Đà Nẵng trong công tác giáo dục gia đình

06/03/2012
Trong các nhiệm vụ trọng tâm của Hội LHPN các cấp hiện nay, mục tiêu cơ bản vẫn là tuyên truyền, giáo dục, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho phụ nữ mà vấn đề then chốt vẫn là xây dựng gia đình hạnh phúc.

Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, từ năm 1977 đến 1982 chỉ có 28.350 cặp vợ chồng nộp đơn ly hôn, năm 2010 lên đến 51.361 cặp nhưng riêng năm 2009 là 97.495 cặp. Đặc biệt ở các thành phố lớn, tình trạng này càng báo động hơn nhiều lần. Năm 1990, TP. Hồ Chí Minh có 4.357 cặp vợ chồng nộp đơn ly hôn, Hà Nội 320, Huế 98; nhưng năm 2000, TP. Hồ Chí Minh 9.690, Hà Nội 2.095, Huế 324. Qua đây, có thể thấy, trong 10 năm qua, tình trạng ly hôn trên cả nước đã tăng rất nhanh chóng.

Tại thành phố TP. Đà Nẵng, từ năm 2000 đến 2010, dân số tăng xấp xỉ 1,3 lần, nhưng số cặp vợ chồng xin ly hôn tăng gần gấp 3 lần (2000: 2.501 vụ, 2010: 1.467 vụ) và tỉ lệ các cặp vợ chồng xin ly hôn gần bằng 20% tổng số cặp kết hôn hàng năm. Đây có thể xem là một hiện tượng báo động của vấn đề hôn nhân gia đình ở TP. Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung.

Theo báo cáo tổng hợp về việc giải quyết án Dân sự, hôn nhân và gia đình của toà án nhân dân TP. Đà Nẵng, từ năm 2001 - 2005, có 1.980 vụ án ly hôn, trong đó có 579 vụ án nguyên nhân do BLGĐ (29,2%); nhưng từ 2006 - 2008, có tới 4.026 vụ, trong đó: do mâu thuẫn gia đình 1.578 vụ (39,2%), do bị đánh đập, ngược đãi 1.149 vụ (28,5%), do ngoại tình 409 vụ (10,2%), do nghiện ma túy, cờ bạc, rượu chè 185 vụ (4,6%), do mâu thuẫn kinh tế 97 vụ (2,4%)... Thông tin này cho thấy tình trạng ly hôn ở TP. Đà Nẵng ngày càng gia tăng BLGĐ là một nguyên nhân cơ bản dẫn đến ly hôn, các nguyên nhân khác như mâu thuẫn gia đình; mâu thuẫn kinh tế; ma túy, rượu chè, cờ bạc...cũng có thể dẫn đến những hành vi BLGĐ.

Theo Ths. Phạm Thị Ngọc Hà, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III, có 3 nhóm nguyên nhân cơ bản dẫn đến ly hôn hiện nay: nguyên nhân kinh tế, nguyên nhân văn hóa và nguyên nhân từ phía xã hội. Kinh tế thường vẫn là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn có xác suất cao. Theo kết quả điều tra gia đình Việt nam 2006, khó khăn kinh tế đứng hàng thứ ba, sau mâu thuẫn về lối sống và ngoại tình trong các nguyên nhân của ly hôn. Nguyên nhân văn hóa thì phong phú và phức tạp hơn nhiều. Đó là do sự biến đổi về hệ giá trị hôn nhân và gia đình; vợ chồng không phù hợp về văn hóa, lối sống; tính ích kỷ cá nhân - “cái tôi” ngày càng được đề cao; BLGĐ - một trong những nguyên nhân trực tiếp và chiếm tỉ lệ khá cao trong các vụ án ly hôn. Nguyên nhân xã hội được tác giả phân tích từ nhiều góc độ, đó là tính ngưng tụ, cố kết xã hội ngày càng yếu đi; ngoại tình - “thủ phạm” nguy hiểm và tiềm ẩn nhất của gia đình thời hiện đại; tình trạng nghiện rượu, ma túy, cờ bạc - chủ yếu từ người chồng; các quy định của pháp luật về các thủ tục ly hôn được bình thường hóa, đơn giản hóa hơn so với trước đây v.v... Ngoài ra, những nguyên nhân người ta thường giấu giếm nhưng chính là những vấn đề chúng ta cần quan tâm, đó là không hòa hợp tình dục; thiếu hiểu biết, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, kỹ năng chung sống; thiếu thời gian dành cho nhau...

Trong các nhiệm vụ trọng tâm của Hội LHPN các cấp hiện nay, mục tiêu cơ bản vẫn là tuyên truyền, giáo dục, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho phụ nữ mà vấn đề then chốt vẫn là xây dựng gia đình hạnh phúc. Trong những năm qua, Hội LHPN TP. Đà Nẵng và các cấp đã chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức được một số hoạt động mang lại hiệu quả cao trong vấn đề hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần hạn chế mâu thuẫn, BLGĐ, nhất là vấn đề ly hôn, như hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tuyên truyền, giáo dục phẩm chất của người phụ nữ, bảo vệ, ngăn chặn những hành vi xâm phạm sức khỏe, nhân phẩm của phụ nữ và trẻ em xây dựng các mô hình như các tổ hòa giải, trung tâm tư vấn; CLB gia đình hạnh phúc, CLB phòng chống bạo lực gia đình, CLB Mẹ và Con gái...

Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã tổ chức 1.193 điểm tuyên truyền, 40 hội thi, 50 buổi hội thảo, tọa đàm, giao lưu chủ đề về gia đình; hàng năm tổ chức tuyên truyền về kiến thức gia đình cho trên 75% hội viên, phụ nữ; trung tâm tư vấn và hỗ trợ kết hôn giải quyết 116 đơn thư, tư vấn về gia đình cho 461 trường hợp, truyên truyền tại cộng đồng cho hàng chục ngàn phụ nữ và các thành viên gia đình; giúp cho 33 ngàn lượt phụ nữ nghèo vay vốn phát triển kinh tế, 296 hộ gia đình phụ nữ xây dựng “Mái ấm tình thương”; tư vấn việc làm cho 32.970 người, giới thiệu việc làm cho 5.274 người, đào tạo nghề cho 10.070 người - chủ yếu là phụ nữ; xây dựng và duy trì 305 Câu lạc bộ về gia đình...

Trong nhiệm kỳ tới, Hội LHPN các cấp cần phải xác định rõ hoạt động xây dựng gia đình hạnh phúc là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của công tác Hội. Hội LHPN các cấp cần tổ chức tốt việc đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ Hội về giáo dục gia đình. Bên cạnh đó, Hội cần chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp hoạt động xây dựng gia đình. Nội dung giáo dục văn hóa gia đình cần kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, không chỉ giới hạn ở kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử. Mô hình gia đình không chỉ hướng tới no ấm, hạnh phúc, mà còn là phải đạt đến bình đẳng, tiến bộ.

Việc đa dạng hoá các hình thức, phương pháp là một trong những biện pháp rất quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục gia đình hiện nay. Các nội dung giáo dục về văn hóa gia đình; tư vấn pháp luật, tâm lý; hỗ trợ nạn nhân BLGĐ... đều có thể chuyển tải trong mô hình câu lạc bộ hay hình thức sân khấu hóa. Hội LHPN các cấp cũng cần tạo dựng những điều kiện hỗ trợ tích cực và thuận lợi hơn cho công tác giáo dục gia đình như cơ sở pháp lý, cơ chế, kinh phí, cơ sở vật chất…

Trên cơ sở, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, Hội LHPN cần giám sát để phát hiện ra những bất cập trong quá trình thực thi các văn bản của Đảng, Nhà nước, từ đó, nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi, bổ sung những nội dung mới phù hợp với thực tiễn giáo dục gia đình. Hội tích cực tham mưu, đề xuất để cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành những chủ trương, cơ chế, điều kiện thuận lợi cho Hội; tăng cường trách nhiệm của các ngành, đoàn thể, các địa phương trong việc phối hợp với Hội LHPN các cấp trong công tác giáo dục gia đình.

Các cấp Hội chú trọng thực hiện và phát huy các hoạt động, như hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng và phát triển các mô hình câu lạc bộ; tiếp tục triển khai các chương trình, dự án về giáo dục gia đình, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; tham gia thực hiện các chính sách an sinh xã hội của thành phố… bởi đó là cơ sở để giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình và ly hôn hiện nay.

Nguyễn Thị Thu Hà, PCT Thường trực Hội LHPN TP. Đà Nẵng (TTPN)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video