Để ngày càng có nhiều phụ nữ hăng say học tập, lao động sáng tạo

17/10/2011
Cơ hội được gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ thông tin; được cùng nhau trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và tìm ra giải pháp phát huy hơn nữa tiềm năng sáng tạo; khẳng định vị trí, vai trò, sự đóng góp của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng đất nước, là ý nghĩa thiết thực của diễn đàn “Phụ nữ sáng tạo vì phát triển” - một hoạt động chính được tổ chức trong Ngày Phụ nữ sáng tạo 16/10 vừa qua.

Diễn đàn đã thu hút sự chú ý và tham gia của đông đảo đại biểu, các vị khách quốc tế và các điển hình phụ nữ sáng tạo trên các lĩnh vực, các vùng miền của đất nước.

Nhiều tham luận đã được đăng đàn. Trong không khí cởi mở, thân thiện, các chị không chỉ nói về những ý tưởng sáng tạo, những thành công trong cuộc sống học tập, lao động - sản xuất, nghiên cứu khoa học của mình mà còn chia sẻ với nhau tâm tư, tình cảm, những trăn trở và động lực đã giúp các chị vượt qua bao khó khăn thường nhật để có được những sản phẩm, công trình, sự nghiệp được tôn vinh như ngày hôm nay.

Người phụ nữ dám “Liều”...

Thương hiệu sơn KOVA cũng như cái tên PGS.TS. Nguyễn Thị Hòe- Chủ tịch Tập đoàn Sơn KOVA đã quen thuộc với nhiều người trong giới doanh nhân Việt Nam, một số nước trong khu vực và thế

 Ảnh minh họa

 PGS.TS. Nguyễn Thị Hòe chia sẻ tại Diễn đàn

giới. Người ta biết đến chị như một nhà khoa học tài ba, một nữ doanh nhân thành đạt, nhưng có lẽ ít ai biết được, đằng sau sự thành công đó, chị đã từng trải qua biết bao thăng trầm trong cuộc sống gia đình và sự nghiệp. Đứng trước Diễn đàn, chị không nói nhiều về thành tích của mình mà muốn chia sẻ với chị em, đồng nghiệp những tâm tư, tình cảm, sự nỗ lực phấn đấu và cả sự hy sinh của mình... Chị nói: Kinh nghiệm mà tôi muốn chia sẻ với chị em không có gì khác ngoài chữ “ Liều”.

Chị kể về những cái “Liều” mà chị đã từng làm để có được thành công như ngày hôm nay: Liều ly dị chồng (khi chồng không ủng hộ chị phấn đấu học hành và xây dựng sự nghiệp). Liều khi phải đi bắt ốc, mò cua nuôi 3 con nhỏ mà vẫn kiên trì theo học tại trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh để rồi tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu và được giữ lại trường làm giảng viên giảng dạy tại khoa Hóa. Liều khi chị dám bán cả nhà và chiếc xe máy - những tài sản giá trị duy nhất có - để lấy tiền sang Mỹ học hỏi tri thức, kinh nghiệm nghiên cứu, thiết bị hiện đại của họ rồi quay trở về Việt Nam, dùng số tiền còn lại đầu tư ứng dụng vào quy trình sản xuất, kinh doanh trên những đề tài mà chị nghiên cứu và đã đạt được thành công. Liều khi chị dám tìm cách mở rộng thị trường sang các nước bạn, chấp nhận những thách thức khi đối mặt với các vấn đề cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm, giá nhân công đắt đỏ... Với nền tảng tri thức được đào tạo bài bản, chị đã không ngại khổ, không sợ hãi, không nản chí và quan trọng, chị đã dám “Liều” một cách khoa học để có được thành quả trong quá trình hoạt động và sáng tạo không ngừng của mình. Từ một cô giáo nghèo, hiện nay chị đã có cả tập đoàn sơn KOVA vững mạnh với 12 công ty thành viên, 6 nhà máy được lắp đặt dây chuyền hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế. Phạm vi hoạt động của tập đoàn sơn KOVA không chỉ ở trong nước mà còn được mở rộng sang Lào, Campuchia, Singapore, tạo công ăn việc làm cho gần 3000 nhân viên và công nhân.

Chị hồ hởi: “ Sắp tới, tôi sẽ sang Mỹ tổ chức Hội thảo về sơn NANO, một loại sơn hiện đại nhất hiện nay và sẽ bán cho họ một số công nghệ. Có tiền, tôi sẽ giúp đỡ chị em phụ nữ nghèo Việt Nam để chị em có cơ hội vươn lên, làm ăn phát triển kinh tế...”

 

“ Tôi mong muốn mang lại niềm vui sống cho chị em bị Ung thư vú”....

Là một bác sỹ của bệnh viện TW Quân đội 108, TS. Nguyễn Minh Phương - Trưởng khoa Huyết học lâm sàng và Ung thư hàng ngày phải chứng kiến biết bao căn bệnh ung thư hiểm nghèo, sự đau đớn, tuyệt vọng của các bệnh nhân ung thư trong đó có bệnh ung thư vú (UTV), một căn bệnh ngày càng có tỷ lệ mắc bệnh cao ở phụ nữ.

 Ảnh minh họa
Trước đây, trong điều trị UTV, kể cả ở giai đoạn sớm khi chưa sờ thấy hạch nách vẫn phải cắt bỏ toàn bộ vú và vét toàn bộ hạch nách để tránh tái phát. Do đó, sau phẫu thuật, người phụ nữ thường bị đau đớn, có tay to như tay voi do bị phù và hạn chế vận động, vú bị cắt bỏ hoàn toàn... dẫn đến chị em vô cùng tự ti, mặc cảm với bạn bè, người thân và cả với chồng mình. Phụ nữ bị UTV thường chán nản, bi quan mang tâm lý chờ chết, nhiều chị bị chồng ruồng bỏ khi không còn hấp dẫn...

Với cương vị công tác của mình, chị Phương có điều kiện được đi học tập, nghiên cứu ở nhiều nước tiên tiến. Chị tâm sự: ở các nước này, ngoài mục đích điều trị bệnh triệt để, vấn đề luôn được các bác sỹ và nhà nghiên cứu quan tâm là nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp người bệnh tự tin hòa nhập cộng đồng, giảm gánh nặng tinh thần cho gia đình và xã hội... Hơn 10 năm nay, với máy móc hiện đại và sự phát triển của y học hạt nhân, các bệnh nhân UTV khi được phát hiện sớm chỉ cần phẫu thuật tối thiểu mà không cần phải nạo vét toàn bộ hạch nách như trước nên tránh được các biến chứng, người bệnh sau vài ngày phẫu thuật đã có thể trở lại sinh hoạt bình thường, hòa nhập với cuộc sống và công việc.

Được chứng kiến bệnh nhân nữ UTV ở nước ngoài được hưởng những thành tựu y học hiện đại, giúp họ giảm nhiều nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần, chị Phương và các bạn đồng nghiệp của mình vô cùng trăn trở. Họ quyết tâm nghiên cứu, tìm tòi, vượt qua bao khó khăn, vất vả và được sự giúp đỡ, trợ lực của Bộ KH &CN, Bệnh viện 108, hợp tác với Trung tâm Ung thư lớn của Hoa Kỳ để triển khai ứng dụng sáng tạo và đã xây dựng thành công quy trình kỹ thuật chụp xạ hình và sử dụng đầu dò tia gamma định hướng sinh thiết hạch gác đạt tiêu chuẩn thế giới, phù hợp với điều kiện Việt Nam, tránh cho bệnh nhân UTV giai đoạn sớm phải phẫu thuật cắt bỏ vú, nạo vét toàn bộ hạch nách đau đớn và chịu nhiều biến chứng....

Nói về thành quả to lớn của quá trình miệt mài nghiên cứu, sáng tạo của mình và tập thể đồng nghiệp, chị Phương khiêm tốn: “Tôi mong muốn mang lại niềm vui sống cho chị em bị UTV. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi chỉ là những bông hoa nhỏ xin được góp vào rừng hoa sáng tạo của phụ nữ cả nước. Mong sẽ có nhiều diễn đàn như thế này và sẽ có nhiều phụ nữ hưởng ứng phong trào thi đua phụ nữ sáng tạo để vị thế của phụ nữ Việt Nam ngày càng được khẳng định...”.

Đến với diễn đàn “ Phụ nữ sáng tạo vì phát triển” còn có rất nhiều lời tâm sự, sẻ chia, sự giao lưu chân tình và cởi mở của các chị em đại diện tập thể, cá nhân có sản phẩm sáng tạo từ nhiều lĩnh vực công tác khác nhau trong xã hội như: Sản xuất giá đỗ và rau mầm trên bao bố của Hội Phụ nữ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi - một sáng kiến tiết kiệm, hiệu quả, góp phần cung cấp nguồn rau thiếu hụt, cải thiện bữa ăn cho bộ đội; Sáng kiến “ Thư viện xanh”, “ Thư viện lớp” - cách làm nâng cao văn hóa đọc cho học sinh của cô giáo Nguyễn Tuyết Hạnh và đồng nghiệp ở Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục & Đào tạo Vĩnh Long; Vượt khó làm giàu từ mô hình trang trại tổng hợp của chị Phan Thị Lượng, nông dân xã Tuân chính, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc...

Mỗi chị một câu chuyện, một kinh nghiệm, một cách làm, cách sáng tạo, nhưng có lẽ, điểm tương đồng dễ nhận thấy là sự thành công của các chị đều bắt nguồn từ những suy tư, trăn trở khi trực diện với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống, công việc, chuyên môn hàng ngày; từ tư tưởng dám nghĩ, dám làm cùng thái độ sống, làm việc nghiêm túc, hăng say sáng tạo.

Để nhân rộng hơn nữa những tấm gương điển hình như các chị, để ngày càng có nhiều phụ nữ Việt Nam hăng say học tập, lao động sáng tạo, đòi hỏi không chỉ có sự nỗ lực từ phía chị em mà còn cần có sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, các tổ chức xã hội và của cộng đồng. Đây cũng chính là kinh nghiệm của đất nước Phần Lan đã được ông Kimmo Lahdevirta, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam tại Diễn đàn./.

Vũ Hoa- TTTT

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video