Để có 30% nữ đại biểu QH khóa XIII và HĐND nhiệm kỳ 2011-2016

27/04/2011
“Hãy ủng hộ những phụ nữ ưu tú tham gia ứng cử đại biểu QH khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016”. Đây là thông điệp bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương Binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đưa ra tại cuộc “Tọa đàm tuyên truyền nâng cao tỷ lệ nữ đại biểu QH khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016” do Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội tổ chức vào chiều 14 tháng 4 năm 2011 tại Hà Nội.

Tọa đàm nhằm cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn báo chí để tiếp tục thúc đẩy những hoạt động và thông điệp ủng hộ phụ nữ trong dịp bầu cử đại biểu QH, HĐND các cấp trong nhiệm kỳ 2011-2016.

 

Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật tạo điều kiện thuận lời nhằm nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham gia vào hoạt động chính trị nói chung, trong đó có việc tham gia vào QH và HĐND các cấp. Tỷ lệ nữ đại biểu QH đã tăng hơn 20% từ khóa I (2,5%) đến khóa XII (25,7%); trong đó có 6/12 khóa có tỷ lệ nữ đại biểu QH là 25% trở lên, đặc biệt khóa V đạt trên 32%. Tỷ lệ nữ đại biểu QH khóa XII giảm so với hai nhiệm kỳ trước, chỉ đạt 25,7%. Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2004-2011 ở ba cấp đều dưới 30%, cụ thể cấp tỉnh đạt 23,88%, cấp huyện 22,94% và cấp xã đạt 20,1%.

 

Từ số liệu đó, cho thấy tỷ lệ phụ nữ tham gia các vị trí quản lý, lãnh đạo tuy có tăng lên nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của phụ nữ hiện chiếm hơn 50% lực lượng lao động của xã hội và không đồng đều ở các địa phương.

 

Đa số đại biểu tham gia tọa đàm cho rằng thách thức đặt ra trong thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị ở nước ta vẫn còn nhiều.

 

Ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ tưởng Bộ Nội Vụ đưa ra kết quả hội nghị hiệp thương về tỷ lệ nữ tham gia ứng cử đại biểu QH khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Tỷ lệ nữ ứng cử trên số đại biểu được bầu tại địa phương là 338 nữ/1.086 ứng cử, đạt 31,12%. Địa phương có tỷ lệ cao nhất là Yên Bái đạt 75%, trong khi Bình Dương chỉ đạt 9,09%.

Tỷ lệ nữ ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh đạt 2.432 nữ/7.180 người ứng cử, đạt tỷ lệ 33,75%. Một số tỉnh có tỷ lệ cao như Tuyên Quang, Cao Bằng chiếm từ 45-52%. Số tỉnh đạt thấp dưới 20% như An giang, Quảng Trị.

 

Ông Thăng cũng làm phép so sánh số liệu cùng thời kỳ sau Hiệp thương lần hai của các nhiệm kỳ QH và HĐND gần đây cho thấy tỷ lệ nữ tham gia ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh qua hai nhiệm kỳ tăng hơn trước nhưng không đồng đều; tỷ lệ nữ tham gia ứng cử đại biểu QH do địa phương giới thiệu qua ba nhiệm kỳ chưa ổn định.

 

Đại diện LHPN Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch thường trực đưa ra băn khoăn về việc số dư là đại biểu nữ quá nhiều, bên cạnh đó đại biểu nữ lại phải gánh quá nhiều cơ cấu, kéo theo chất lượng đại biểu ứng cử nữ không cao, ảnh hưởng tới kết quả bầu cử, khó có thể đạt chỉ tiêu 30% mà Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đề ra. Giải đáp một số câu hỏi của phóng viên về chất lượng đại biểu ứng cử còn chưa cao, bà Thúy cũng cho rằng: tuổi nghỉ hưu, thời gian sinh con cũng là những rào cản trong việc cống hiến của phụ nữ trong các cơ quan cũng như việc đào tạo chuyên sâu, nâng cao chất lượng nghiệp vụ của nữ giới.

 

Tuy nhiên, với chức năng và quyền hạn của mình, Hội LHPN đã tích cực và chủ động tham gia trong quá trình hiệp thương, giới thiệu đại biểu cũng như tuyên truyền cho nữ cử tri về quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc đi bỏ phiếu bầu ra những đại biểu ưu tú nhất, đại diện cho tiếng nói của các tầng lớp nhân dân vào cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước cũng như cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

 

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu là đại diện cho các cơ quan thông tấn báo chí đều cho rằng cần thiết phải tìm hiểu kỹ nguyên nhân để tìm biện pháp khắc phục. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã đề xuất những biện pháp nhằm tiếp tục thúc đẩy những hoạt động ủng hộ phụ nữ trong dịp bầu cử đại biểu QH, HĐND các cấp trong nhiệm kỳ 2011-2016: tích cực truyền truyền về những đóng góp to lớn của của phụ nữ trong quá trình phát triển đất nước, những tấm gương tiêu biểu trong công tác lãnh đạo, quản lý; tuyên truyền xóa bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ và các định kiến giới cũng như nỗ lực của các ngành, cấp nhằm đảm bảo chỉ tiêu nữ đại biểu QH khóa VIII và HĐND nhiệm kỳ 2011-2016 đạt từ 30% trở lên.

 

Chỉ tiêu 1: Phấn đấu đạt tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2016-2020 từ 25% trở lên; tỷ lệ nữ đại biểu QH, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 từ 30% trở lên và nhiệm kỳ 2016-2021 trên 35%.

Chỉ tiêu 2: phấn đấu đến năm 2015 đạt 80% và đến 2020 đạt trên 95% Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.

Chỉ tiêu 3: Phấn đấu đến năm 2015 đạt 70%và đến năm 2020 đạt 100% cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội có lãnh đạo chủ chốt là nữ nếu ở cơ quan, tổ chức có tỷ lệ 30% trở lên nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

(Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020)

Đặng Thanh Hà

 

Theo Website UBQGVSTBPNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video