Để phụ nữ Nghệ An phát triển toàn diện

16/11/2007
Kết thúc giai đoạn 1(2001-2005), các mục tiêu của Kế hoạch hành động Vì sự tiến bộ của Phụ nữ Nghệ An đã đạt những kết quả đáng khích lệ. Đây là tiền đề quan trọng để Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình trong giai đoạn tiếp theo.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn về phát triển KT-XH, các mục tiêu của Kế hoạch hành động VSTBPN từ nay đến năm 2010 cũng theo đó được nâng lên, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các ngành các cấp cũng như trong hệ thống Ban từ tỉnh đến cơ sở, tạo mọi điều kiện để thực hiện tốt các mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ.

 

Ngoài tổ chức bộ máy Ban cấp tỉnh với 21 thành viên thuộc các sở, ban ngành thì đến nay, ở tất cả 19/19 huyện, thành thị và 474/474 xã, phường, thị trấn đều đã thành lập và kiện toàn Ban VSTBPN; đồng thời tính đến tháng 6/2007, đã có 30 sở, ban ngành cấp tỉnh thành lập Ban VSTBPN. Nhờ vậy các mục tiêu của chương trình hành động VSTBPN được triển khai khá đồng bộ.

 

Lĩnh vực lao động- việc làm là vấn đề quan trọng hàng đầu, được Ban quan tâm chỉ đạo và được các thành viên tập trung đôn đốc triển khai, trong đó phải kể đến vai trò quan trọng của Ngành LĐTBXH đã có nhiều giải pháp thiết thực, góp phần làm giảm sức ép thiếu việc làm. Thông qua các chương trình KT-XH của tỉnh, phát triển làng nghề, trang trại, các tổng đội TNXP xây dựng kinh tế, xuất khẩu lao động... hàng năm GQVL cho từ 27-30 nghìn lao động (năm 2006 khoảng 30 nghìn lao động, trong đó có 9000 lao động xuất khẩu; 6 tháng đầu năm 2007 đã GQVL cho 16.300 lao động), trong đó lao động nữ chiếm khoảng 48,3%, góp phần tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động nữ nông thôn lên 72%. Bình quân mỗi năm toàn tỉnh có khoảng hơn 34 nghìn người được đào tạo nghề (trong đó có khoảng gần 11 nghìn lao động nữ), nhờ đó lao động nữ ngày càng có nhiều cơ hội tìm được việc làm. Được đào tạo nghề, cộng với việc triển khai có hiệu quả chương trình cho vay vốn ưu đãi hộ nghèo nên đã giảm khá nhanh hộ nghèo trên địa bàn. Tính đến tháng 6 năm 2007, nguồn vốn tín dụng ưu đãi hộ nghèo có số dư nợ hơn 999 tỷ đồng, đã cho vay đến 150 nghìn lượt hộ nghèo, trong đó có khoảng 47% phụ nữ nghèo được vay vốn phát triển kinh tế gia đình, hộ nghèo trên địa bàn tính đến tháng 6/2007 giảm còn 21,85%.

 

Mục tiêu thứ 2 mà Kế hoạch hành động đặt ra là Bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục đào tạo ( GD ĐT). Có thể nói chưa bao giờ lĩnh vực GD-ĐT lại được toàn xã hội quan tâm chăm lo như hiện nay. Vì vậy, Ban VSTBPN ngành Giáo dục đã được kiện toàn và hoạt động khá hiệu quả. Ngành đã tổ chức tập huấn, lồng ghép các chương trình hoạt động trong các cuộc hội thảo, chuyên đề, kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách đối với giáo viên nữ nhằm giúp họ yên tâm công tác, nâng cao chất lượng dạy học. Năm học 2006-2007, tỷ lệ học sinh nữ dân tộc thiểu số tăng hơn năm học trước ở tất cả các ngành học, cấp học; tỷ lệ học sinh nữ giỏi các cấp chiếm gần 50% trong tổng số học sinh giỏi của tỉnh. Đặc biệt, trước yêu cầu đổi mới giáo dục, đội ngũ giáo viên nữ đã khắc phục khó khăn để học tập nâng cao trình độ, chuẩn hoá theo yêu cầu. Đến cuối năm học 2006-2007, số giáo viên nhà trẻ đạt chuẩn THSP chiếm 88,5%; giáo viên mẫu giáo đạt chuẩn là 97,6%. Nhờ đó trong các kỳ thi giáo viên dạy giỏi, số giáo viên nữ được công nhận giỏi cấp tỉnh cấp tiểu học chiếm phần lớn, với 235/333 người.

 

Công tác chăm sóc sức khoẻ phụ nữ cũng là một nội dung quan trọng được Ban VSTBPN các cấp đẩy mạnh. 56/56 đơn vị trong ngành y tế đã kiện toàn Ban và xây dựng quy chế hoạt động. Ngành đã tham mưu cho tỉnh xây dựng, triển khai chương trình mục tiêu nhằm đưa công tác chăm sóc phụ nữ, trẻ em ngày một tốt hơn. Đến nay có gần 70% trạm xá xã, phường, thị trấn có bác sĩ, 100% nữ hộ sinh và y sĩ sản nhi có trình độ trung cấp; 97,5% thôn bản có nhân viên y tế hoạt động; 85% phụ nữ được tiếp cận các dịch vụ y tế, 88% phụ nữ có thai được khám đủ 3 lần, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm còn 26%...Để tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển, Ngành đã xây dựng đề án: " Tăng cường cán bộ nữ quản lý ngành y tế Nghệ An giai đoạn 2006-2010". 6 tháng đầu năm nay có 51 chị được cử đi đào tạo nâng cao, 233 chị được đề bạt chức vụ trưởng, phó các khoa, phòng, ban.

 

Mục tiêu thứ 4 mà Kế hoạch hành động VSTBPN hướng đến là việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của phụ nữ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội để tăng số phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý. Có thể nói mục tiêu này là hết sức khó khăn và phải là chiến lược lâu dài. Chính vì vậy, Ban VSTBPN tỉnh và Hội LHPN tỉnh đã nhanh chóng tham mưu cho tỉnh xây dựng đề án " Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, cán bộ cơ sở, cán bộ trẻ có triển vọng". Theo đó, nhiều địa phương có cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích phụ nữ đi học nâng cao trình độ. Thực hiện đề án này, 19/19 huyện, thành, thị đã xây dựng quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo và quan tâm giới thiệu, đề bạt cán bộ nữ đảm bảo chỉ tiêu tham gia các chức danh lãnh đạo, quản lý.

 

Ngoài ra, Ban VSTBPN tỉnh còn phối hợp với sở Tư pháp, Hội LHPN tỉnh tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật cho nhân dân, nhất là phụ nữ, tuyên truyền phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em gái, nâng cao năng lực cho cán bộ làm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho phụ nữ. Tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động VSTBPN là mục tiêu bao trùm nhằm đạt được các mục tiêu trên. Vì vậy, Ban VSTBPN tỉnh đã tham mưu để các ngành các cấp đầu tư kinh phí cho hoạt động của Ban. Có thể khẳng định, mặc dù hiệu quả hoạt động của Ban các cấp chưa được đồng đều, nhưng kết quả đạt được đã góp phần đáng kể trong việc thực hiện bình đẳng giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ Nghệ An vươn lên phát triển toàn diện, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và đổi mới quê hương.

Ngọc Hà
Báo Nghệ An

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video