Đắk Lắk: Khởi nghiệp với những sản vật núi rừng

04/03/2020
Nuôi lợn đen, ong lấy mật - cách phát triển kinh tế gia đình, khởi nghiệp thành công từ chính những sản vật của địa phương đã mang lại thành công cho gia đình nhiều hội viên, phụ nữ ở Đắk Lắk.
Chị H’ứk Êban thoát nghèo từ nuôi lợn đen

Chị H’ứk Êban thoát nghèo từ nuôi lợn đen

Trước đây, gia đình chị Chị H’ứk Êban, hội viên chi hội buôn Sút Mđưng, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk sinh sống và lao động chủ yếu từ nông nghiệp, ngoài giờ lao động trên 3,5 sào cà phê đã cằn cỗi, anh chị phải đi làm thuê kiếm thêm thu nhập để có tiền nuôi 3 con ăn học và trang trải cho cuộc sống, nhiều năm liền gia đình chị thuộc diện hộ nghèo của xã.

Sâu sát cơ sở, nắm vững tình hình phụ nữ trên địa bàn, Hội LHPN xã Cư Suê đã đến nhà động viên chị tham gia sinh hoạt Hội Phụ nữ; đồng thời để giúp chị có vốn làm ăn, Hội đứng ra tín chấp cho chị được vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội số tiền 15 triệu đồng. Có vốn và có kiến thức khi được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật do Hội phối hợp với khuyến nông tổ chức, chị H’ứk Êban đã đầu tư cải tạo lại 3.5 sào cà phê theo phương pháp khoa học kỹ thuật mới, cây ít sâu bệnh, cho năng suất cao hơn, chất lượng cà phê tốt hơn và được giá khi bán ra thị trường. Nhờ vậy,  kinh tế của gia đình chị dần dần ổn định hơn.

Đầu năm 2018, được Hội phụ nữ huyện Cư Mgar hướng dẫn, giới thiệu chị tham gia lớp dạy nghề ngắn hạn về kỹ thuật chăn nuôi, thú y và hỗ trợ chị được vay vốn “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” với số tiền 5 triệu đồng để nuôi heo đen. Chị H’ứk Êban dùng số tiền mua được 2 con heo giống. Sau 8 tháng nuôi với quy trình kỹ thuật, chăm sóc đúng, heo đã sinh sản lứa đầu được 7 con heo sữa, chị giữ lại để gây đàn.

Chị chia sẻ, heo đen có sức đề kháng tốt, không tốn nhiều chi phí thức ăn, chủ yếu chị cho ăn cây chuối, mì, bắp, cám gạo trộn với nhau, thỉnh thoảng bổ sung nấu thêm cháo cho heo ăn. Từ 2 con heo ban đầu, đến cuối năm 2018, đàn heo của chị đã lên tới 9 con heo giống, mỗi con đẻ trung bình 3 lứa/năm, một phần heo sữa chị giữ lại nuôi bán lấy thịt, một phần được các tư thương mua với giá khoảng 700.000 đồng/con, sau mỗi lứa heo đẻ gia đình chị sẽ có một khoản thu nhập tăng thêm rất đáng kể. Đến nay, gia đình chị H’ứk Êban đã thực sự thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế. Chị đã trả hết nợ từ vốn vay “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” và mua được thêm 3 sào đất canh tác.

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, chị H’ứk Êban còn tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động do các cấp Hội Phụ nữ phát động, luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, sẵn sàng giúp đỡ chị em khác có hoàn cảnh khó khăn hơn, chia sẻ những kinh nghiệm chăn nuôi heo đen cho bà con trong buôn, tuyên truyền, vận động chị em trong buôn thay đổi nhận thức để phát triển kinh tế gia đình. Hai năm liền chị được Hội LHPN xã biểu dương là nhân tố điển hình về phát triển kinh tế.

Chị Hằng làm kinh tế giỏi từ mô hình nuôi ong lấy mật

Chị Nguyễn Thị Bích Hằng, hội viên chi hội phụ nữ thôn 2, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin quyết định lập nghiệp bằng nghề nuôi ong lấy mật. Với số vốn ban đầu là 10 triệu đồng, chị mua được 30 thùng nuôi ong. Thời gian đầu do chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi ong, tỷ lệ đàn ong chết nhiều, năng suất thấp, chất lượng mật không cao nên giá thành bấp bênh, chủ yếu chỉ bán quanh địa bàn huyện.

Quyết tâm phát triển nghề nuôi ong, vợ chồng chị đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm nuôi ong đồng thời chịu khó tìm thông tin trên báo chí về kỹ thuật nuôi ong lấy mật. Chị cũng được Hội LHPN xã EaTiêu giới thiệu tham dự nhiều khóa tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về kỹ thuật nuôi ong và được thực tế ở nhiều địa phương có nghề nuôi ong phát triển.

Chị Nguyễn Thị Bích Hằng phát triển kinh tế từ nuôi ong

Có thêm kiến thức, kinh nghiệm nuôi ong, vợ chồng chị mạnh dạn vay vốn ngân hàng, người thân để đầu tư mở rộng thêm diện tích nuôi ong với hàng trăm thùng. Do được nuôi đúng kỹ thuật, đàn ong của chị rất khỏe mạnh cho nhiều mật chất lượng cao. Chị còn biết tận dụng mạng xã hội facebook, zalo để quảng bá sản phẩm, thông tin rộng rãi hơn nên số lượng khách hàng ngày càng nhiều hơn. Bên cạnh đó, chị cũng được Hội LHPN huyện Cư Kiun, hỗ trợ, giới thiệu kết nối sản phẩm với nhiều cơ sở kinh doanh, đơn vị doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, nhờ đó, gia đình chị đã có thêm được nhiều mối tiêu thụ sản phẩm sỉ và lẻ ở các tỉnh, thành, trong đó có 02 thị trường lớn là thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Tính trung bình mỗi năm gia đình chị thu về 15-20 tấn mật ong, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 3 nhân công chính với mức lương 5 triệu/tháng và 5 nhân công thời vụ mới mức 200.000đ/ngày/người. Chị cho biết, trừ mọi chi phí, gia đình chị thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, gia đình chị còn có hơn 1 ha trồng cà phê, tiêu mỗi năm cho thu hoạch từ 3 - 4 tấn, thu nhập trên 150 triệu đồng.

Thanh Huyền

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video