Đám cưới tập thể 65 cặp đôi người khuyết tật: Giá trị của tình yêu

27/06/2019
Ngày 23/6/2019, với việc tham gia Lễ cưới tập thể, giấc mơ của 65 cặp đôi người khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn thu nhập dưới 2 triệu đồng/tháng đã trở thành hiện thực.

Mỗi cặp đôi là một câu chuyện về tình yêu và hạnh phúc gia đình.

Nước mắt rơi trong ngày hạnh phúc

Nhiều cặp đôi, đây là lần đầu tiên họ được khoác lên mình bộ váy cưới, cho dù họ đã kết hôn 5, 10 năm. Vợ chồng anh Lường Văn Quý (trú tại tỉnh Hà Giang) đã bắt chuyến xe cuối cùng trong ngày từ tối hôm trước để kịp có mặt ở Hà Nội, chuẩn bị cho lễ cưới. Kết hôn 14 năm, đã có hai con trai (con lớn 14 tuổi, con bé 1 tuổi) chưa một lần chị Hoàng Thị Luyến - vợ anh được biết đến chiếc váy cưới.

Vì thế, chị vô cùng xúc động: “Tôi không biết váy cưới cô dâu như thế nào cho đến hôm nay, được tận tay sờ, mặc. Đây là chiếc váy đẹp nhất mà tôi được mặc, là món quà lớn nhất trong đời mình”. Tại lễ cưới, anh Quý đã dành tặng vợ bài hát “Tơ duyên” với những câu: “Anh luôn mong chờ em đến, xin cưới vào mùa xuân/ Cho đời em thành vợ hiền/ còn anh thành chồng duyên” như lời tỏ tình anh dành cho vợ năm nào.

 

 Cùng nhau rót ly rượu hồng, trao cho nhau nụ cười hạnh phúc 


Anh Trần Văn Tưởng (Thường Tín, Hà Nội) bị bệnh xương thủy tinh bẩm sinh. Tuy đã 32 tuổi nhưng anh cao chưa đầy 1m, nặng 28kg. Năm 2007, anh đã đến với chị An Thị Kim Tiền (28 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội, bị khuyết tật chân) bằng một lễ ra mắt giản dị. Trong đám cưới, con trai chị Trần Thanh Phong luôn bên cạnh để giúp mẹ nâng tấm váy cưới. “12 năm chung sống và có hai con kháu khỉnh, lần đầu tiên vợ chồng tôi có ảnh cưới treo trong nhà” - chị nói.


Hãy bao dung và sống để yêu nhau

Mỗi cặp đôi là một câu chuyện tình yêu đẹp. Vượt qua mặc cảm, khó khăn, những chàng trai, cô gái dẫu bị khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn, vẫn dũng cảm đi tìm tình yêu và tự viết nên những trang cổ tích của đời mình.

Cô gái Trịnh Thị Chuyên, sinh năm 1985, quê Sông Công, Thái Nguyên bị khuyết tật vận động bẩm sinh do ảnh hưởng của chất độc da cam di truyền từ người bố là thương binh. Năm 20 tuổi, Chuyên quyết định làm mẹ đơn thân vì nghĩ rằng nếu lấy chồng, cô cũng khó làm tốt vai trò người vợ, người con dâu hiếu thảo với một cơ thể không lành lặn. Một ngày, Chuyên gặp chàng trai cũng bị khuyết tật một bên chân trái Đinh Văn Thục, kém cô 2 tuổi, là ca sĩ trong đoàn văn nghệ…

 

 Cử chỉ yêu thương anh Đinh Văn Thục dành cho người vợ Trịnh Thị Chuyên


Sự đồng cảnh ngộ đã khiến họ thấu cảm, xích lại gần nhau. Nhưng, Chuyên chưa vội mở cửa trái tim mình mà kể hết cho Thục nghe việc mình đang làm mẹ đơn thân. Cô đề nghị Thục, nếu không thể chấp nhận thì hãy dừng lại, đừng để tình cảm đi xa rồi lại làm tổn thương nhau. Chẳng ngờ, Thục đã trả lời Chuyên bằng lời đề nghị “đưa em về ra mắt gia đình anh”.

“Đêm đầu tiên ở nhà Thục, nằm cạnh mẹ chồng tương lai, cô lại chia sẻ với bà về cuộc đời mình. Nghe xong, bà rưng rưng nói: “Cá vào ao ai thì người đó hưởng. Cha sinh không bằng mẹ dưỡng”. Những lời ngắn gọn ấy đã giúp Chuyên hiểu rằng, bà ủng hộ việc Chuyên tìm hạnh phúc mới với con trai mình. Ngày trọng đại, Chuyên tập tễnh trên đôi nạng gỗ, theo đoàn nhà trai về làm dâu nhà Thục. Năm 2012, con gái chung của hai vợ chồng ra đời. Thục và gia đình đã giữ đúng lời hứa, yêu thương con riêng của Chuyên và máu mủ của mình như nhau. Thục chưa từng căn vặn, băn khoăn về quá khứ của vợ. Anh chỉ biết ngày ngày cần mẫn làm việc, cùng với vợ vun đắp cho tổ ấm của mình thêm hạnh phúc.

Tình yêu cũng đã giúp cho chàng trai bị khiếm thị Đỗ Duy Thiết (quê Tiên Phương, Chương Mỹ, Hà Nội) tìm lại ánh sáng của đời mình. Một bên mắt hỏng từ nhỏ, đôi mắt còn lại của Thiết mất đi thị lực trong một lần anh bị tai nạn khi làm phụ hồ. “Ngày đó, mình tưởng chừng tuyệt vọng, không còn muốn sống nữa” - Thiết nhớ lại. Tủi hờn nhất là lúc Thiết không thể tự xúc cơm cho mình ăn, không thể  tìm được đường đi ngay trong ngôi nhà thân thuộc. Cuộc hôn nhân đầu tiên của Thiết cũng tan vỡ không lâu sau đó. 

Thế rồi, qua mai mối của bạn bè, Thiết biết đến cô gái Giang Thị Hoa. Cũng phải qua nhiều lần qua lại “trồng cây si”, Thiết mới khiến Hoa mềm lòng. Dẫu vậy, Thiết vẫn chưa dám tin ngay vào cái kết có hậu vì Hoa là cô gái lành lặn, liệu có dám hy sinh, chấp nhận một người khiếm khuyết như Thiết? 

 

 Dù đã ở bên nhau nhiều năm, nhưng, đây là lần đầu tiên, nhiều cặp đôi được mặc áo cô dâu, chú rể bước vào lễ đài

Đến nay, Thiết và Hoa đã có 10 năm bên nhau, sống cuộc đời êm đềm, hạnh phúc. Thiết luôn cảm kích, ghi nhận sự hy sinh, tần tảo Hoa dành cho anh và các con. Nhiều năm trời, Hoa trở thành chủ lực kinh tế của gia đình. Mỗi ngày, khi trời chưa hửng sáng, Hoa đã trở dậy chạy chợ, còn Thiết ở nhà trông con. Nhưng công việc buôn bán không đều tay, nên cứ vài tháng là vợ chồng lại tuyệt vốn. Hoa lại đăng ký đi xuất khẩu lao động ở Ảrập để kiếm tiền.

Thương vợ, ở nhà, Thiết quyết định học tẩm quất rồi liều mình đứng ra mở cơ sở tẩm quất của người mù. Cho tới lần chuyển địa điểm thứ 4, công việc mới dần ổn định. Vợ chồng Thiết bắt đầu chấm dứt cảnh chạy ăn từng bữa, cuộc sống đến nay đã có phần dễ chịu hơn.

Thiết tâm sự: “Tình yêu đã giúp vợ chồng tôi xóa nhòa mọi khoảng cách và tìm đến nhau, hy sinh cho nhau không toan tính”. 

Muôn mảnh ghép hạnh phúc

65 cặp đôi tham dự đám cưới tập thể, là 65 mảnh đời, 65 câu chuyện tình yêu. Họ đều có chung một ý chí không chấp nhận để số phận thiệt thòi đeo bám và luôn lạc quan, dựa vào nhau để sống và hạnh phúc theo cách riêng của mình. 

Cặp đôi khiếm thị Đàm Thị Hoa, SN 1985 và Lương Văn Sĩ, SN 1983 ở Đoan Hùng, Phú Thọ đến với nhau từ năm 2010. Mặc dù được gia đình hai bên ủng hộ, giúp đỡ nhưng, ai cũng hiểu rằng, hôn nhân của đôi vợ chồng thiếu đi ánh sáng sẽ rất gian nan. Vậy mà họ đã cùng động viên nhau vượt qua biết bao khó khăn, học từ cách chăm con, nuôi con trong bóng tối. Không những thế, chị Hoa còn có thể phụng dưỡng, báo hiếu người mẹ của Thiết bị bệnh tâm thần, hiện sống cùng nhà.

 

 Gia đình hạnh phúc của cặp đôi khiếm thị Đàm Thị Hoa - Lương Văn Sĩ


Chị Hoa kể: Cuộc sống của vợ chồng cô giờ đây vẫn còn khó khăn, nhưng, cứ mỗi lần nhớ đến cảnh chồng cùng cô chăm con, chia sẻ việc nhà mà cô thấy ấm lòng đến lạ. Còn anh Thiết, sau một ngày đi làm ở cơ sở tẩm quất của người mù, chỉ cần về tới nhà, được nghe tiếng con gọi bố, tiếng vợ gọi chồng là thấy hạnh phúc. 

Cặp đôi Vũ Thị Hằng, quê Hà Đông và chồng là Nguyễn Văn Quỳnh đến với nhau năm 2004. Sau cưới vài tháng, giữa lúc chị Hằng đang mang bầu con trai đầu lòng thì anh Quỳnh phát hiện bị bệnh thận, mỗi tuần phải chạy thận 3 lần. Từ đó đến nay anh Quỳnh gắn liền với bệnh viện, còn chị Hằng buộc phải thay chồng mưu sinh. Mỗi tháng, 4 thành viên trong gia đình chị trông chờ cả vào khoản tiền khiêm tốn chỉ hơn 3 triệu đồng mà chị kiếm được.

 Khó khăn là thế, nhưng chưa bao giờ, chị chán nản, nghĩ tới việc buông tay, bỏ chồng. Được Hội Phụ nữ giới thiệu tham gia đám cưới tập thể, chị rất vui vì muốn có thêm chút gia vị lãng mạn, qua đó để cả chị và chồng cùng có thêm động lực bước tiếp. “Vợ chồng càng khó khăn thì càng yêu nhau. Mình chưa bao giờ nhìn sang… nhà hàng xóm để mà ghen tị, ước ao. Mình hãy cứ lo cho gia đình của mình thôi”.

Đó còn là cách thể hiện tình yêu “mang hương vị của tô bún bò” rất đáng yêu của anh Phạm Văn Phước dành cho người bạn đời Nguyễn Thị Hương. Quen nhau và yêu nhau qua facebook, mãi tới khi chị Hương một mình vào thăm người yêu ở tận Thanh Hóa, họ mới được gặp nhau ở ngoài đời. Rồi sau đó, cả hai quyết định đến với nhau, nương vào nhau mà sống.

Tuy nhiên, do chị Hương bị khuyết tật vận  động, anh Phước bị chấn thương cột sống, phải ngồi xe lăn nên đều gặp khó khi xin việc làm. Hiện hai vợ chồng đang phải dựa vào sự trợ giúp của gia đình anh Phước. “Tiền không, việc không, nhưng không vì thế mà chúng mình dừng yêu nhau và dừng hy vọng”, chị Hương kể.

Chị Hương cảm động nhất là chồng luôn quan tâm, chăm sóc chị từ những hành động nhỏ nhất. “Có lần, anh ấy được mời đi ăn bún bò Huế. Tới lúc về, một tay anh ấy vừa lăn xe lăn, một tay xách theo túi bún, nói là mua về cho vợ, vì vợ chưa được ăn món bún này bao giờ”. Anh Phước cũng thường xuyên nói 3 tiếng “anh yêu em” với vợ mà chẳng cần đợi một dịp nào cả. Nhờ có những điều ấy mà cả hai luôn lạc quan, động viên nhau cùng nhìn về phía trước.  

Và còn nhiều những cặp đôi khác, đã mang tới cho cộng đồng thông điệp ý nghĩa: Ai cũng có quyền được hạnh phúc, bất kể bạn là ai, hoàn cảnh của bạn ra sao. 

baophunuthudo

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video