Đa dạng hoá dịch vụ hỗ trợ lao động nữ di cư hồi hương- hướng đi cần thiết trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng

07/07/2020
Hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương trở về để họ có thể tái hòa nhập cộng đồng và tận dụng được kinh nghiệm, kỹ năng đã tích lũy được là hướng đi cần thiết và cấp bách trong thời kỳ đất nước phát triển, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

 

Tư vấn pháp luật hỗ trợ phụ nữ hồi hương (ảnh minh họa, nguồn ảnh: https://phunuvietnam.vn/)

Khó khăn trong tái hòa nhập

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 30 nghìn lao động trở về sau khi hết hạn lao động ở nước ngoài. Theo khảo sát của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, sau khi hồi hương, mặc dù tỷ lệ lao động có việc làm tương đối cao (86.7%) nhưng phụ nữ đa số chỉ có thể làm các công việc giản đơn (78.9% so với 47.8% ở nam giới). Không có lao động nữ làm các nghề có chuyên môn kỹ thuật bậc cao và phần lớn nữ lao động trở về không hoạt động kinh tế. Cùng với đó, lao động nữ sau khi trở về khó tìm việc làm do lớn tuổi và có xu hướng về làm việc nhà và chăm sóc gia đình.

Lao động Việt Nam trở về từ các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan được đánh giá là có ý thức kỷ luật tốt, kỹ năng cao nhưng sau khi về nước vẫn loay hoay tìm kiếm công việc. Ngoài những nguyên nhân như tâm lý cảm thấy mức lương được trả ở Việt Nam không tương xứng như mức lương ở nước ngoài, việc thiếu các nghề tương tự trong các công ty tại Việt Nam hoặc có nghề nhưng máy móc và công nghệ khác biệt nên không thể áp dụng được, thì một nguyên nhân chủ yếu là người lao động thiếu thông tin về các doanh nghiệp đang tuyển dụng các vị trí việc làm phù hợp với nghề nghiệp đã làm khi ở nước ngoài.

Tại hội thảo tham vấn Lồng ghép giới trong Dự thảo Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) do TW Hội LHPN Việt Nam phối hợp với UNWomen tổ chức ngày 19/5 vừa qua, PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội đề nghị: “Khi họ [người lao động] trở về, cần sử dụng được kiến thức, kỹ năng mà họ tích lũy được trong quá trình lao động ở nước ngoài”. Thế nhưng bà cũng cho rằng, các chính sách hiện nay dành cho lao động trở về nước dường như vẫn thiếu các quy định cụ thể, vì thế người lao động không biết được họ có đang đủ tiêu chuẩn để tham gia các chương trình hỗ trợ việc làm cho lao động hồi hương hay không. Người lao động – bên cung, đang thiếu những kênh tư vấn, kết nối họ với bên cầu, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Không chỉ vấn đề việc làm và thu nhập, ILO chỉ ra cả lao động nam và nữ sau khi trở về đều đối mặt với nhiều thách thức trong mối quan hệ giữa họ và bạn đời, các thành viên khác cũng như việc tái hòa nhập cộng đồng[1]. Theo khảo sát của UN Women và Cục Quản lý lao động ngoài nước, nhiều phụ nữ trở về nhận thấy chồng không chung thủy và không quan tâm, chăm sóc con cái trong thời gian họ đi làm ở nước ngoài. Có hiện tượng hôn nhân tan vỡ khi trong gia đình có người đi làm việc ở nước ngoài – đặc biệt là phụ nữ [2]. Thời gian sống xa cách có thể là nguyên nhân dẫn đến vợ chồng không hiểu nhau gây rạn nứt hôn nhân. Mâu thuẫn gia đình gia tăng trong việc quản lý và chi tiêu tiền gửi [3]. Ngoài ra, việc thiếu vắng sự chăm sóc của người mẹ trong một thời gian trung bình từ 2-3 năm thì những đứa trẻ không thể tránh khỏi những hụt hẫng, khủng hoảng, dẫn tới sự xa cách với người mẹ khi họ trở về.

Chuyên gia tư vấn về Giới và Di cư – Jenna Holliday khuyến cáo: “Sau khi trở về, phụ nữ cũng phải chịu đựng thái độ kỳ thị đối với trải nghiệm di cư của họ”. Trong khi đó, TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đề nghị: “Phải đảm bảo người lao động khi trở về được hội nhập. Rất nhiều trường hợp lao động đi làm việc ở nước ngoài về là mất chồng, gia đình tan vỡ, hạnh phúc không còn.”

Kinh nghiệm của Indonesia

Những thách thức sau khi trở về của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không phải là câu chuyện của riêng Việt Nam. Các nước như Indonesia, Philippines,… vốn coi việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là một chiến lược phát triển kinh tế, cũng phải đối mặt với những khó khăn tương tự. Theo thống kê của Indonesia, mỗi năm có khoảng hơn 260.000 lao động hồi hương, và hơn 44.000 người trong số này gặp các vấn đề khác nhau, đòi hỏi sự giúp đỡ và hỗ trợ tức thời. Những vấn đề này bao gồm công việc, tâm lý, thể chất và các vấn đề liên quan đến gia đình và cộng đồng.

Nhận thức được thực trạng này, Indonesia đã thực thi nhiều chương trình nhằm hỗ trợ cho người lao động hồi hương tái hòa nhập cả về kinh tế và văn hóa – xã hội, với sự tham gia của chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và thể chế tư nhân. Trong đó ở cấp độ Chính phủ, chương trình Chăm sóc (nuôi dưỡng) gia đình của lao động di cư (BKTKI) do Bộ Tăng quyền Phụ nữ và Bảo vệ Trẻ em (PP-PA) thực thi được đánh giá là có nhiều thành công trong đảm bảo gắn kết, hòa nhập gia đình cho phụ nữ di cư[4].

Bắt đầu từ một nghiên cứu của PP-PA về các vấn đề mà phụ nữ di cư lao động gặp phải, bao gồm: Quản lý kiều hối, Gắn kết gia đình và Thiếu sự chăm sóc trẻ em, Tổng thống Indonesia đã ban hành Chỉ thị số 03/2010 về Chương trình phát triển công bằng, trong đó giao PP-PA thực thi chương trình BKTKI nhằm giải quyết các vấn đề đối với phụ nữ di cư lao động, bao gồm cả nhóm lao động trở về, thông qua các chương trình tập huấn kỹ năng về kinh tế và kinh doanh, nhằm hướng tới tự chủ về kinh tế gia đình.

Những người tham gia sau khi hoàn thành khóa đào tạo có thể nhận được vốn từ Bộ Doanh nghiệp nhỏ và vừa để bắt đầu phát triển kinh doanh. Về khía cạnh gia đình, các khóa tập huấn nhằm cải thiện sức khỏe tinh thần và tâm thần của gia đình người phụ nữ lao động di cư, giảm thiểu các yếu tố dẫn đến ly dị và ngoại tình trong gia đình cũng nhưng các khóa hướng dẫn nuôi dạy trẻ, đảm bảo quyền về giáo dục và dinh dưỡng cho trẻ em.

Điều đặc biệt là Chương trình BKTKI không có sự phân biệt giữa lao động đi làm việc ở nước ngoài hợp pháp hay bất hợp pháp – chỉ cần đủ 18 tuổi. Chương trình này có sự tham gia của nhiều bộ, ban ngành, không chỉ  Bộ Tăng quyền Phụ nữ và Bảo vệ Trẻ em, Bộ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ Tôn giáo, Bộ Dịch vụ Xã hội,… cũng như một số tổ chức phi chính phủ như Liên đoàn Lao động di cư Indonesia (SBMI).

Khuyến nghị áp dụng

Kinh nghiệm của Indonesia trong giải quyết các thách thức liên quan đến lao động nữ di cư hồi hương khuyến nghị rằng, Việt Nam cần cung cấp đa dạng các dịch vụ hỗ trợ tái hòa nhập về kinh tế và văn hóa - xã hội, với sự tham gia của nhiều cơ quan, ban, ngành, tổ chức trong nước và quốc tế để đa dạng nguồn lực hỗ trợ. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chưa có các chương trình hỗ trợ tái hòa nhập đa dạng và phủ rộng như Indonesia, vì vậy, để đảm bảo việc tiếp cận của người dân với chính sách hỗ trợ, cần thiết lập đường dây nóng trợ giúp 24/7 hoặc các văn phòng dịch vụ, tư vấn trực tiếp tại các khu vực tập trung đông người lao động hồi hương.

Ngoài ra, hiện nay ở Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), dưới sự tài trợ của Tổ chức KOICA đang triển khai dự án “Tăng cường năng lực của các cơ quan Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương và gia đình của họ”, trong đó, có cấu phần Xây dựng và vận hành Văn phòng dịch vụ hỗ trợ một điểm đến (Văn phòng OSSO) tại 5 tỉnh/thành: Hà Nội, Hậu Giang, Cần Thơ, Hải Phòng, Hải Dương.

Văn phòng này sẽ cung cấp các dịch vụ tư vấn cho phụ nữ di cư hồi hương các thông tin về pháp lý, về cơ hội việc làm, khởi nghiệp kinh doanh, vay vốn, hỗ trợ khám, chữa bệnh, trợ giúp pháp lý, tư vấn về hôn nhân, gia đình,… Các dịch vụ cung cấp tại Văn phòng OSSO nhằm giải quyết các vấn đề của không chỉ phụ nữ di cư kết hôn hồi hương gặp phải, mà phụ nữ di cư hồi hương nói chung đều phải đối mặt, trong đó có lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài trở về.

Việc tích hợp chương trình hỗ trợ lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài trở về vào Dự án trên, đặc biệt là các dịch vụ mà Văn phòng OSSO cung cấp, sẽ giúp tối ưu hóa nguồn lực thực hiện và nâng cao hiệu quả hỗ trợ lao động di cư nói chung.


[1] ILO. 2016. Making the return of migrant workers work for Viet Nam: an issue in brief

[2] Dolab, IOM. 2013. Hậu di cư lao động: Chính sách và thực tiễn

[3] Nguyễn Hữu Minh, Nguyễn Thị Thanh Tâm . 2014. Phụ nữ nông thôn đi lao động ở nước ngoài. Phân tích từ góc độ giới. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam số 5(78)

[4] SMERU. 2017. Return Migration and Various Reintegration Programs for Low-Skilled Migrant Worker in Indonesia

Ban Chính sách Luật pháp TW Hội

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video