Đám cưới đặc biệt sau thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ

12/05/2014
Giữa chiến hào vừa ngưng tiếng súng tại chiến trường Điện Biên Phủ, cô dâu Nguyễn Phước Ngọc Toản và chú rể Cao Văn Khánh đã được đơn vị tổ chức đám cưới.

Một trong những tấm ảnh kỷ niệm của gia đình được nữ GS.BS Nguyễn Phước Ngọc Toản giữ gìn hết sức cẩn thận và được treo trang trọng tại tư gia của bà là bức ảnh khi ông bà hạnh phúc đứng trên tháp pháo xác chiếc xe tăng M24 bị bắn cháy tại sân bay Mường Thanh trong ngày cưới của ông bà. Bức ảnh được chụp vào ngày 23/5/1954.

Bồi hồi nhớ lại, bà kể : Bà và trung tướng Cao Văn Khánh gặp nhau lần đầu tiên năm 1951, khi bà đang là cô nữ sinh theo học ngành Y khoa. Hai người thường thư từ qua lại và tình yêu đã nảy nở trong chiến tranh.

Năm 1954, cả hai nhận nhiệm vụ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông trong ban chỉ huy Đại đoàn 308, bà là y sĩ làm nhiệm vụ cứu thương thuộc Đội Điều trị số 2 ở chiến trường. Hai người hẹn ước sau ngày chiến thắng sẽ xin phép gia đình làm lễ cưới.

Khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị khi đó là đồng chí Trần Lương có mặt tại chiến trường Điện Biên Phủ đã cho gọi bà đến gặp. Ông nói, nhiệm vụ còn lâu dài, giặc vẫn phải đánh mà hạnh phúc vẫn phải xây dựng và đề nghị tổ chức đám cưới cho bà.

Hôm đó là ngày 22/5/1954, đúng 15 ngày sau khi kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị đã tổ chức lễ cưới cho ông bà ngay tại căn hầm của tướng Đờ Cát. Phòng cưới được trang trí đơn giản mà ấm cúng. Vải dù được chăng lên, trên có dòng chữVui duyên mới không quên nhiệm vụ. “Quan viên hai họ” dự đám cưới là những đồng đội trong đơn vị. Chú rể chỉnh tề trong bộ quần phục, cô dâu cài lại mái tóc cho gọn gàng rồi nắm tay nhau bước vào phòng cưới trong không khí ngập tràn niềm vui với những tràng pháo tay, lời chúc mừng hạnh phúc của đồng đội ngay tại chiến hào mới ngưng tiếng súng. Một kỷ niệm khó quên là những bức ảnh chụp kỷ niệm vào ngày cưới bị hỏng do chụp vào chiều tối. Bức ảnh hai vợ chồng bà đứng trên xác pháo xe tăng được chụp vào ngày hôm sau, khi ông bà cùng các đồng chí lãnh đạo các đoàn kiểm tra lại trận địa trước khi tổ chức duyệt binh. Ông bà lấy bức ảnh này làm ảnh kỷ niệm ngày cưới của hai vợ chồng.

Năm 1980, ông qua đời, bà tiếp tục thay chồng nuôi dạy con cái khôn lớn, trưởng thành.

Năm 1996, bà nghỉ công tác ở Bệnh viện 108 nhưng vẫn tiếp tục tham gia nhiều hoạt động xã hội, trong đó có việc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam.

Bà Toản xúc động: Tình yêu thời chiến là vậy, đã giúp chúng tôi trưởng thành bên nhau, động viên nhau vững vàng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, cống hiến hết mình cho cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc.

Dương Thủy, BTPNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video