Đắc Lắc: Phụ nữ Ea Kênh chung tay bảo vệ môi trường

13/10/2020
"5 không, 3 sạch”, “Tổ phụ nữ thu gom rác thải tăng thu nhập”, “Hố rác gia đình”, “Tổ phụ nữ trồng rau an toàn”, “Tổ phụ nữ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn”, “Ngày thứ bảy xuống đường dọn vệ sinh”, “Nhà sạch vườn mẫu”... là các hoạt động bảo vệ môi trường của phụ nữ xã Ea Kênh, Krông Pắc.
Các thành viên trong “Tổ phụ nữ thu gom phế liệu” xã Ea Kênh đang phân loại phế liệu.

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ea Kênh (huyện Krông Pắc) có 1.366 hội viên tham gia sinh hoạt tại 15 chi hội. Từ nhiều năm nay, hội viên phụ nữ xã luôn chủ động tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.

Thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Hội LHPN xã Ea Kênh chủ động đăng ký với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện mô hình "Tổ thu gom rác thải". Được thành lập đầu năm 2019, trung bình mỗi năm Tổ thu gom rác thải thu gom và vận chuyển trên 100 tấn rác thải các loại, góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường, duy trì tiêu chí nông thôn mới của địa phương.

Trước đó, với mục tiêu “biến rác thải thành quỹ”, Hội LHPN xã chủ trương thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo từ mô hình “Tổ phụ nữ thu gom phế liệu”. Thành lập mô hình vào tháng 8-2017 thí điểm tại thôn Tân Trung, Hội LHPN xã vận động hội viên thu gom, phân loại rác trong sinh hoạt, rác vô cơ, phế liệu để riêng, đến ngày 25 hằng tháng, chị em tập trung phế liệu tại nhà văn hóa thôn Tân Trung để bán. Số tiền bán được một phần đưa vào quỹ hoạt động, một phần cho hội viên phụ nữ nghèo vay vốn phát triển kinh tế. Gia đình bà Trương Thị Nhân (thôn Tân Trung) thuộc hộ khó khăn, không có đất sản xuất, với 2 triệu đồng được vay từ “Tổ phụ nữ thu gom phế liệu” bà đã đầu tư làm bánh chưng, bánh nếp, thu nhập bình quân được 250.000 đồng/ngày, kinh tế dần ổn định hơn. Sau hơn 3 năm hoạt động, mô hình “Tổ phụ nữ thu gom phế liệu” đã mang lại hiệu quả thiết thực, thu hút ngày càng đông phụ nữ tham gia, góp phần giúp xã Ea Kênh hoàn thành tiêu chí số 17 về môi trường, đạt chuẩn xã nông thôn mới vào tháng 3-2018. Đến nay, mô hình đã nhân rộng ở 15 thôn, buôn trên địa bàn.

“Từ kiến thức bảo vệ môi trường được trang bị, mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ trở thành một tuyên truyền viên hiệu quả tại gia đình, nơi cư trú, nơi công tác, lan tỏa các phong trào giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ sức khỏe gia đình, cộng đồng”. Bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Kênh cho biết.

Bên cạnh đó, Hội LHPN xã cũng triển khai mô hình “Đường hoa phụ nữ” tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Chị H’Rô Da Ayun ở thôn Tân Quảng chia sẻ: “Cùng với các hoạt động vệ sinh môi trường, hội viên các chi hội trồng, chăm sóc các giống hoa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương như: chiều tím, hướng dương, cỏ lạc, mười giờ…, trước là làm đẹp cho gia đình mình, sau làm đẹp thôn xóm”. Phong trào trồng hoa và cây xanh đã lan tỏa rộng khắp, ở mỗi thôn, buôn đều có các đoạn đường hoa do phụ nữ tự quản.

Cùng với đó, hưởng ứng lời kêu gọi “Ngày thứ bảy xuống đường dọn vệ sinh” của Hội LHPN xã, cứ định kỳ hằng tuần, hội viên các chi hội phụ nữ lại đồng loạt tham gia quét dọn đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, chăm sóc cây xanh… Ngoài ra, Hội LHPN xã còn đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các hộ chăn nuôi xây dựng được gần 70 hầm biogas, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý chất thải, nước thải trong chăn nuôi; áp dụng công nghệ sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất theo hướng hữu cơ nhằm tăng năng suất, chất lượng và bảo đảm vệ sinh môi trường; duy trì phong trào “Phụ nữ xách làn đi chợ”, hạn chế sử dụng túi nilon trong sinh hoạt…

Bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết, “Bảo vệ môi trường từ những việc làm nhỏ nhất” là phương châm được Hội LHPN xã thực hiện xuyên suốt trong thời gian qua. Thông qua đó, đã có nhiều mô hình tham gia bảo vệ môi trường được hội viên phụ nữ thực hiện và được nhân dân trên địa bàn hưởng ứng, như: “5 không, 3 sạch”, “Tổ phụ nữ thu gom rác thải tăng thu nhập”, “Hố rác gia đình”, “Tổ phụ nữ trồng rau an toàn”, “Tổ phụ nữ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn”, “Ngày thứ bảy xuống đường dọn vệ sinh”, “Nhà sạch vườn mẫu”... Các mô hình này đã được duy trì ở nhiều chi, tổ phụ nữ không chỉ góp phần thay đổi thói quen, nhận thức trong bảo vệ môi trường sống mà còn mang lại thu nhập giúp phụ nữ nghèo cải thiện cuộc sống.a

baodaklak.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video