Đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào lĩnh vực giao thông

27/11/2021
Việc áp dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực giao thông là rất cần thiết nhằm thực hiện mục tiêu tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông tại Việt Nam trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo tại Hội nghị ATGT Việt Nam năm 2015.

Chiều 26/11, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (ATGT) đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị ATGT Việt Nam năm 2015.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Trong những năm gần đây, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, sự đồng thuận hưởng ứng của nhân dân, trong đó có sự đóng góp đáng kể của các nhà khoa học, công tác bảo đảm TTATGT đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Liên tục từ năm 2012 đến nay, tai nạn giao thông (TNGT) đã giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương. Đặc biệt, trong điều kiện phương tiện giao thông và nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, qua so sánh số liệu năm 2015 với năm 2011 cho thấy, đến năm nay số vụ TNGT đã giảm 51%, số người bị thương giảm gần 60% và số người chết do TNGT đã giảm gần 24%.

Đây là những kết quả đáng mừng, được các cấp và nhân dân ghi nhận. Trong kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của các nhà khoa học, các chuyên gia trong việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác bảo đảm TTATGT.

Tuy nhiên, tình hình TNGT hiện nay vẫn đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục suy nghĩ, trăn trở, bởi mỗi một vụ TNGT là nỗi đau khôn nguôi của từng gia đình và cả cộng đồng xã hội.

Sự hạn chế về ứng dụng khoa học công nghệ cũng là rào cản lớn, gây ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của công tác xây dựng, quản lý, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, nhất là ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông. Do đó, sự tham gia mạnh mẽ của các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu, trường đại học là rất cần thiết để cùng các cấp, các ngành và toàn dân thực hiện được mục tiêu tiếp tục kéo giảm TNGT tại Việt Nam trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng cũng ghi nhận và đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ thông tin vào bảo đảm TTATGT bước đầu đạt một số kết quả tốt, như: Triển khai hệ thống giám sát, hệ thống giao thông thông minh tại một số đô thị lớn, tuyến đường cao tốc, quốc lộ chính; thí điểm lắp đặt hệ thống camera giám sát, xử lý vi phạm theo mô hình xã hội hóa; nghiên cứu có tính thực tiễn và khả năng ứng dụng cao như vật liệu mới hạn chế hằn lún; quản lý ATGT cho mô tô, xe máy, ảnh hưởng của tải trọng đến an toàn phương tiện; mô hình chăm sóc người bị TNGT trước khi đưa vào bệnh viện...

Hội nghị ATGT Việt Nam năm 2015 là diễn đàn để các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý cùng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, ý tưởng mới về lĩnh vực giao thông vận tải. Ảnh: VGP/Lê Sơn.

Trên cơ sở đó, các bộ, ngành như GTVT, Công an, Y tế, Ủy ban ATGT quốc gia... cần tiếp thu những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu, đồng thời tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan và đưa vào triển khai hoạt động cụ thể. Cùng với đó là tiến hành xã hội hóa công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo đảm TTATGT trong thời gian tới.

Hội nghị ATGT Việt Nam năm 2015 diễn ra trong 2 ngày 26 và 27/11 với 7 chủ đề chính: Quản lý ATGT, hạ tầng và tổ chức giao thông, phương tiện giao thông, người tham gia giao thông, ứng phó sau tai nạn giao thông, ATGT đường hàng không, ATGT đường thủy nội địa.

Một trong những nội dung lớn của hội nghị này được nhiều đại biểu quan tâm là những báo cáo quan trọng liên quan đến ứng dụng khoa học, công nghệ và hệ thống thông tin trong hoạt động bảo đảm ATGT.

Hội nghị cũng là diễn đàn để các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý cùng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, ý tưởng mới về lĩnh vực giao thông vận tải. Đồng thời cũng là cơ hội để phát triển các mối quan hệ, hợp tác trong nghiên cứu vì sự phát triển chung của ngành giao thông.

Các kết quả nghiên cứu tại hội nghị sẽ được Ủy ban ATGT quốc gia chọn lọc, sử dụng trong quá trình xây dựng kế hoạch, chiến lược bảo đảm ATGT năm 2016 và những năm tiếp theo.

So với hội nghị ATGT năm 2012 và năm 2014, hội nghị lần này ghi nhận sự gia tăng về số lượng, chất lượng bài, tập trung chuyên sâu vào lĩnh vực ATGT. Đến ngày 26/11, đã có 120 nhà khoa học gửi bài về hội nghị.

baochinhphu

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video