đồng/người/ngày. Từ khi có sự liên kết, hỗ trợ nhau giữa các hộ trong việc sản xuất, kinh doanh cây cảnh, cây hàng lá, cây công trình, không chỉ sản xuất hiệu quả hơn, doanh thu tăng mà các khâu kỹ thuật trồng, chăm sóc cây, khâu vận chuyển, đánh bầu cây, điều hành công nhân bốc dỡ, nhận cây giống, tiêu thụ sản phẩm... đều thuận lợi hơn rất nhiều so với trước. Bà Đông ước tính gia đình bà giảm chi phí đầu tư và tăng 7 - 10% lợi nhuận so với trước.

Chị Trịnh Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bách Thuận, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh cây cảnh, cây hàng lá cho biết: Lợi thế của địa phương là có chất đất phù sa màu mỡ, làng nghề cây hoa, cây cảnh có từ lâu đời, người dân có kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh các mặt hàng liên quan đến cây cảnh, cây hoa. Tuy nhiên, trước đây bà con làm theo hình thức tự phát, nhỏ lẻ, hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao. Xuất phát từ thực tế là các gia đình muốn sản xuất, kinh doanh các mặt hàng này thuận lợi thì cần có sự liên kết, hỗ trợ nhau về giống, vốn, khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm, xe vận chuyển, nhân lực bốc dỡ hàng hóa... nên đầu tháng 9/2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh cây cảnh, cây hàng lá. Hiện Tổ hợp tác thu hút 15 thành viên là các chị em đại diện các hộ sản xuất, kinh doanh các loại cây thuộc 3 nhóm: cây cảnh (các cây có dáng, thế đẹp), cây công trình (cây đặt tại các công trình, trụ sở, nhà ở), cây hàng lá (phục vụ việc cắm hoa) tại thôn Bách Tính, thôn Thuận Nghiệp (xã Bách Thuận). Ngoài diện tích hơn 10ha cây cảnh, cây công trình, cây hàng lá do gia đình các thành viên trong Tổ hợp tác tự sản xuất, tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 40 lao động địa phương thì 100% số hộ trong Tổ hợp tác thực hiện việc kinh doanh, tiêu thụ khoảng 75% tổng sản lượng các loại cây hàng hóa này tại địa phương. Sản lượng tiêu thụ của các hộ trong Tổ hợp tác bình quân đạt 700 - 1.000 cây/ngày, giá trị mỗi cây đạt từ 300.000 đồng - 1 triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu đồng/cây. Ước tính, doanh thu từ kinh doanh cây hàng hóa của các hộ thành viên Tổ hợp tác đạt trên 13 tỷ đồng/năm.

Chị Nguyễn Thị Thoa, thành viên Tổ hợp tác chia sẻ: Tổ hợp tác hiện có 15 thành viên, trong đó Ban quản lý Tổ hợp tác có 5 người. Sau khi thành lập, chị em rất phấn khởi và có sự liên kết chặt chẽ với nhau hơn, hỗ trợ nhau trong việc sản xuất, kinh doanh các loại cây. Ngoài sự trao đổi, hỗ trợ nhau thường xuyên, hàng ngày về kỹ thuật, giống, vốn, các vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh, Tổ hợp tác tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tháng, tạo cơ hội giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trong công việc và cuộc sống, thu hút thành viên tham gia. Tôi thấy việc thành lập Tổ hợp tác rất có ý nghĩa đối với các hộ sản xuất, kinh doanh cây cảnh tại địa phương, chúng tôi hy vọng sẽ mở rộng, thu hút thêm nhiều thành viên tham gia để liên kết chặt chẽ hơn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh các loại cây hàng hóa đồng thời tạo điều kiện để phụ nữ địa phương vươn lên khẳng định vai trò của mình, góp phần làm giàu cho gia đình và đóng góp xây dựng quê hương.

baothaibinh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video