Để sản phẩm của phụ nữ khởi nghiệp không chơi vơi giữa thời 4.0

24/11/2021
Ngày 19/11, Hội LHPN TP.HCM phát động chương trình “Phụ nữ tự tin làm kinh tế giỏi”.
Nhóm nấu ăn của chị Nguyễn Thị Hồng Cẩm đến nay vẫn chỉ được khách hàng biết tới qua những bàn tiệc

Chương trình với mục tiêu hàng đầu là hỗ trợ chị em phát triển kinh tế hộ gia đình, chương trình tập trung vào khâu đào tạo, nâng cao kỹ năng áp dụng công nghệ vào tổ chức sản xuất, kinh doanh. Nhưng làm gì để nội dung đào tạo thiết thực, hiệu quả thì phải lắng nghe nhiều hơn nhu cầu của những người trong cuộc.

Sản phẩm mới chỉ giới thiệu qua bàn tiệc, người quen

Chia sẻ con đường khởi nghiệp bước đầu tạm gọi là thành công của mình, chị Nguyễn Thị Hồng Cẩm (ấp Gò Nổi, xã An Nhơn Tây, H.Củ Chi) không giấu được sự ngại ngùng. Qua lời kể của chị thì chỉ bốn năm trước, tức năm 2017, gia đình chị Hồng Cẩm vẫn còn thuộc diện hộ nghèo - nghèo xác nghèo xơ. Ba đứa con nhỏ trong độ tuổi ăn học, chồng chạy xe tải thuê, thu nhập 4 triệu đồng/tháng, còn chị thuê năm công ruộng cấy lúa và tranh thủ làm thuê bất cứ công việc thời vụ nào. Cần cù là vậy, nhưng mùa màng thất bát khiến cuộc sống của gia đình chị không khấm khá lên được. Chồng chị lại bị bệnh tiểu đường, thuốc men tốn kém, nên cuộc sống gia đình thường xuyên nhờ cậy vào sự hỗ trợ của địa phương.

Nhờ có năng khiếu nấu ăn, cuối năm 2017, chị Cẩm bàn với nhóm chị em phụ nữ chơi chung lập nhóm “nấu ăn” với dự tính sẽ nhận nấu các đám tiệc nho nhỏ. Nhóm có bảy thành viên, trong đó, hai thành viên hộ nghèo, hai cận nghèo, chị là trưởng nhóm cũng là đầu bếp chính, thu nhập hằng tháng của nhóm khoảng 2,5 triệu đồng. Biết được hoạt động của nhóm, Hội Phụ nữ xã An Nhơn Tây thông qua các mối quan hệ, đã giới thiệu, tạo điều kiện để nhóm dần khẳng định uy tín.

Năm 2019, chị Cẩm đăng ký học lớp nấu ăn do Hội Phụ nữ tổ chức. Lớp học kéo dài ba tháng, dạy cách chế biến các món ăn, đặc biệt là những món đãi tiệc mang tính truyền thống. Sau lớp học, có thêm kinh nghiệm và biết thêm nhiều món, chị Cẩm mạnh dạn phát triển nhóm lên 12 thành viên để có đủ nhân lực nhận những đám tiệc lớn hơn. Thu nhập của nhóm tăng dần lên khoảng từ 5-10 triệu đồng/tháng khi khách hàng tìm đến đông hơn. Nhờ đó mà tất cả các thành viên trong nhóm hiện nay đều đã thoát nghèo.

Hỏi chị làm gì để nhiều khách hàng biết đến? Chị thật thà: “Tôi mù công nghệ, trước giờ toàn giới thiệu trực tiếp trên bàn tiệc. May mắn hơn là có Hội Phụ nữ hỗ trợ, giới thiệu quảng bá giúp”.

Đồng hành cùng chương trình “Phụ nữ tự tin làm kinh tế giỏi”, chị Nguyễn Thị Thu thay mặt Công ty BST Coffee & Flower đưa sản phẩm đến giới thiệu với mọi người. Chị cho biết, người chủ của mình vì yêu thích nông nghiệp, muốn giữ lại phần truyền thống của nghề nông, mang đến thông điệp về cái đẹp, sự trân trọng thiên nhiên mà quyết định khởi nghiệp từ năm 2017 với hai sản phẩm là hoa lan và cà phê. Tên công ty là BST có nghĩa là Bến Sạn Tây - được đặt theo tên một địa danh tại P.Long Bình (TP.Thủ Đức), nơi giáp ranh con sông Đồng Nai - với mong muốn quê hương mình sẽ ngày càng phát triển.

Công ty được xây dựng theo mô hình gia đình với hai cửa hàng giới thiệu và phân phối sản phẩm tại số 2 Lê Lợi (TP.Thủ Đức) và 23 Võ Thị Sáu (TP.Biên Hòa). Tuy nhiên, theo chị Thu, sản phẩm chỉ bán được vào dịp trước tết, còn bình thường bán rất chậm. “Hình thức kinh doanh chủ yếu vẫn là thông qua bạn bè, người quen giới thiệu, đăng hình ảnh lên Zalo, Facebook nên công ty mình vẫn chưa có lượng khách dồi dào và ổn định” - chị Thu thành thật thừa nhận điểm yếu của công ty trong kinh doanh giữa thời 4.0.

Hoa lan và cà phê của Công ty BST Coffee & Flower (Bến Sạn Tây) vẫn đang chật vật tìm đầu ra vì những hạn chế trong ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số

Cùng hạn chế đó, chị Nguyễn Thị Chiên (Q.Tân Phú) cho biết, sản phẩm may của chị cũng chỉ loanh quanh bán cho một số khách quen dù gia đình chị có 17 năm trong nghề. Đầu năm 2020, nắm bắt nhu cầu của khách hàng, chị bắt đầu phát triển tiệm may đi kèm với bán vải để tiện tư vấn mẫu mã cho khách. “Thấy người ta livestream bán hàng, tôi nghĩ cách đó sẽ giới thiệu được hàng hóa đến với nhiều khách hàng hơn trong mùa dịch. Biết vậy nhưng tôi vẫn chưa làm được vì “mù” công nghệ, nghệ thuật livestream bán hàng sao cho thu hút… cũng chưa biết”, chị Chiên nói.

Đào tạo kỹ năng cần bắt đầu từ nhu cầu thực tế

Nắm được những điểm yếu của chị em khi bắt đầu khởi nghiệp với mô hình kinh tế hộ gia đình, trong chuỗi hoạt động hỗ trợ hội viên phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, vượt qua thách thức do dịch COVID-19, góp phần thực hiện thành công đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với Công ty TNHH Unilever Việt Nam nhằm hỗ trợ chị em nâng cao quyền năng của mình. Cùng với lễ phát động chương trình “Phụ nữ tự tin làm kinh tế giỏi”, Hội LHPN thành phố đã mời các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý sản xuất, kinh doanh báo cáo chuyên đề “Kỹ thuật livestream giới thiệu sản phẩm - bí quyết tăng doanh số”. Đây được xem là một phương pháp marketing hiệu quả, có khả năng tiếp cận được với hàng ngàn khách hàng một cách trực tiếp ngay tại một thời điểm, từ đó, giúp chị em mạnh dạn kinh doanh qua hình thức online.

Gian hàng khởi nghiệp từ sản phẩm len của hội viên phụ nữ quận 11

Tuy nhiên, với thời lượng có hạn, nội dung chuyên đề cũng chỉ mới dừng lại ở việc giới thiệu ngắn gọn một số app, Chatbox hỗ trợ chị em trong quá trình livestream.

“Mùa dịch này, nhiều người không thể đến cửa hàng để xem hàng hóa. Tôi tin livestream bán hàng sẽ là một hình thức cần thiết để người ta biết, để mình bán được nhiều hàng hóa hơn. Chỉ tiếc là ở chuyên đề này, chị em không có cơ hội thực hành” - chị Nguyễn Thị Chiên nuối tiếc.

Chị Nguyễn Thị Thu cũng cho biết, chị đến chương trình với mong muốn được trao đổi những vấn đề thực tế trước nay chưa làm được, muốn được xem cách thức, kỹ thuật livestream một sản phẩm trực tiếp giúp phát triển kinh doanh. Thế nhưng, chị hơi hụt hẫng vì nội dung chuyên đề quá ngắn, và dường như kỹ thuật livestream - nội dung chính của chuyên đề - lại chưa được tập trung. “Với hướng phát triển bán hàng tập trung qua online, như sử dụng Zalo, Facebook kết hợp livestream, kết nối sàn điện tử Lazada, liên kết với siêu thị, tôi mong những chuyên đề, khóa học khởi nghiệp, kinh doanh của Hội Phụ nữ sẽ tập trung hỗ trợ những nội dung trên để chị em tự tin hơn trên con đường khởi nghiệp. Những chuyên đề, khóa học hỗ trợ kinh doanh này thật sự cần thiết cho chị em” - chị Thu gửi gắm.

Đáp lại mong muốn đó của chị em, bà Trần Thị Phương Hoa - Phó Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - cho biết, trong thời gian sắp tới, Hội LHPN thành phố sẽ tiếp tục tổ chức hai lớp tập huấn về khởi sự kinh doanh với các mô hình phụ nữ phát triển kinh tế tại gia nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng để hỗ trợ, thúc đẩy chị em tham gia thực hiện mô hình hiệu quả với các nội dung cụ thể: tìm ý tưởng để bắt đầu kinh doanh với năm mô hình phổ biến nhất, phương pháp tính toán chi phí và cách định giá bán sản phẩm, cách truyền thông hiệu quả cho cửa hàng kinh doanh nhỏ, cách chăm sóc khách hàng, hướng dẫn lên kế hoạch, ý tưởng cho những dự án khởi sự kinh doanh. Ngoài ra, để giúp chị em mạnh dạn, tự tin, chương trình cũng sẽ tổ chức đánh giá các mô hình, lựa chọn các ý tưởng có tính khả thi để trao tặng thưởng, cấp vốn tại buổi tổng kết đánh giá thực hiện chương trình.

phunuonline

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video