Đề phòng ngộ độc thực phẩm mùa hè: Cách lựa chọn thực phẩm tươi

24/04/2006
Cần lựa chọn thực phẩm còn tươi, không có màu sắc và mùi vị thay đổi hoặc ôi thiu

Chọn thịt mặt ngoài khô bóng, khối thịt rắn chắc. Phủ tạng từ các con vật phải còn tươi, không bị nhạt màu, không có mùi hôi, không có các vết chấm đỏ hay bầm tím.

Chọn cá đang sống hay vừa mới chết, mắt cá vẫn trong suốt, mang màu đỏ tươi, vây óng ánh, thịt cá chắc, có độ đàn hồi tốt.

Không để chung thực phẩm tươi sống và thực phẩm nấu chín. Thực phẩm tươi sống nếu chưa chế biến ngay phải cho vào bảo quản trong tủ lạnh. Thực phẩm tươi sống nên để dưới cùng vì nếu có dịch chảy ra sẽ không làm ướt sang thực phẩm khác. Không dùng dao thớt, thìa, đũa... vừa tiếp xúc với thực phẩm tươi sống để chế biến thức ăn chín.

Vệ sinh tay và dụng cụ ăn uống. Người trực tiếp chế biến thực phẩm không để móng tay dài, không đeo đồ trang sức ở các ngón tay vì rất khó rửa sạch.

Rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi chế biến thực phẩm tươi sống, sau khi đi vệ sinh hoặc làm các việc khác gây bẩn tay. Không trực tiếp chế biến thực phẩm khi đang có vết nhiễm trùng ở tay. Rửa sạch dụng cụ, các bề mặt tiếp xúc sau khi chế biến thịt, hải sản tươi sống. Không dùng các loại bát, đĩa, muôi, thìa, thớt... bằng chất liệu khó rửa sạch, bị rạn nứt, hoen gỉ, không dùng khăn ẩm mốc để lau dụng cụ ăn uống.

Nấu chín thực phẩm. Bảo quản thức ăn tốt nhất ở nhiệt độ không quá 50oC, đun từ từ để thức ăn nóng đồng đều (trên 70oC) trước khi sử dụng lại. Không ăn tiết canh, thịt tái, cá gỏi...

Không sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn đóng gói đã hết hạn sử dụng, bao bì không đảm bảo vệ sinh hoặc bị rách, thủng, các loại đồ hộp đã bị phồng, méo, hoen gỉ...  

Theo Lao động

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video