Đà Nẵng ban hành quy chế hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực đến năm 2010

03/12/2005
Để thúc đẩy phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và quy mô, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển nhanh và bền vững, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định 163/2005/QĐ-UBND ngày 09/11/2005 về quy chế hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Đà Nẵng đến năm 2010.

Đối tượng hỗ trợ là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, hội đủ các tiêu chuẩn quy định tại Quyết định số 3067/QĐ-UB ngày 11/4/2005 của Chủ tịch UBND thành phố và có sản phẩm thuộc danh mục các sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố, được lựa chọn tham gia Chương trình “Phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố Đà Nẵng đến năm 2010”.

Các doanh nghiệp được lựa chọn tham gia Chương trình, ngoài việc được hưởng các ưu đãi theo quy định chung của Trung ương và Thành phố như các chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, miễn giảm thuế, hỗ trợ xuất khẩu, hỗ trợ vay vốn ưu đãi... còn được xem xét hỗ trợ theo 03 nội dung của Quy chế này:

Hỗ trợ về đầu tư: Các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực được hưởng các ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ và UBND thành phố Đà Nẵng. Hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước theo khế ước trả nợ với thời hạn hỗ trợ trong vòng 3 năm đầu đối với các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực (các dự án bắt đầu trả nợ gốc từ ngày 01/01/2005. Riêng những dự án đã được vay ưu đãi hoặc hỗ trợ lãi suất sau đầu tư từ Quỹ Hỗ trợ phát triển, không được hỗ trợ trong trường hợp này. Đối với các dự án có quy mô đầu tư từ 100 tỷ đồng trở lên, thành phố sẽ có xem xét mức hỗ trợ cụ thể. Hỗ trợ chi phí tư vấn cho doanh nghiệp về thiết kế và đổi mới công nghệ, mua hoặc cải tiến thiết bị, công nghệ, tư vấn tiết kiệm nguyên - nhiên - vật liệu, sử dụng nguyên liệu nội địa thay thế hàng nhập ngoại để sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực. Mức hỗ trợ cho mỗi hợp đồng tư vấn là 30% giá trị hợp đồng, nhưng tổng kinh phí hỗ trợ cho 01 doanh nghiệp không quá 30 triệu đồng/năm. Hỗ trợ 50% kinh phí thực hiện các đề tài dự án nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực; các đề nghị được ưu tiên cho thuê đất hoặc giao đất cho các dự án khả thi đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Hỗ trợ đào tạo nhân lực và nâng cao trình độ quản lý: Hỗ trợ doanh nghiệp kinh phí đào tạo, bồi dưỡng công nhân lành nghề bậc 5 trở lên phục vụ phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, mức hỗ trợ căn cứ vào hợp đồng đào tạo đã ký kết, nhưng không quá 500.000 đồng/người/tháng tuỳ theo ngành nghề với thời gian đào tạo được hỗ trợ không quá 6 tháng; hỗ trợ chi phí cho các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn ISO 9000, HACCP, SA 8000, GMP và quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14000…Mức hỗ trợ bằng 50% chi phí nhưng không quá 35 triệu đồng/hệ thống.

Hỗ trợ xúc tiến thương mại: Được hưởng các nội dung hỗ trợ theo Chương trình xúc tiến thương mại các sản phẩm chủ lực của thành phố; được kết nối miễn phí Website của doanh nghiệp (nếu có) với Website của ngành công nghiệp thành phố, được quảng cáo, giới thiệu miễn phí thông tin về doanh nghiệp (do doanh nghiệp cung cấp) trên Website ngành công nghiệp thành phố; hỗ trợ 100% kinh phí đăng ký mới nhãn hiệu hàng hoá trong nước và không quá 10 triệu đồng/1 sản phẩm chủ lực/1quốc gia cho các sản phẩm đăng ký nhãn hiệu hàng hoá ra nước ngoài. Nếu nhãn hiệu đăng ký theo hệ thống cộng đồng nước ngoài thì kinh phí hỗ trợ được tính theo đầu đơn, mức hỗ trợ là 10 triệu đồng/đầu đơn/01 loại sản phẩm chủ lực.

Sở Công nghiệp là cơ quan Thường trực của Chương trình này, chịu trách nhiệm hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp thuộc đối tượng được hỗ trợ, tiếp nhận hồ sơ và chuyển cho các đơn vị chức năng thụ lý giải quyết theo từng nội dung hỗ trợ; đồng thời theo dõi, nhận kết quả giải quyết từ các cơ quan liên quan trả lại cho doanh nghiệp. Các khoản kinh phí hỗ trợ được chi từ các nguồn nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học - công nghệ của thành phố (các đề tài dự án nghiên cứu) và kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp từ ngân sách thành phố.

Theo báo Đà Nẵng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video