Đào tạo nghề cho phụ nữ cần gắn với xây dựng các mô hình kinh tế

11/11/2013
Những năm gần đây, bên cạnh việc tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ được vay vốn và duy trì hoạt động các tổ, câu lạc bộ giúp nhau phát triển kinh tế, Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn còn tích cực thực hiện việc đào tạo nghề cho lao động nữ ở khu vực nông thôn.

Trong đó, chú trọng tới việc xây dựng các mô hình sau đào tạo, nhằm giúp học viên áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế, đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Những năm trước đây, các cấp Hội thường lựa chọn đào tạo các ngành nghề công nghiệp, sau mỗi khóa đào tạo học viên có thể ký kết hợp đồng làm công nhân với các công ty tuyển dụng lao động. Nhưng sau quá trình đào tạo, nhiều học viên không muốn đi lao động xa nhà. Vì vậy, gần đây Hội LHPN tỉnh phối hợp với cơ quan chuyên môn lựa chọn hình thức vừa học, vừa làm để tạo điều kiện thuận lợi cho chị em tham gia học nghề.  Các cấp Hội chủ động khảo sát ý kiến của các chị em và mở những lớp đào tạo nghề ngắn hạn tập trung vào các ngành nghề nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Người học nghề có sẵn các điều kiện về tư liệu sản xuất như: ruộng, vườn, vật nuôi, cây trồng... do đó có nhiều thuận lợi, nhất là về địa điểm thực hành trực tiếp trong quá trình học. Nhờ đó, sau khi được đào tạo nghề đa số các học viên đã biết áp dụng kiến thức vào lao động sản xuất, tiết kiệm được thời gian lao động, giảm chi phí trong sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng sản lượng, chất lượng, giúp người lao động tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Song song với hoạt động đào tạo nghề, các cấp Hội cũng luôn chú trọng tới việc xây dựng các mô hình sau đào tạo nhằm giúp học viên áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế, đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 8 mô hình hoạt động có hiệu quả, đem lại nguồn thu đáng kể cho các gia đình học viên như: Mô hình sản xuất phở khô ở thị trấn Phủ Thông (Bạch Thông); mô hình sản xuất tép chua ở Ba Bể; mô hình dệt thổ cẩm; mô hình trồng rau an toàn; mô hình sản xuất, bảo quản tinh bột dong riềng; mô hình sản xuất phân vi sinh và làm than tổ o­ng từ bã củ dong riềng...

Chúng tôi tới thăm mô hình trồng rau trong nhà lưới của chị Triệu Thị Thưởng tại xã Dương Quang (TX. Bắc Kạn). Năm 2011, chị cùng với 30 chị em phụ nữ của thôn được tham gia lớp dạy nghề trồng rau an toàn trong nhà lưới do Trung tâm Dạy nghề Hội LHPN tỉnh mở. Sau đào tạo với kiến thức đã được học, chị mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, đồng thời mở rộng diện tích trồng rau của gia đình. Đến nay, nguồn thu nhập chính của gia đình là từ các vụ rau trồng quanh năm, với thu nhập bình quân khoảng 80 – 90 triệu đồng/ha. Hiệu quả cao hơn nhiều so với trồng lúa và cách trồng rau như trước kia.

Cũng giống như chị Triệu Thị Thưởng, chị Lăng Thị Hoan ở thị trấn Phủ Thông (Bạch Thông), sau 2 tháng học nghề làm phở khô đã bắt tay vào sản xuất. Từ đó đến nay, bằng những kiến thức đã được học và sự cần mẫn của mình, sản phẩm phở khô của chị đã có chỗ đứng trên thị trường. Nhờ đó, gia đình chị không chỉ có thu nhập ổn định, mà chị còn tạo được việc làm cho 2 lao động với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng...

Có thể thấy rằng, với việc lựa chọn đào tạo các ngành nghề phù hợp với nhu cầu của hội viên phụ nữ cùng với việc xây dựng các mô hình sau đào tạo đã giúp học viên áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế một cách hiệu quả và trở thành hướng đi đúng đắn trong công tác đào tạo nghề cho phụ nữ. Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho phụ nữ khu vực nông thôn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên phát triển kinh tế hộ gia đình bằng nhiều hình thức như: mở rộng các loại hình kinh doanh dịch vụ, sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi... Tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thật vào sản xuất, góp phần ổn định kinh tế, để chị em có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội, xây dựng gia đình văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video