Đắk Lắk: Thoát nghèo nhờ mô hình trồng cây sương sâm thích ứng với biến đổi khí hậu

16/03/2022
Mô hình trồng cây sương sâm của gia đình chị Phạm Thị Tý, sinh năm 1965, hội viên phụ nữ tổ dân phố 6, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar ngày một khởi sắc được chị em phụ nữ trên địa bàn mạnh dạn học và làm theo, dần tạo thành phong trào thi đua “Sản xuất giỏi”, “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chị Tý đang hái lá sương sâm

Sinh ra tại vùng quê tỉnh Nam Định, lớn lên chị theo gia đình vào miền Nam sinh sống, lập gia đình và lập nghiệp trên mảnh đất Đắk Lắk theo diện di dân vào vùng kinh tế mới. Cuộc sống ban đầu của gia đình chị vô cùng khó khăn, nhà chỉ có 3 sào đất cà phê, công việc của anh chị chủ yếu là đi làm thuê cuốc mướn, ai gọi gì làm nấy và không nề hà bất cứ việc gì miễn sao trang trải đủ cuộc sống gia đình. Nhờ tính cần cù, chịu khó, tiết kiệm, chị đã mua thêm được 2 sào đất tại xã Cư M’gar để trồng cà phê. Sau một thời gian canh tác, do thiếu nước, cây cà phê dần già cỗi, cho năng suất thấp, mỗi năm chỉ thu được 3-4 tạ, giá cả lại biến động bấp bênh không ổn định, cuộc sống gia đình đã khó khăn lại càng thêm chật vật.

Tình cờ trong một chuyến đi thăm bạn bè xa, chị đã được một người quen giới thiệu về loại cây sương sâm. Qua tìm hiểu, được biết cây sương sâm là loại cây thích hợp với điều kiện, khí hậu và vùng đất đỏ Bazan tại Tây Nguyên, đồng thời mang lại giá trị kinh tế cao, lượng nước tưới không cần nhiều. Năm 2018, chị đã bàn bạc, thống nhất với chồng mạnh dạn nhổ bỏ 2 sào cà phê già cỗi chuyển sang trồng cây sương sâm.

Ban đầu, do cây sương sâm là một cây trồng mới, lại chưa có nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc nên cây không phát triển và còn chết rất nhiều. Nhưng với nghị lực và lòng quyết tâm, chị không bỏ cuộc, chị đã tự mày mò tìm hiểu qua bạn bè, người thân và trên sách báo để tự nhân giống những cây còn sống. Sau một thời gian cố gắng, chị đã ươm và trồng thành công 2 sào cây sương sâm. Qua một thời gian chăm sóc, vườn cây sương sâm phát triển xanh tốt, bình quân sản lượng lá thu hoạch đều, với diện tích 2 sào cho thu nhập khá ổn định từ 15 - 20 triệu đồng/tháng, mỗi năm thu nhập trên 200 triệu đồng. Thấy được đây là cây trồng đem lại kinh tế cao, chị đã mạnh dạn nhổ 3 sào đất cà phê gần nhà để tiếp tục mở rộng diện tích cây trồng và đến nay cũng đang cho thu hoạch.

Mỗi ngày chị hái được từ 15 - 20kg lá và với giá cả ổn định dao động từ 60 – 70 nghìn đồng/kg đã khiến cho nhu cầu sử dụng sản phẩm từ cây sương sâm ngày càng cao. Với 5 sào trồng cây sương sâm hiện có, gia đình chị có thu nhập khoảng 30 - 40 triệu đồng/tháng sau khi trừ đi chi phí. Chị Tý cho biết thêm: “Từ khi trồng loại cây sương sâm này chưa khi nào bị tồn đọng hàng vì có nhiều nguồn tiêu thụ. Khách hàng thường đến tận vườn thu mua hoặc chị gửi trực tiếp qua xe khách chứ không phải mất công chở đi bỏ mối xa”. Cũng theo chị Tý, trồng cây sương sâm tốn ít chi phí, kỹ thuật chăm sóc đơn giản, cho thu nhập cao, ổn định. Mô hình trồng sương sâm này rất phù hợp với điều kiện của chị em phụ nữ vì công việc nhẹ nhàng, dễ làm lại không tốn nhiều công sức.

Nhờ thu nhập từ cây sương sâm, cuộc sống gia đình chị đã dần ổn định và vươn lên lên thoát nghèo, trở thành hộ gia đình khá giả tại địa phương, hiện chị đã có điều kiện để xây dựng nhà cửa khang trang, chăm lo cho con cái ăn học trưởng thành, có công việc ổn định. Bên cạnh đó, chị còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động Hội và được chị em hội viên tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ liên gia.

Từ kinh nghiệm thành công của gia đình, chị Tý không ngần ngại chia sẻ những kinh nghiệm hay, những cách làm có hiệu quả trong sản xuất với bà con nhân dân trong địa bàn, để họ tích cực tham gia thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng mô hình mới, góp phần đẩy mạnh các phong trào thi đua của tổ Hội... Dù tất bật với công việc gia đình nhưng chị Tý vẫn luôn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của chi hội phụ nữ xã và Hội LHPN thị trấn, gia đình chị nhiều năm liền được ghi nhận danh hiệu gia đình văn hóa.

Hội LHPN Đắk Lắk

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video