Đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề và việc làm

18/10/2004
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, xuất phát từ yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhu cầu học nghề của lao động nữ, nhu cầu thị trường lao động và điều kiện thực tế của Hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội LHPN Việt Nam.

Hoạt động dạy nghề và giới thiệu việc làm của các Trung tâm, cơ sở dạy nghề thuộc Hội LHPN Việt Nam phát triển theo hướng vừa đẩy mạnh dạy nghề tại Trung tâm, vừa tăng cường dạy nghề lưu động tại cơ sở góp phần làm tăng cơ hội được đào tạo đối với phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nông thôn và dân tộc ít người; gắn đào tạo nghề với giới thiệu việc làm; kết hợp đào tạo nghề với đào tạo kỹ năng quản lý doanh nghiệp, chú trọng hơn đến đào tạo nghề nông và nghề thủ công có thu nhập cao phù hợp với thế mạnh của từng địa phương; từng bước mở rộng cung ứng lao động cho các doanh nghiệp và xuất khẩu lao động. Hoạt động hỗ trợ phụ nữ sau đào tạo nghề ngày càng được chú trọng: hỗ trợ cho vay vốn sản xuất kinh doanh, tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm, gia công hàng xuất khẩu... để đạt được mục tiêu ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động dạy nghề/dịch vụ việc làm.

Đến nay trong hệ thống Hội Phụ nữ đã hình thành mạng lưới hoạt động dạy nghề, giới thiệu việc làm với 10 Trung tâm dịch vụ việc làm, 14 Trung tâm dạy nghề, 7 Trung tâm xúc tiến việc làm và 14 cơ sở dạy nghề cấp tỉnh. Trong đó, hầu hết các Trung tâm hoạt động có hiệu quả, đã phát huy được vai trò nòng cốt trong đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho lao động nữ ở địa phương.


Hiện có gần 20 ngành nghề được đào tạo tại các Trung tâm, cơ sở dạy nghề, dịch vụ việc làm của các cấp Hội, tập trung vào một số nhóm nghề: may mặc (may công nghiệp, may dân dụng), thêu ren, thủ công mỹ nghệ truyền thống (mây tre đan, sơn mài, gốm sứ, dệt - thêu thổ cẩm...), nữ công gia chánh (nấu ăn, làm bánh, cắm tỉa hoa...), nghệ thuật thẩm mỹ (uốn tóc, trang điểm, thể dục thẩm mỹ, nghệ thuật trang trí...), đào tạo nghề mới (tin học, ngoại ngữ, điện tử, điện dân dụng, điện công nghiệp, quản lý điện nông thôn, sửa chữa bảo trì máy may công nghiệp, chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến hải sản, giúp việc gia đình...), chú trọng đào tạo kỹ năng, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho phụ nữ nông dân gắn với yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế.


Nhiều Trung tâm của Hội đã tổ chức tốt hoạt động dạy nghề, tiêu biểu như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Yên Bái, Bình Dương, Cần Thơ, Cà Mau, Hà Tĩnh...

Tống Thị Trường

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video