Đắk Lắk: Thu nhập hơn 400 triệu đồng mỗi năm từ mô hình chăn nuôi tổng hợp

14/04/2022
Những năm gần đây, phát triển kinh tế gia đình từ mô hình chăn nuôi tổng hợp đã và đang là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao đối với đời sống hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Ea H’Leo. Thông qua mô hình, nhiều hội viên phụ nữ đã vươn lên phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng. Chị Võ Thị Nhẫn, chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn 5, xã Ea Khal là một trong những tấm gương tiêu biểu vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi.
Những cây mít nhà chị Nhẫn đang ra những trái thơm ngon

Lập nghiệp từ năm 1998, ban đầu vợ chồng chị Nhẫn chỉ làm mấy sào rẫy, nuôi mấy con gà để duy trì cuộc sống. Với đức tính chăm chỉ, chịu khó, vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm và được hỗ trợ một cặp heo rừng giống, vợ chồng chị quyết tâm phát triển kinh tế gia đình, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương Ea Khal, huyện Ea H’Leo. Qua những kinh nghiệm thực tế và học hỏi nhiều nơi, từ 1 cặp heo rừng giống, chị đã bàn với chồng mở rộng quy mô chuồng trại chăn nuôi heo rừng kết hợp trồng cây công nghiệp xen canh các loại cây ăn trái. Qua hơn 3 năm đầu tư, hiện nay, mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình chị Nhẫn phát triển với 55 con heo rừng, trong đó có 9 heo nái; cứ 2 năm một heo nái sinh sản 5 lứa, mỗi lứa trên 10 heo con. Mỗi năm, chị xuất bán từ 4 - 5 lứa heo thương phẩm với giá thịt trung bình dao động từ 100 - 180 nghìn đồng/kg, mỗi con từ 15 - 17 kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư, chị Nhẫn thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm.

Ngoài ra, tận dụng nguồn phân chuồng, chị xử lý ủ làm phân hữu cơ bón cho trên 2ha cây cà phê trồng xen canh 100 cây điều, 300 cây sầu riêng, 60 cây mít và hơn 100 trụ tiêu. Với mô hình trồng đa cây, xen canh trên diện tích đất vườn đã giúp gia đình chị có nhiều nguồn thu nhập. Trong quá trình trồng trọt, chị không ngừng học tập kinh nghiệm qua sách báo, ti vi, qua các lớp tập huấn kỹ thuật do Hội phụ nữ xã tổ chức và qua kinh nghiệm thực tiễn, chị đã làm tốt công tác chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nên các loại cây ăn trái và cây công nghiệp luôn sinh trưởng, phát triển tốt. Mô hình trên đã cho gia đình chị Nhẫn nguồn thu nhập hơn 300 triệu đồng mỗi năm, sau khi trừ chi phí.

Mô hình chăn nuôi heo rừng và heo thương phẩm của gia đình chị Nhẫn đem lại kinh tế cao

 

Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Khal Phùng Thị Hải Hoài cho biết: “Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Nhẫn còn vận động hội viên trong chi hội cùng xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả; thường xuyên hướng dẫn, chia sẻ với các chị em trong xã kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt để có hiệu quả kinh tế cao; giúp đỡ những hội viên khó khăn về vốn để phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng. Chị luôn tích cực tham gia các hoạt động do Hội phụ nữ xã tổ chức, tích cực tham gia các tổ nhóm tiết kiệm, ủng hộ các phong trào quyên góp ở địa phương. Chị xứng đáng là gương điển hình của người phụ nữ làm kinh tế giỏi để nhiều chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trong xã noi theo”.

Với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế hộ gia đình, mô hình phát triển kinh tế của gia đình chị Nhẫn đã mang lại nguồn thu nhập ổn định, giúp chị có điều kiện tốt để nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ. Với những thành tích trong phát triển kinh tế và những đóng góp vào hoạt động Hội, hàng năm chị vinh dự được Ban Thường vụ Hội LHPN huyện và UBND xã Ea Khal tặng Giấy khen.

Hiệu quả kinh tế từ mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình chị Võ Thị Nhẫn không chỉ mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình mà còn là động lực để nhiều hội viên phụ nữ và người dân trong xã học tập và làm theo, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.

Phạm Thị Len

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video