Đan dây nhựa: Nghề mới của phụ nữ nghèo

02/12/2010
Vừa qua, Hội Liên hiệp phụ nữ TP Cà Mau phối hợp với Trung tâm đào tạo giới thiệu việc làm, thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh mở lớp đào tạo nghề kết cườm và đan dây nhựa cho chị em phụ nữ nghèo tại xã Tân Thành, phường Tân Thành và phường 4.

Công việc này khá mới mẻ đối với các chị em ở thành thị. Chị Võ Kim Sáng, Chủ tịch Hội LHPN phường 4, cho biết: “Khi mới vận động, nhiều chị đăng ký học nhưng rất lo không biết mình có học được hay không, đến khi bắt tay vào học thì các chị miệt mài say mê đến quên hết thời gian. Một số chị có con nhỏ nhưng vẫn mang con đến lớp học, vừa học vừa chăm sóc con. Nhiều phụ nữ lớn tuổi vẫn đăng ký học”.

Tuy nhiên, khó khăn của phường là không có chỗ dạy nghề cho chị em, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố phải mượn Chùa Phật Tổ, phường 4 làm nơi cho các chị học tạm.

Chị Nguyễn Mỹ Ái, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố, cho biết: “Tổ chức lớp dạy nghề đan dây nhựa là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực giúp cho phụ nữ nghèo có công ăn việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho gia đình”.

Được biết, từ lâu Hội đã giúp cho các chị về nguồn vốn nhưng chưa tạo cho các chị có việc làm ổn định nên chưa phát huy hiệu quả sử dụng đồng vốn. Năm nay, Hội mạnh dạn kết hợp với Trung tâm Đào tạo giới thiệu việc làm, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh mở lớp dạy nghề này, đồng thời chỉ đạo cho Hội Phụ nữ phường 4 thành lập tổ sản xuất gồm 25 chị và nhận gia công sản phẩm đan dây nhựa từ Công ty Hoàng Mỹ (tỉnh Kiên Giang). Mỗi chiếc ghế nhựa có giá bán từ 350.000-400.000 đồng, trong đó các chị được trả từ 30.000-70.000 đồng.

Hiện nay trên địa bàn phường 4 có 42 hộ nghèo, trong đó phụ nữ làm chủ hộ là 26 hộ và có 4 chị theo học lớp dạy nghề đan dây nhựa. Chị Nguyễn Mỹ Ái cho biết thêm, nếu tổ sản xuất hoạt động có hiệu quả, sản phẩm làm ra có thể tiêu thụ tại chỗ, người tiêu dùng có thể mua sản phẩm với giá thấp hơn giá thị trường hiện nay.

Đây là một bước đột phá trong công tác dạy nghề, tạo việc làm cho chị em phụ nữ cần được nhân rộng trên địa bàn TP Cà Mau. Nếu được quan tâm đầu tư đúng mức và có đầu ra ổn định, tổ sản xuất đan dây nhựa sẽ là một mô hình kinh tế tập thể góp phần xóa đói giảm nghèo có hiệu quả ở địa phương./.

Theo baocantho online (LH)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video