Đào tạo nghề lao động nữ nông thôn: Giảm nghèo, nâng cao vị thế lao động nữ

13/03/2013
Công tác đào tạo nghề cho phụ nữ được Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tích cực triển khai với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của lao động nữ, tạo cơ hội để phụ nữ tìm kiếm việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao vị thế cho phụ nữ…

Hỗ trợ học nghề, tạo việc làm

Nhiều năm qua việc tăng cơ hội học nghề, tạo việc làm cho phụ nữ, nhất là phụ nữ khu vực nông thôn, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp luôn được các cấp Hội Phụ nữ quan tâm thực hiện. Năm 2012, thực hiện Đề án 295 “hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm” và Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các cấp Hội Phụ nữ mở 93 lớp đào tạo nghề cho gần 3700 học viên, chủ yếu là lao động nữ ở nông thôn. Chị em được trang bị kỹ năng nghề nuôi trồng thủy sản, kỹ thuật chế biến ăn uống, mây tre đan, khâu bóng xuất khẩu, may công nghiệp. 90% số học viên sau khi học nghề có việc làm, thu nhập ổn định 2-2,5 triệu đồng/người/ tháng, góp phần cải thiện kinh tế gia đình.

Chị Nguyễn Thị Hà, xã Minh Tân (huyện Thủy Nguyên) cho biết: “Trước đây, việc chăn nuôi của gia đình tôi hay gặp rủi ro vì dịch bệnh, chi phí lớn. Sau khi được đào tạo nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, tôi vận dụng những kiến thức đã học vào thực tế chăn nuôi tại gia đình, biết tự phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, tiêm phòng lợn nái, vệ sinh chuồng trại mà không phải thuê cán bộ thú y…Nhờ đó, việc chăn nuôi  đạt hiệu quả ngày càng cao, trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi khoảng 5-7 triệu đồng/tháng”.

Phó giám đốc Trung tâm dạy nghề phụ nữ thành phố Nguyễn Thị Hoa cho biết: Theo đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015” của Chính phủ, lao động nữ diện chính sách, hộ nghèo, bị thu hồi đất canh tác, mất việc làm trong các doanh nghiệp được hỗ trợ học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp và nghề dưới 3 tháng) với mức tối đa 3 triệu đồng/người/khóa, hỗ trợ tiền ăn 15 nghìn đồng/người/ngày, tiền đi lại tối đa không quá 200 nghìn đồng/người/khóa học. Đối với lao động nữ thuộc diện hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo, được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn với mức tối đa 2,5 triệu đồng/người/khóa học. Lao động nữ khác được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn với mức tối đa 2 triệu đồng/người/khóa. Học viên được vay vốn để học  nghề theo quy định hiện hành và tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Lao động nữ làm việc ổn định tại chỗ (nơi cư trú) sau khi học nghề được ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất đối với khoản vay học nghề. Học nghề xong, chị em được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm, để tự tạo việc làm. Nếu chị em tham gia sản xuất kinh doanh, tự tạo việc làm, được ưu tiên hỗ trợ xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm từ các hoạt động hỗ trợ việc làm của đề án này và các chương trình xúc tiến thương mại hiện hành. Đề án này đang được các cấp Hội Phụ nữ tích cực thực hiện nhằm giúp phụ nữ, nhất là lao động nữ ở nông thôn được học nghề, tạo việc làm phù hợp với sức khỏe và năng lực của chị em. 

Dạy nghề phù hợp với phụ nữ

Theo Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Phạm Hải Yến, việc đổi mới công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm trong hệ thống Hội; chủ động khai thác nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, được xác định là một trong 3 khâu đột phá trong hoạt động Hội nhiệm kỳ 2011-2016. Nhằm thực hiện chỉ tiêu: hằng năm có từ 1.500 lao động nữ trở lên được đào tạo nghề, trong đó 70% trở lên được Hội tư vấn, giới thiệu việc làm sau đào tạo, các cấp Hội Phụ nữ chủ động phối hợp với ngành Lao động-Thương binh-Xã hội, doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường công tác thông tin chính sách về lao động, việc làm cho phụ nữ thông qua hệ thống các Trung tâm dạy nghề, giới thiệu tư vấn việc làm của Hội; nâng cao năng lực dạy nghề cho hệ thống trung tâm, cơ sở dạy nghề của Hội; chú trọng dạy các nghề phù hợp với phụ nữ và đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, quan tâm dạy nghề cho phụ nữ khu vực chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp và phụ nữ nghèo đô thị theo hướng phát triển các ngành dịch vụ, thủ công truyền thống và xuất khẩu lao động, tạo nhiều việc làm tại địa phương cho phụ nữ nông thôn.

Hệ thống dạy nghề của Hội tăng cường mở rộng các hình thức hợp tác, liên kết trường nghề, doanh nghiệp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ, đồng thời nhân rộng các mô hình hỗ trợ tại cộng đồng giúp phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Theo Baohaiphong.com.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video