Đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới và hoạt động Hội

23/02/2012
PGS-TS Hoàng Bá Thịnh - Chủ nhiệm Bộ môn Giới và Gia đình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dân số, Môi trường và Các vấn đề xã hội,Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội đã có ý kiến góp ý tâm huyết vào dự thảo “Báo cáo đánh giá phong trào phụ nữ và kết quả hoạt động của Hội LHPN Việt Nam nhiệm kỳ 2007-2012, phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2012- 2017”.

Góp ý đầy tâm huyết vào dự thảo “Báo cáo đánh giá phong trào phụ nữ và kết quả hoạt động của Hội LHPN Việt Nam nhiệm kỳ 2007-2012, phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2012- 2017, PGS.TS. Hoàng Bá Thịnh đã đánh giá cao những kết quả đạt được của phong trào phụ nữ và hoạt động của Hội LHPN Việt Nam trong nhiệm kỳ qua. PGS.TS. nhấn mạnh: quan điểm mới trongtrong Dự thảo báo cáo lần này là nhấn mạnh việc đầu tư cho công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn và phản biện xã hội phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng cấp Hội, thể hiện ở “Xây dựng và thực hiện Chiến lược nghiên cứu của Hội; xây dựng Tạp chí nghiên cứu về công tác phụ nữ; mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu về phụ nữ và bình đẳng giới” và đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng công tác thông tin, báo cáo, vì thế cần “Xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu về phụ nữ, bình đẳng giới và các nội dung liên quan công tác Hội, tạo cơ sở khoa học và thực tiễn cho công tác chỉ đạo, điều hành và tham mưu, đề xuất chính sách”.

PGS.TS đề xuất 3 gợi ý chủ đề liên quan đến khâu đột phá gồm:

Một, đẩy mạnh/nâng cao chất lượng tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện chủ trương, luật pháp, chính sách; rèn luyện phẩm chất đạo đức; nâng cao trình độ, nhận thức về các quyền của phụ nữ và bình đẳng giới. Theo PGS.TS, nhận thức thay đổi thì sẽ dẫn đến thay đổi hành vi của con người. PGS.TS. cũng đưa ra cơ sở của đề xuất, đó là: Nghị quyết số 11-NQ/T.Ư ngày 27/4/2007 về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước của Bộ Chính trị chỉ rõ nguyên nhân cơ bản của “công tác phụ nữ còn có những mặt yếu kém”, mà nguyên nhân chủ yếu là do “Nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền ở nhiều địa phương, đơn vị về bình đẳng giới, về vai trò, năng lực của phụ nữ còn hạn chế”; “Một bộ phận phụ nữ còn tự ti, an phận, chưa chủ động vươn lên”. Đây có thể xem là một “rào cản” quan trọng không kém các rào cản khác (ví dụ, về môi trường, về cơ chế) trên con đường bình đẳng giới. Bên cạnh đó, dự thảo báo cáo đã nhận định “Tư tưởng trọng nam hơn nữ còn phổ biến trong xã hội” và hạn chế về nhận thức của phụ nữ nói chung và một bộ phận cán bộ Hội nói riêng…;

Hai, xây dựng cơ chế thích hợp, nâng cao chất lượng mối quan hệ giữa Hội với các cấp chính quyền, các bộ, ban, ngành trong hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và công tác phụ nữ. Đây là một nhiệm vụ quan trọng. Bởi lẽ, để có thể thúc đẩy công tác phụ nữ và đưa các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới, cần có sự ủng hộ, hỗ trợ và hợp tác giữa Hội LHPN Việt Nam và các bộ, ban, ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương. Nhiệm kỳ qua, mối quan hệ này tuy đã được chú trọng nhưng vẫn còn hạn chế, chưa đạt được kết quả như mong đợi. Căn cứ vào số liệu dân số (tại kết quả Tổng điều tra Dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009) với 70.46% dân số nông thôn, trong đó 50.1% là dân số nữ, PGS.TS., đưa ra ví dụ về hợp tác hiệu quả giữa Hội LHPN Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam. Theo PGS.TS., nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội LHPN Việt Nam và Hội Nông dân thì sẽ đem lại những thành tựu cho cả Hội Phụ nữ và Hội Nông dân bởi đa số hội viên của Hội nông dân là cha, chồng, con trai của hội viên phụ nữ.

PGS. TS cũng chỉ rõ, nếu không có cơ chế thích hợp, không xác định rõ trách nhiệm, nội dung, mức độ, phạm vi tham gia của các bộ, ban ngành, các cấp chính quyền, thì hiệu quả của phong trào, của công tác phụ nữ và bình đẳng giới chưa thể đạt được như mong muốn.

Ba, đẩy mạnh đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lao động nữ, nhất là phụ nữ ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, phụ nữ dân tộc thiểu số. Theo PGS.TS, lực lượng lao động nữ ở nước ta tuy đông về số lượng nhưng tỷ lệ qua đào tạo thấp nên chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập. Nhiều nghiên cứu về lịch sử phát triển trong xã hội hiện đại đã cho thấy, vốn con người (nguồn nhân lực) - chứ không phải là vốn tự nhiên, vốn vật chất, vốn tài chính - là yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển của quốc gia. Chỉ khi nào phụ nữ đáp ứng được đòi hỏi về chất lượng nguồn nhân lực trong quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá, hiện đại hoá và hội nhập, thì mới họ không bị gạt ra bên lề của quá trình phát triển.

TTTT

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video