Đà Nẵng: Ứng viên nữ tăng về lượng lẫn chất

19/04/2016
“Thực tế cho thấy năng lực, vai trò phụ nữ tham chính ngày càng rõ nét và đã được xã hội thừa nhận; đồng thời qua đó cũng thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước đến công tác cán bộ nữ”, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Đà Nẵng nhận xét khi nói về chất lượng nữ giới tham gia vào các cơ quan dân cử.

Khẳng định vai trò của nữ giới

Bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, sau hiệp thương lần 2, tỷ lệ ứng cử viên nữ tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp đều đạt và vượt so với yêu cầu của Đảng, Hội đồng bầu cử và Ủy ban bầu cử các cấp đề ra, cả về số lượng lẫn chất lượng. Họ có trình độ, năng lực, vị trí cao để thực hiện tốt vai trò đại biểu nhân dân.

Nhiều ứng cử viên từng tham gia từ 1-2 nhiệm kỳ đại biểu HĐND nên có kỹ năng tham chính rất cao. Còn các ứng cử viên tham gia ứng cử lần đầu lại có vị trí cao trong các cơ quan, đơn vị nên trong quá trình làm việc đã tôi luyện kỹ năng tốt.

Ông Nguyễn Đăng Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Ủy viên Ủy ban bầu cử thành phố cũng cho biết, cơ cấu đại biểu HĐND thành phố phấn đấu nữ chiếm 35%. Sau Hội nghị hiệp thương lần 2, trong danh sách ứng cử đại biểu HĐND thành phố, nữ giới chiếm 36%, tăng hơn so với quy định.

Tổng số ứng cử viên Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng có 13 người thì trong đó có 7 nữ, chiếm khoảng 60%. Các ứng cử viên nữ được cấp ủy Đảng, Đoàn Thanh niên và Hội LHPN chọn lựa, giới thiệu nên họ được tập huấn trước về kỹ năng tham chính.

Đặc biệt, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ thành phố đã tham mưu cho lãnh đạo thành phố về quy hoạch, bồi dưỡng, đề bạt, nên nữ ứng cử đại biểu HĐND ngày càng tăng cường chất lượng, năng lực tham chính khá tốt.

Tự tin vào chính mình

Chị Hồ Thị Bảo Ngọc, cử tri phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn cho rằng, trong hoạt động chất vấn trên nghị trường, số lượt đại biểu nữ tham gia chất vấn cũng nhiều không kém so với đại biểu là nam giới. Đại biểu nữ thường đi đầu trong việc nêu ra các lập luận, chứng cứ thuyết phục khi phân tích tác động của chính sách dưới góc độ giới, tác động bất lợi và trực tiếp đến phụ nữ nói riêng và các nhóm yếm thế trong xã hội nói chung.

Tuy nhiên, do định kiến giới vẫn tồn tại nên đã tác động đến xã hội và người phụ nữ, vì thế một số chị em vẫn còn tự ti về năng lực và vị thế của mình ngoài xã hội.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, mặc dù tỷ lệ phụ nữ tham chính các cấp ngày càng tăng cao qua các nhiệm kỳ, nhất là cán bộ, công chức, nhưng so với nghị quyết của Đảng và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới thì một số cấp, ngành, đơn vị, địa phương vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra; một số cơ quan, đơn vị chưa có lãnh đạo chủ chốt là nữ.

Vì vậy, để tăng tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, ngoài công tác tổ chức nhân sự của các cơ quan chức năng thì ứng cử viên nữ phải không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn và hiểu biết xã hội cũng như rèn luyện các kỹ năng cần thiết để làm tốt các nhiệm vụ trong cơ quan dân cử. Ngoài ra, phải thực sự tự tin vào chính mình, vào truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ, vào chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc ủng hộ tăng cường phụ nữ tham gia vào hệ thống chính trị quốc gia.

Là đại biểu nữ duy nhất trong Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên Thường trực Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, phụ nữ chiếm một nửa dân số, sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo trong các cơ quan chủ chốt sẽ đảm bảo được tính đại diện của toàn dân nói chung, đại diện cho lợi ích của nữ giới nói riêng. Đó cũng là bằng chứng khẳng định quyền bình đẳng giới, đồng thời là biện pháp mang lại những góc nhìn đa dạng trong quá trình xây dựng chính sách. Bà Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, nữ giới cần chủ động tham gia hoạt động lập pháp. Sự tham gia của phụ nữ ở các vị trí hoạch định chính sách thật sự đã nâng cao chất lượng chung của cơ quan công quyền. Kiến thức, kỹ năng và sự tự tin của nữ đại biểu dân cử giúp họ tham gia chủ động hơn vào các hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Nhiệm kỳ 2011-2016, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII chỉ chiếm 24,4% nhưng họ đã tham gia tích cực vào các hoạt động của Quốc hội, như: 29,9% ý kiến chất vấn tại hội trường là của nữ đại biểu; 33,52% nữ đại biểu có ý kiến phát biểu về các chuyên đề giám sát tối cao; trung bình 30% nữ đại biểu có ý kiến tham gia xây dựng luật, có dự án luật tỷ lệ này lên đến 50%...

Cũng trong nhiệm kỳ 2011-2016, có đến 56/120 nữ đại biểu Quốc hội (chiếm 46%) có sự thăng tiến về cương vị, tiến bộ về vị trí công tác. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội hiện là nữ, đây là tấm gương điển hình minh chứng vai trò của phụ nữ tham chính để nữ đại biểu dân cử tiếp tục phấn đấu đi đến thành công.

Nhằm nâng cao kỹ năng tham chính và sự tự tin cho các ứng cử viên nữ, tính đến 28-4, Hội LHPN thành phố đã tổ chức 22 lớp tập huấn cho 1.321 ứng cử viên nữ, trong đó có 33 ứng cử viên cấp thành phố, 183 ứng cử viên cấp quận, huyện và 1.105 ứng cử viên cấp xã, phường. Nội dung chủ yếu là cung cấp thông tin về phụ nữ tham chính hiện nay; về Quốc hội và HĐND các cấp; các kỹ năng xây dựng và trình bày Chương trình hành động trước hội nghị cử tri, kỹ năng vận động qua kênh thông tin đại chúng...

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video