Đảm bảo cơ hội cho phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận và tham gia hiệu quả vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030

29/04/2020
  TS. Bùi Thị Hòa
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Với việc đảm bảo lồng ghép giới theo quan điểm “Lồng ghép, bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án”, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 9, với mục tiêu tổng quát: “thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”[1] sẽ mở ra nhiều cơ hội để phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận và tham gia chương trình hiệu quả với vai trò vừa là chủ thể tham gia vừa là đối tượng thụ hưởng chính sách. Bài viết chỉ ra những nguy cơ bị bỏ lại phía sau của phụ nữ dân tộc thiểu số và đưa ra những khuyến nghị về vấn đề lồng ghép giới trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

1. Đặt vấn đề

Trong nhiều năm qua, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, vùng dân tộc thiểu số (DTTS) đã được tạo điều kiện để phát huy nội lực và đạt được những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều vùng DTTS và miền núi giảm khoảng 2% so với năm 2015, 98% số người thoát nghèo không bị tái nghèo. Nhìn chung, Việt Nam đã có những thành tựu đáng ghi nhận trong việc giảm bất bình đẳng trong xã hội, bao gồm cả bình đẳng giới và bình đẳng giữa các dân tộc. Mặc dù vậy, các con số thống kê cũng cho thấy, Phụ nữ DTTS là nhóm có nhiều nguy cơ tụt hậu hơn cả do tính dễ bị tổn thương “kép” với đặc thù vừa là phụ nữ, vừa là người DTTS[2].

2. Phụ nữ DTTS với nguy cơ bị bỏ lại phía sau

Phụ nữ DTTS gặp nhiều rủi ro bị ngoài lề xã hội và đói nghèo hơn so với đàn ông trong cùng cộng đồng và phụ nữ thuộc các dân tộc đa số[3]. Báo cáo Tóm tắt về tình hình phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số ở Việt Nam[4] nhấn mạnh, trong cộng đồng người dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em gái thường là những đối tượng thiệt thòi hơn cả về khả năng tiếp cận các cơ hội, nguồn lực và khả năng nói lên tiếng nói của mình do các chuẩn mực xã hội áp đặt vị trí thấp kém hơn cho họ, giới hạn họ ở các hoạt động sinh con và sản xuất hộ gia đình.

Phụ nữ và trẻ em gái DTTS khó tiếp cận giáo dục và đào tạo. Kết quả Tổng Điều tra dân số 2019 cho thấy khoảng cách giới lớn nhất trong tỷ lệ biết đọc, biết viết thuộc về khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La với mức chênh lệch tối thiểu là 4.5 điểm phần trăm (Bắc Kạn) và cao nhất lên tới 23.3 điểm phần trăm (Lai Châu), so với con số trung bình cả nước là 2.4 điểm phần trăm. Đây đều là các tỉnh tập trung đông DTTS, với tỷ lệ người DTTS trên tổng dân số tỉnh tối thiểu từ 66.21% (Lào Cai) trở lên[5].

Trong đó, nhóm dân tộc Mông có tỷ lệ cân bằng giới tính cấp tiểu học của trẻ em; nhóm này chỉ bằng 0.95  thấp hơn mức cân bằng tối thiểu là 0.97, đồng nghĩa với trẻ em gái dân tộc Mông ít được đi học hơn so với trẻ em nam cùng tộc[6].

Ngoài ra, phụ nữ DTTS còn bị hạn chế trong tiếp cận các lớp đào tạo nghề - nghiên cứu của Ngô Quang Sơn khảo sát phụ nữ DTTS tại ba tỉnh Tây Nam Bộ đã phát hiện mặc dù phụ nữ DTTS có nhu cầu đào tạo nghề cao (66.2%) nhưng chỉ có 12,2% được tham gia khóa đào tạo nghề ở Trung tâm học tập cộng đồng và dưới 10% tham gia các Trung tâm GDTX, đào tạo nghề, THPT, và đa số các khóa đào tạo nghề là ngắn hạn 3 tháng[7].

Phụ nữ DTTS khó tiếp cận các cơ hội về việc làm trả lương; thu nhập thấp. Khó khăn trong tiếp cận giáo dục đã dẫn tới tỷ lệ phụ nữ DTTS làm công việc chuyên môn kỹ thuật rất thấp, đa số làm công việc phổ thông, giản đơn. Chỉ 17% phụ nữ DTTS có việc làm được trả lương, kém 15 điểm phần trăm so với nam giới cùng cộng đồng và thấp hơn 5 điểm phần trăm so với nữ giới thuộc dân tộc đa số. Thu nhập từ các công việc được trả lương bình quân năm chỉ là 3.531 triệu đồng, thấp hơn 1.543 triệu so với nam giới DTTS và 2.153 triệu so với phụ nữ dân tộc đa số[8]. Ngoài những nguyên nhân như hạn chế về vốn tiếng Việt và khả năng sử dụng/sở hữu phương tiện giao thông như xe máy, một phần nguyên nhân quan trọng là do phân công lao động trong gia đình đã và đang đặt gánh nặng quá lớn lên vai người phụ nữ[9] - phụ nữ thuộc một số nhóm dân tộc thiểu số phải làm việc nhà không lương đến chín giờ mỗi ngày so với năm giờ ở phụ nữ Kinh[10].

Vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn tồn tại dai dẳng ở vùng DTTS và miền núi. Tỷ lệ trẻ em kết hôn trước 18 tuổi ở người DTTS cao gấp hơn nhiều lần so với người Kinh (23,1% so với 9,2% ở người Kinh). Theo Tổng Điều tra Dân số 2019, các dân tộc Lô Lô, Mông, Khơ Mú, Xinh Mun, Hrê, Gia Rai, Brâu là các dân tộc thiểu số có tỷ lệ phụ nữ từ 20-24 tuổi kết hôn sớm cao nhất cả nước, cá biệt như dân tộc Mông thì tỷ lệ này lên tới 48%[11]. Tỷ lệ trẻ em gái DTTS mang thai ở tuổi vị thành niên cao (116/1000 em tuổi 15-19). Hôn nhân cận huyết tuy đã giảm nhưng ở một số dân tộc tỷ lệ này vẫn cao: Mạ (4,41%), Mảng (4,36%), Mnông ( 4,02%), Xtiêng (3,67%), có một số dân tộc tỷ lệ này đến 10% (Lô Lô, Hà Nhìn, Phù Lá, Chứt, Mông, Ê Đê, Chu ru, Pu péo, Si la, Rơ măm, Bờ Râu,..)[12].

Tiếp cận các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe của phụ nữ và trẻ em DTTS còn khoảng cách lớn. Theo báo cáo, vẫn còn 30,7% phụ nữ DTTS sinh con ở nhà so với 0.5% phụ nữ dân tộc Kinh; có tới 25 dân tộc có tỷ lệ sinh con tại nhà chiếm gần 50%, thậm chí có một số dân tộc, tỷ lệ sinh con tại nhà lên tới 90% như La Ha, La Hủ, Si la, Lự, Mảng. Theo Kết quả khảo sát đề tài thuộc Chương trình Tây Nguyên 3, tỷ lệ phụ nữ DTTS không đến trạm y tế xã và không đi tư vấn sức khỏe bản thân đều cao hơn so với nam giới DTTS và so với phụ nữ dân tộc Kinh trên địa bàn (tỷ lệ lần lượt là 78.9%-74.5%-57.3% và 32%-23.6%-22.4%), trong khi tỷ lệ đau ốm trong 12 tháng qua của nhóm phụ nữ DTTS lên tới 43.4% so với 36.1% ở nam giới DTTS và 29.1% ở phụ nữ người Kinh[13].

Phụ nữ và trẻ em DTTS còn nhiều nguy cơ không an toàn trong gia đình và cộng đồng. Trong 5 năm (2012-2017), số nạn nhân bị mua bán và nghi vấn bị mua bán là 3.090 người, trong đó, 90% nạn nhân bị bán sang Trung Quốc chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (chiếm trên 90% số nạn nhân), đa số thuộc các DTTS (trên 80%); tình trạng bạo lực trong gia đình DTTS xảy ra khá phổ biến, đặc biệt ở những dân tộc phụ hệ. Có tới 58,6% phụ nữ DTTS từ 15-49 chấp nhận bạo lực từ chồng, tỷ lệ này ở phụ nữ Kinh và Hoa chỉ khoảng 28%[14]; tình trạng tự tử, tội phạm ma túy, án mạng, xâm hại trẻ em ở vùng DTTS và miền núi cảnh báo tình trạng mất an toàn đang diễn ra. Ngoài ra, hạn chế trong tiếp cận các nguồn sinh kế bền vững, ra quyết định và tham gia vào quá trình ra quyết định; định kiến về vai trò giới… cũng khiến phụ nữ khó phát huy được năng lực nội tại và tính tự quyết của mình trong gia đình và cộng đồng.

Sự tham gia gia của phụ nữ DTTS trong lĩnh vực chính trị còn nhiều thách thức. Bên cạnh những điểm sáng về sự tham gia của nữ DTTS trong vị trí lãnh đạo cấp cao của bộ máy  Đảng và Nhà nước (1/3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị, 32,3% nữ đại biểu Quốc hội là người DTTS trong nhiệm kỳ 2016-2021), nhìn chung, tỷ lệ phụ nữ DTTS tham gia hệ thống chính trị thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung và so với nam giới. Ở cấp xã, có 14,56% phụ nữ DTTS tham gia cơ quan Đảng, 13,25% tham gia Hội đồng nhân dân, 24,99% tham gia cơ quan hành chính, 29,92% tham gia tổ chức chính trị - xã hội so với nam giới ở các cơ quan tương đương trên địa bàn[15].

3. Lồng ghép giới trong Chương trình MTTG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030

Nhận thấy đượcnhững khó khăn mà phụ nữ DTTS đã và đang phải đối mặt, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách, chương trình ưu tiên hướng đến nhóm đối tượng này trong quá trình thụ hưởng chính sách, tiêu biểu như Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và sắp tới là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Một trong những mục tiêu quan trọng của  Chương trình này là lồng ghép giới, hướng đến xóa bỏ bất bình đẳng giới giữa các nhóm dân tộc.

Cụ thể, Dự thảo Chương trình đặt ra mục tiêu đến năm 2025: “Trên 80% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế”; “giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 15%”; … và xây dựng các dự án tập trung vào các lĩnh vực cơ bản nhất (nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, giáo dục, y tế, văn hóa, đào tạo cán bộ, xây dựng hệ thống chính trị...). 3/10 dự án của Chương trình[16] trực tiếp giải quyết các mục tiêu cụ thể về giới, phụ nữ và trẻ em. Đặc biệt, Dự án 8 đặt ra mục tiêu: bình đẳng giới và giải quyết một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em DTTS (tảo hôn, hôn nhân cận huyết, bạo lực trên cơ sở giới, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trợ giúp pháp lý,…).

4. Khuyến nghị về lồng ghép giới trong Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030

Việc thiết kế các dự án 7-8-10 trong khuôn khổ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 là minh chứng thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phát triển bền vững. Tuy nhiên, để tăng cường hiệu quả thực hiện bình đẳng giới, trong quá trình xây dựng và thực thi Chương trình, chúng tôi cho rằng, cần phải lưu ý một số khuyến nghị sau:

Thứ nhất, bình đẳng giới là nguyên tắc xuyên suốt trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật.

Thực hiện lồng ghép giới là một quá trình liên tục nhằm thay đổi tư duy, mối quan hệ giới giữa nam và nữ; hướng đến coi trọng, xem xét và giải quyết mọi sự khác biệt giữa nữ và nam kịp thời, vì thế, cần đảm bảo bình đẳng giới xuyên suốt ở mọi cấp, mọi giai đoạn của chu trình chính sách. Bình đẳng giới xuyên suốt là một giải pháp quan trọng mà Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020 đề cập, phù hợp với quan điểm của Liên hợp quốc[17].

Trong khi đó, mặc dù Dự thảo Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 có tất cả 14 mục tiêu cụ thể, nhưng chỉ có 1 mục tiêu đề cập đến phụ nữ và trẻ em; 7/10 dự án chưa đề cập đến vấn đề lồng ghép giới. Nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đều thể hiện chung chung và như nhau cho mọi đối tượng, không chỉ rõ chỉ tiêu cụ thể đối với phụ nữ và trẻ em gái DTTS. Nguyên tắc bình đẳng giới xuyên suốt dường như chỉ “khu trú” ở 3 Dự án và đòi hỏi được thể hiện đầy đủ và hoàn hiện hơn, thông qua các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, cơ chế và ngân sách giới phù hợp với quy định của Luật Bình đẳng Giới (2007), Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới (2011-2020) và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn tiếp theo.

Thứ hai,lồng ghép giới trong dự thảo Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030.

Về việc xây dựng Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, cần chú ý đến nhu cầu khác biệt giữa các nhóm hưởng thụ chính sách, bao gồm cả khác biệt giới và khác biệt về văn hóa dân tộc. Để bảo đảm hiệu quả của lồng ghép giới trong Chương trình, cần quan tâm đến: i) Những nhu cầu của mỗi giới, bao gồm nhu cầu giới thực tế liên quan tới điều kiện sống và làm việc, nhu cầu thiết yếu của vùng DTTS, miền núi (ăn, mặc, nước sạch, vệ sinh môi trường) và nhu cầu giới chiến lược của phụ nữ, trẻ em gái DTTS, miền núi (nhu cầu tham chính, nâng cao quyền năng kinh tế, giáo dục); ii) Lợi ích của mỗi giới khi tham gia và thụ hưởng chương trình, mức độ cải thiện định kiến, thay đổi vai trò tham gia của mỗi giới, sự ghi nhận tiếng nói của mỗi bên, sự công bằng trong tiếp cận chính sách, sự chia sẻ trách nhiệm trong gia đình, trong cộng đồng, việc ra quyết định và iii) Bối cảnh, sự đa dạng văn hóa và điều kiện kinh tế - xã hội của từng vùng, từng dân tộc khi xác định nhu cầu can thiệp thay đổi, đầu tư phát triển. Cụ thể:

- Đối với Dự án 1, cần bổ sung tiêu chí nhà tiêu hợp vệ sinh với chỉ tiêu 50% hộ DTTS có nhà xí hợp vệ sinh (HVS).

- Đối với Dự án 3, cần bổ sung mục tiêu của tiểu dự án 1 và 2: “Đảm bảo phụ nữ được tiếp cận đầy đủ với các cơ hội phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp”; Tiểu dự án 3: “Đảm bảo phụ nữ được tiếp cận đầy đủ với các cơ hội khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp”. Bổ sung chỉ tiêu của tiểu dự án 1 và 2 (Dự án 3): “tối thiểu 50% phụ nữ tham gia và hưởng lợi trong các dự án phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, chăn nuôi”. Với cả ba tiểu dự án, bổ sung chỉ tiêu: “ít nhất 30% ngân sách của các tiểu dự án trong Dự án 3 được dành cho các dự án, mô hình, hoạt động nhằm thực hiện bình đẳng giới/giải quyết các vấn đề hạn chế/khoảng cách giới tại địa phương”.

- Đối với Dự án 5, cần bổ sung vào  Mục a Tiểu dự án 5 mục tiêu “đảm bảo tỷ lệ biết đọc, biết viết của phụ nữ DTTS không thấp hơn nam giới”; bổ sung vào Mục c nội dung hỗ trợ “Xây dựng chương trình, tài liệu, các học liệu dựa vào nền tảng số, các trò chơi trên điện thoại để khuyến khích phụ nữ tự học, học từ vựng, đồng thời làm quen và thích ứng với công nghệ thông tin ở bậc đơn giản”.

+ Bổ sung vào Mục a Tiểu dự án 2 nội dung: “bảo đảm tối thiểu 50% người được đào tạo là nữ”; bổ sung vào Mục c phần “bồi dưỡng kiến thức dân tộc” và phần “nâng cao năng lực cho cộng động và cán bộ triển khai chương trình” nội dung: “bồi dưỡng kiến thức về giới và lồng ghép giới trong thực hiện các chính sách về dân tộc”, bởi trên thực tế, năng lực lồng ghép giới trong xây dựng và thực thi dự án/chính sách của cán bộ địa phương còn nhiều hạn chế[18].

Ngoài ra, để đảm bảo xóa bỏ các rào cản liên quan đến tuổi tham chính của phụ nữ, cần bổ sung vào Mục c nội dung “hỗ trợ cho phụ nữ đi học bao gồm trợ cấp khi mang con đi học”. Nguyên nhân là do có đến 66.1% phụ nữ DTTS đi học không đúng độ tuổi nên nhiều phụ nữ có uy tín, có năng lực làm cán bộ có thể theo học đại học khi đã lập gia đình và có con.

+ Bổ sung vào Mục a Tiểu dự án 4 mục tiêu “đảm bảo tối thiểu 15% lao động DTTS được đào tạo nghề, trong đó bảo đảm tối thiểu 50% người được tham gia các hoạt động hướng nghiệp, đào tạo nghề, dịch vụ giới thiệu việc làm là phụ nữ”. 

- Đối với Dự án 7, đề xuất bổ sung mục tiêu “98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế, trong đó tỷ lệ nữ DTTS sử dụng thẻ BHYT là 50%”.

Cuối cùng, cần rà soát bổ sung chỉ tiêu tham gia của phụ nữ trong các dự án, tiểu dự án.Nếu không được xác định bằng một chỉ tiêu nhất định thì chắc chắn sự tham gia, thụ hưởng và được tôn vinh của phụ nữ DTTS sẽ rất bị hạn chế so với nam giới DTTS.

Thứ ba, giám sát, đánh giá thực hiện mục tiêu Bình đẳng giới trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Bình đẳng giới là một mục tiêu của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 và có trong nhiều tiểu dự án. Để giám sát, đánh giá chính xác, kịp thời tác động của chương trình, của từng dự án đối với từng giới, đảm bảo tất cả các hoạt động của Chương trình không tạo ra những tác động tiêu cực đến phụ nữ và nam giới, cần xây dựng bộ số liệu điều tra cơ bản ban đầu có phân tách theo giới tính và dựa trên các vấn đề cụ thể về giới.

Để làm được điều này, cần xây dựng 01 bộ công cụ bao quát toàn bộ nội dung cần giám sát, đánh giá về thực hiện bình đẳng giới trong mỗi dự án/tiểu dự án, tổ chức giám sát, đánh giá theo quy định của Chương trình; cần quy định và hướng dẫn cán bộ chương trình, dự án sử dụng các phương pháp và công cụ giám sát, đánh giá giúp thu thập số liệu và thông tin có phân tách theo giới tính và các vấn đề cụ thể về giới (cả định tính và định lượng) để đo lường và đánh giá mức độ lợi ích và hiệu quả mang lại cho từng giới. Trong quá trình triển khai chương trình, các hoạt động giám sát - đánh giá được xác định theo chu trình năm/ giai đoạn, nếu phát hiện những khác biệt giữa hai giới (ví dụ về mức độ hưởng lợi, về sự tác động bất lợi...), cần phân tích các nguyên nhân để có giải pháp phù hợp điều chỉnh hoạt động hoặc cách thức thực hiện hoạt động.

Thứ tư, xác định hoạt động và cách thức thực hiện hoạt động Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Chương trình cần xác định và lựa chọn cách thức thực hiện các hoạt động phù hợp để cả nam giới và phụ nữ đều có thể tham gia hiệu quả. Ví dụ: hoạt động nào cần có sự tham gia của cả nam và nữ, hoạt động dành cho các đối tượng riêng, tuyên truyền về bình đẳng giới cần có sự tham gia của tất cả các thành viên trong cộng đồng, lưu tâm các vấn đề nhạy cảm giới; lấy ý kiến của phụ nữ về sinh đẻ an toàn thì nên mời riêng nhóm phụ nữ, bố trí người điều hành là phụ nữ.

Để phụ nữ tham gia hiệu quả vào các dự án của chương trình, cần quy định tỷ lệ phụ nữ được tham gia họp hành, bày tỏ chính kiến của mình; cần bổ sung vào Dự án 4 nguyên tắc: “Các công trình đầu tư phải được đề xuất của tối thiểu 50% phụ nữ tham dự các cuộc họp lập kế hoạch hàng năm thực hiện Chương trình”, hoặc bổ sung quy định đảm bảo tỷ lệ tham gia tối thiểu của phụ nữ là 50% trong các cơ hội việc làm công, theo Nghị định số 61/2015, Thông tư số 15/2017…); ưu tiên các dự án phát triển sản xuất, phát triển chuỗi giá trị có sự tham gia tích cực, chủ động và hưởng lợi công bằng của phụ nữ; khuyến khích phụ nữ làm trưởng nhóm hoặc là thành viên nòng cốt của các tố nhóm, tổ hợp tác.

Chương trình cần nghiên cứu bổ sung vai trò của các tổ chức đại diện như Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện Chương trình; tham gia giám sát, đánh giá Chương trình; bổ sung vai trò của Hội LHPN trong giám sát, phối hợp, chủ trì tổ chức thực hiện các hoạt động của các dự án liên quan đến phụ nữ, gia đình, bình đẳng giới.

Thứ năm, nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

- Xây dựng dự toán ngân sách của Chuơng trình, dự án bao gồm cả ngân sách cho các hoạt động lồng ghép giới, đảm bảo phân bố đủ nhân lực và tài chính để thực hiện các hoạt động lồng ghép giới.

- Đối với cán bộ của Chương trình cần đưa ra các yêu cầu hiểu biết về giới và thúc đẩy bình đẳng giới; thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao năng lực lồng ghép giới cho đội ngũ cán bộ của Chương trình.

- Trong quá trình tổ chức, phân công công việc cần tính toán, cân nhắc phân công trách nhiệm và công việc một cách phù hợp giữa cán bộ nam và nữ;

- Cam kết và thực hiện đầy đủ các nguyên tắc, nội dung cũng như biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong quá trình tổ chức, điều phối thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Kết luận

Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Bình đẳng giới là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển của một xã hội, một đất nước, tự nó là mục tiêu của sự phát triển và là yếu tố hỗ trợ, nâng cao khả năng tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội của quốc gia. Việc đảm bảo cơ hội để phụ nữ DTTS tiếp cận và tham gia, hưởng lợi từ Chương trình MTQP phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 cần phải được xác lập từ khâu thiết kế, xây dựng, đến thực thi và giám sát, đánh giá Chương trình. Đây chính là điều kiện quan trọng để phụ nữ DTTS không bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.

Tài liệu tham khảo

1.      Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UNICEF, “Trẻ em trong tiến trình phát triển ở Việt Nam- Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030”, Hà Nội tháng 9 năm 2018.

2.      Commission, E. (2008). Ethnic minority and Roma women in Europe: A case for gender equality?

3.      Đặng Nguyên Anh. 2017, Tách biệt xã hội và bất bình đẳng giới ở Tây Nguyên, Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới số 3, tr.50-59.

4.      Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt nam, Ủy ban Dân tộc, “Để Phụ nữ Dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau ” ( Hà nội tháng 10/ 2019), trang 12.

5.      Hội Phụ nữ và Ủy ban Dân tộc (2020) “Để phụ nữ dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau”, trang 3.

6.      Ngân Anh (2017), Bình đẳng giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số: Vẫn còn khoảng cách – Báo Nhân dân điện tử ngày 22/11/2017.

7.      Ngô Quang Sơn (2018), Nghiên cứu mô hình đào tạo nghề cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại các xã đặc biệt khó khăn ở khu vực Tây Nam Bộ, Việt Nam, Tạp chí Dân tộc học số 5, trang 71-79.

8.      Tổng cục Thống kê (2019), Kết quả sơ bộ Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở thời điểm 01/4/2019

9.      Tổng cục Thống kê và Ủy ban Dân tộc, Điều tra thực trang kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số, năm 2015.

10. UNWomen (2015), Tóm tắt về tình hình phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

11. Uỷ ban Dân tộc, Irish Aid, UNDP, Tổng quan thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số, Hà nội, tháng 5- 2017, trang  41.

12. Uỷ ban Dân tộc, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Bản trình Cơ quan Hội đồng thẩm định Nhà nước, tháng 3/2020).

13. World Bank (2018), Tương lai việc làm ở Việt Nam dưới góc nhìn giới.

14. World Bank. (2019), Research Report: Drivers of Socio-Economic Development among Ethnic Minority Groups in Vietnam.

15. Young Lives (2018), Trưởng thành: Kỹ năng, lập nghiệp và xây dựng gia đình.

http://lapphap.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video