Đề án 295 – phát huy thế mạnh và tiềm năng lao động nữ

05/12/2011
Hội LHPN đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn làm điểm mô hình hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm tại một số địa phương.

Chiếm hơn 50% tổng dân số cả nước và khoảng 48,4% lực lượng lao động, song tỷ lệ lao động nữ đã qua đào tạo nghề mới chỉ đạt 17,6%. Trước tình hình đó, nhằm phát huy hết thế mạnh và tiềm năng của lao động nữ, đảm bảo bình đẳng giới trong công cuộc CNH, HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 295/ QĐ-TTgngày 26/02/2010 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015” (Gọi tắt là Đề án 295). Hội LHPN Việt Nam có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tổ chức, triển khai thực hiện Đề án

Theo sự phân công của Chính phủ, ngay sau khi Đề án 295 được phê duyệt, Hội LHPN Việt Nam đã chủ động tổ chức nhiều cuộc họp với các Bộ, ngành chức năng như Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư... thảo luận về việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án. Hiện nay Hội LHPN Việt Nam đang phối hợp với Bộ Tài chính soạn thảo cơ chế tài chính, đảm bảo đáp ứng tính đặc thù của Đề án, cũng như phù hợp với những nội dung đào tạo nghề, tạo việc làm khác được thực hiện lồng ghép trong Đề án. Trung tuần tháng 8 vừa qua, lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam đã thống nhất với Tổng cục Dạy nghề - Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội về phương hướng phối hợp công tác trong lĩnh vực đào tạo nghề cho phụ nữ giai đoạn 2012-2015.

Hội đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn làm điểm mô hình hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm tại một số địa phương. Trường Trung cấp nghề Lê Thị Riêng, Trung tâm Giới thiệu việc làm 20/10 phụ nữ Hà Nội và Trung tâm Dạy nghề Hội LHPN tỉnh Quảng Bình đã được lựa chọn thực hiện các hoạt động: tổ chức tư vấn học nghề và lập nghiệp cho phụ nữ tại cộng đồng; tổ chức Hội nghị khách hàng và tổ chức dạy nghề theo mô hình “3 trong 1” (dạy nghề, thực hành nghề và hỗ trợ việc làm). Chuỗi hoạt động này được thực hiện xuyên suốt với mục tiêu: Tư vấn định hướng nghề học, việc làm sau học nghề và quảng bá cơ sở dạy nghề tới lao động nữ; Xác định các đối tác tiềm năng cung cấp việc làm cho lao động nữ để ký kết văn bản hợp tác với các CSDN thuộc Hội thực hiện mô hành dạy nghề “3 trong 1”; Hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nữ. Kết quả đã có 30 cuộc tư vấn học nghề và lập nghiệp cho 900 lượt phụ nữ tại cộng đồng được tổ chức tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Bình. Các CSDN thuộc Hội đã tiến hành khảo sát, xác định danh sách khách hàng tiềm năng hợp tác trước khi tổ chức Hội nghị khách hàng với sự tham gia của hơn 400 người, đại diện cho 6 nhà: doanh nghiệp (bao gồm đại diện doanh nghiệp sử dụng lao động sau đào tạo, doanh nghiệp tiêu thu sản phẩm của các làng nghề/cơ sở sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu lao động); nhà khoa học; nhà trường (các CSDN, trường đại học, cao đẳng); ngân hàng; chính quyền địa phương; người lao động. Thông qua Hội nghị khách hàng, các bên đã thống nhất và cam kết dạy nghề trên cơ sở nhu cầu của người lao động và của đơn vị/người sử dụng lao động để tạo việc làm bền vững cho người lao động sau đào tạo; dạy nghề gắn với hỗ trợ tạo việc làm như: hỗ trợ tín dụng để người lao động chủ động tự tạo việc làm tại chỗ, cung ứng/giới thiệu việc làm trong nước và xuất khẩu lao động; dạy nghề gắn với thành lập tổ/nhóm liên kết SXKD; dạy nghề gắn với cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đáp ứng chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển làng nghề, phát triển nghề truyền thống vv… Sau Hội nghị khách hàng, các CSDN thuộc Hội đã ký kết được hơn 50 biên bản ghi nhớ và thỏa thuận về cung ứng việc làm cho lao động nữ, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm, hợp tác dạy liên thông giữa các trình độ… Do là năm đầu tiên thí điểm mô hình này, TW Hội LHPN Việt Nam đã chỉ đạo các CSDN thuộc Hội có trách nhiệm đến dự Hội nghị khách hàng để học tập kinh nghiệm và có kế hoạch tổ chức hoạt động tương tự trong thời gian tới.

 

Căn cứ kết quả Hội nghị khách hàng, cả 3 CSDN được chọn làm điểm cùng với 4 cơ sở khác tại Phú Thọ, Quảng Ninh, Đắk Lắk và Cà Mau đã tổ chức dạy nghề theo mô hình “3 trong 1”. Đến nay, 34 lớp dạy các nghề: thêu dệt thổ cẩm, trồng và chế biến chè, kỹ thuật khép kín mô hình chăn nuôi gia súc - gia cầm; trồng và thu hoạch nấm, mộc nhĩ; làm nón và thêu trên nón; chế biến món ăn; đan giỏ quà; may dân dụng; làm móng, nấu ăn, kết cườm đã được tổ chức cho 1.370 phụ nữ.

 

Hiện nay, TW Hội LHPN Việt Nam đang xúc tiến các bước thành lập Trường Cao đẳng nghề tại Bắc Ninh và trường trung cấp nghề khu vực Tây Nguyên tại Đăk Nông, ra quyết định thành lập 2 trường trung cấp nghề trên cơ sở nâng cấp Trung tâm vùng tại Hải Dương và Yên Bái; thành lập mới 1 Trung tâm dạy nghề khu vực miền trung tại Hà Tĩnh và tiến hành rà soát hiện trạng các CSDN thuộc Hội LHPN các tỉnh/thành Hội để chuẩn bị cho việc đề xuất nâng cấp cơ sở vật chất cho các CSDN và xây dựng quy hoạch mạng lưới các CSDN thuộc Hội LHPN Việt Nam.

 

Mặc dù hiện đang còn phải đối mặt với một số khó khăn, hạn chế liên quan đến tiến độ thực hiện các hoạt động, song Đề án 295 có thể được xem là một chính sách lớn, hỗ trợ phụ nữ học nghề và tạo việc làm một cách toàn diện và có hệ thống. Trong thời gian tới, để Đề án 295 tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, rất cần có sự quan tâm, đầu tư nguồn nhân lực và vật lực ở cả cấp trung ương và địa phương. Đồng thời, các bộ ngành liên quan và chính quyền địa phương cần chủ động tham gia thực hiện Đề án theo đúng sự phân công của Thủ tướng Chính phủ.

Ban Hỗ trợ PNPTKT

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video