Đan bèo tây nâng cao thu nhập cho phụ nữ Xuân Tân

24/10/2020
Nhằm giúp chị em phụ nữ có thêm thu nhập, góp phần thực hiện thành công Chương trình xây dựng NTM nâng cao ở địa phương, thời gian qua Hội LHPN xã Xuân Tân (Xuân Trường, Nam Định) đã kết hợp cùng một số doanh nghiệp đưa mô hình đan bèo tây về làm điểm tại một số chi hội cơ sở, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Hội viên phụ nữ xã Xuân Tân đan bèo tây.

Chị Ðoàn Thị Thủy, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Xuân Tân cho biết: “Là xã thuần nông nên thu nhập của người dân, đặc biệt của chị em còn thấp. Do vậy việc phát triển nghề mới, giải quyết việc làm cho lao động địa phương trong thời gian nông nhàn là hướng đi đúng đắn được cấp ủy, chính quyền tập trung chỉ đạo quyết liệt. Sau thời gian khảo sát điều kiện thực tế, nguyện vọng của hội viên, nhu cầu thị trường…, Hội Phụ nữ xã quyết định triển khai mô hình đan bèo tây xuống các chi hội”. Triển khai mô hình, Hội Phụ nữ xã phối hợp cùng các doanh nghiệp tổ chức dạy nghề cho một số chị em biết nghề đan lát từ trước; cung cấp nguyên liệu sản xuất gồm bèo tây khô, khung sắt, dây thừng các loại; bao tiêu đầu ra cho sản phẩm…

Là một trong những người đầu tiên được Hội Phụ nữ xã Xuân Tân tổ chức cho đi học nghề đan bèo tây (giỏ lục bình khung sắt), sau gần 2 tháng, chị Ngô Thị Cam đã khá thành thạo các công đoạn và bắt đầu dạy lại nghề cho các chị em khác. Theo chị Cam, nghề đan bèo tây không khó nhưng đòi hỏi một số kỹ năng khéo léo, óc quan sát tỉ mỉ và đặc biệt là phải cần cù, chịu khó thì mới nắm vững được kỹ thuật.

Ðể có được một sản phẩm đẹp, đạt chất lượng, người đan phải rất cẩn thận ngay từ khâu chọn nguyên liệu. Những thợ nghề có kinh nghiệm thường chọn những cây bèo trưởng thành, độ dài thân đạt từ 60-90 cm, đường kính chừng 1,5cm, thân đặc, cứng, phát triển đều để làm nguyên liệu. Sau khi chọn được những cây bèo đạt tiêu chuẩn, người ta tiến hành cắt lá, phơi khô, xử lý nấm mốc, tẩy trắng thân bèo bằng lưu huỳnh rồi mới tiến hành đan thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Kỹ thuật đan bèo tây không quá phức tạp gồm 3 kiểu đan cơ bản. Kiểu thứ nhất là đan hạt gạo, hay còn gọi là đan mắt na; kiểu thứ hai là đan xương cá và kiểu thứ ba là đan rối, hay còn gọi là đan nhện. Mỗi kiểu đan thích hợp với mỗi loại sản phẩm khác nhau. Ví dụ như kiểu xương cá thường được ứng dụng để đan thảm; đan kệ để báo và tạp chí, người ta chỉ sử dụng kiểu đan hạt gạo. Riêng đối với các loại sản phẩm đan khung, người ta có thể đan theo kiểu hạt gạo hay đan rối đều được, trong đó, kiểu đan rối hiện rất được ưa chuộng. Tùy nhu cầu khách hàng và sản phẩm mà các thợ nghề đan sản phẩm theo các cách đan khác nhau. Phức tạp nhất trong các sản phẩm thủ công làm từ bèo tây là đan lọ hoa, đòi hỏi thợ nghề phải đặc biệt tỉ mỉ, kỹ càng, yêu cầu kỹ thuật rất cao. Trung bình 1 ngày, một thợ đan lành nghề cũng chỉ đan được vài ba chiếc lọ kích cỡ nhỏ và vừa. Sản phẩm làm xong phải đạt độ bóng bẩy, sắc nét, tròn trịa trong từng đường nét. Do đó, giá thành của lọ hoa làm từ cây bèo tây cũng cao hơn các sản phẩm khác. Sản phẩm thủ công làm từ cây bèo tây hiện rất đa dạng về kích cỡ, chủng loại như: các loại thảm, giỏ đựng đồ, kệ đựng báo, khay giấy, bình hoa, ghế salon, túi thời trang, mũ, dép…

Hiện các chị em phụ nữ ở Xuân Tân chủ yếu đan các loại giỏ lục bình khung sắt. Sau khi sản phẩm hoàn thiện, các chủ doanh nghiệp sẽ xuống tận nơi kiểm tra hàng và thu mua sản phẩm. Ðánh giá về mô hình, chị Thủy cho biết thêm: “Bước đầu, mô hình khá phù hợp với chị em hội viên ở mọi lứa tuổi do công việc nhẹ nhàng, có thể tranh thủ thời gian rỗi trong ngày để làm. Khi đã quen việc, mỗi ngày chị em hội viên có thu nhập khoảng 150 nghìn đồng phụ giúp trang trải kinh tế gia đình”. Ðến nay, mô hình đan bèo tây của Hội Phụ nữ xã Xuân Tân đã triển khai được ở 6/16 xóm, thu hút gần 100 hội viên tham gia.

Nghề đan bèo tây xuất hiện trên địa bàn tỉnh Nam Định từ khá lâu nhưng mới phát triển mạnh mẽ trong khoảng 4-5 năm trở lại đây. Ðến nay, các huyện: Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Hải Hậu, Ý Yên… đều có cơ sở đan bèo tây thu hút hàng trăm lao động địa phương, đặc biệt là phụ nữ. Với các lợi thế nhẹ, hút ẩm tốt, độ bền khá cao, thân thiện với môi trường các sản phẩm làm từ bèo tây hiện đang rất “được lòng” thị trường, tạo ra xu hướng thay thế cho nhiều nguyên liệu sản xuất đồ tiêu dùng không an toàn khác.

Tận dụng khoảng thời gian nông nhàn, chị em phụ nữ xã Xuân Tân đã khéo léo tạo ra các sản phẩm thủ công hết sức độc đáo từ cây bèo tây. Từ loài cây thủy sinh mọc trên ao hồ, qua bàn tay của chị em, cây bèo đã “lột xác” trở thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo… được xuất bán tại nhiều nước như: Ba Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Ðức, Ðan Mạch… Từ khi có nghề đan bèo, nhiều chị em Xuân Tân đã không còn phải đi làm ăn xa, kinh tế gia đình được cải thiện đáng kể, có điều kiện chăm lo cho gia đình, con cái học hành. “Mặc dù mới học đan bèo chưa lâu xong chị em chúng tôi đều yêu thích và quyết tâm gắn bó với nghề lâu dài. Chúng tôi hy vọng nghề mới này sẽ trở thành “chủ lực” kinh tế của nhiều hộ gia đình, giải quyết cơ bản tình trạng nông nhàn cho chị em khi mùa vụ kết thúc, tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ cho lao động nữ để “ly nông bất ly hương”, chị Cam vui vẻ chia sẻ thêm.

baonamdinh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video