Đề xuất 7 giải pháp nâng cao tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV

01/04/2021
Qua mỗi nhiệm kỳ Quốc hội và qua từng kỳ họp, tỷ lệ các bài phát biểu, tranh luận sắc sảo và chất vấn "tới cùng" của các nữ đại biểu Quốc hội cho thấy chất lượng đại biểu ngày càng tăng lên và thu hút được sự quan tâm của cử tri cả nước. Tuy nhiên, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội còn chưa tương xứng, đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, quyết liệt, kịp thời khi cuộc bầu cử đang đến rất gần.

Tranh luận sắc sảo, chất vấn "tới cùng"

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đánh dấu sự phát triển của nữ đại biểu Quốc hội ngay từ khi giới thiệu tỷ lệ nữ ứng cử viên đã chiếm 38,79% tổng số ứng cử viên trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV. Đây cũng là tỷ lệ cao nhất từ trước tới nay.

Về hoạt động của các nữ ĐBQH, số lần phát biểu không ngừng tăng qua các kỳ họp. Cụ thể, ý kiến phát biểu của nữ ĐBQH tại các phiên thảo luận kinh tế - xã hội tăng từ 22,10% (tại kỳ họp thứ 2, tháng 10/2016) lên 23,86% (tại kỳ họp thứ 6 năm 2018). Nhìn chung, xu hướng của các nữ ĐBQH tập trung ý kiến đối với các lĩnh vực giáo dục, y tế, lao động, việc làm, nông nghiệp và phát triển nông thôn... Đây được xem là những lĩnh vực "nóng", có nhiều vấn đề cần ưu tiên giải quyết, các vấn đề dân sinh được đông đảo cử tri quan tâm. Đặc biệt, tại các phiên chất vấn, các nữ ĐBQH tham gia tranh luận sắc sảo, chất vấn "tới cùng" như: đại biểu Trần Thị Hoa Ry (tỉnh Bạc Liêu), đại biểu H’Luộc Nơr Tơr (tỉnh Đắk Lắk), đại biểu Huỳnh Thị Hường (tỉnh Quảng Nam), đại biểu Nguyễn Thị Vân Lan (Thành phố Đà Nẵng)...

Đại biểu Vương Ngọc Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể tại hội trường ngày 5/11/2020, Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV ảnh: quochoi.vn

Các ý kiến phát biểu của nữ ĐBQH tại nghị trường nói chung, ý kiến tham gia vào chủ trương của Đảng nói riêng đã góp phần không nhỏ vào việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước nhiệm kỳ qua. Trong đó, có Bộ luật Lao động, với nhiều quy định bảo đảm những quyền lợi đối với lao động nữ. Hay việc sửa đổi Luật tổ chức Quốc hội, trong đó quy định nâng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách lên 40%. Hoặc Đề án bầu cử ĐBQH khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, trong đó nêu việc lập danh sách người ứng cử là nữ từ 35% trở lên để đảm bảo tỷ lệ trúng cử theo luật quy định...

Chuẩn bị hành trang tốt nhất cho nữ ứng cử viên

Nhìn lại cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV, danh sách ứng cử có 531 người là nam và 339 người là nữ. Khi đó, tỷ lệ trúng cử ở nam ứng cử viên là 68,2% và tỷ lệ này ở nữ ứng cử viên chỉ là 38,9%. Cá biệt có 3 tỉnh không có nữ ĐBQH. Để tỷ lệ nữ ĐBQH khoá XV đạt kết quả cao cần quan tâm tới một số vấn đề sau:

Thứ nhất, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan trong việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng liên quan đến công tác cán bộ nữ ngay từ đầu nhiệm kỳ và đến thời điểm này có đội ngũ nữ ứng cử viên đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn và có khả năng đóng góp, cống hiến sức lực, trí tuệ, tham gia tích cực vào các hoạt động của Quốc hội.

Thứ hai, nghiêm chỉnh chấp hành quy định tại Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, đồng thời cần có cơ chế để xử lý nếu các địa phương không đạt được tỷ lệ nữ ứng cử viên theo quy định của Luật.

Thứ ba, theo Nghị quyết số 64/NQ-HĐBCQG (ngày 3/3/2021) về số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng ĐBQH được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử, toàn quốc có 184 đơn vị bầu cử. Do đó cần có quy định về sắp xếp các ứng cử viên trong các đơn vị bầu cử một cách hợp lý, không có sự chênh lệch quá nhiều giữa các ứng cử viên, nhất là ứng cử viên nữ cùng danh sách với các ứng cử viên nam quá chênh về trình độ học vấn, chức vụ... Nên sắp xếp ít nhất 2 nữ ứng cử viên trong một đơn vị bầu cử, nếu chỉ có thể phân bổ 1 nữ ứng cử viên thì cần bố trí những người có kinh nghiệm, chức vụ, có cơ hội trúng cử cao.

Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai) tranh luận trên nghị trường

Thứ tư, không nên kết hợp nhiều cơ cấu cho 1 nữ ứng cử viên. Một số địa phương thường kết hợp cơ cấu dân tộc thiểu số, ngoài Đảng, trẻ tuổi và gán cho nữ, mà cần có sự cân bằng giữa nam và nữ. Riêng đối với nữ ứng cử viên ĐBQH cần tăng số lượng nữ ứng cử viên khối Trung ương.

Thứ năm, Hội LHPN Việt Nam cần phối hợp tập huấn cho nữ ứng cử viên để có hành trang tốt nhất khi tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri, các tình huống trong quá trình vận động tranh cử. Khi trúng cử cần có giáo trình riêng phù hợp để thực hiện bồi dưỡng các kỹ năng cần thiết trong từng giai đoạn thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu dân cử.

Thứ sáu, các cơ quan truyền thông cần tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về bình đẳng giới, về vai trò, vị trí và sự đóng góp của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị.

Thứ bảy, bản thân nữ ứng cử viên ĐBQH cần nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức; vượt qua tâm lý an phận, tự ti và những đặc điểm về giới; chủ động nâng cao trình độ, rèn luyện kỹ năng để thực hiện tốt nhiệm vụ theo luật định. Khi là ĐBQH, cần tham gia đầy đủ, tích cực và trách nhiệm các hoạt động của Quốc hội; gắn bó chặt chẽ với cử tri để nắm bắt ý kiến, nguyện vọng của cử tri; xây dựng hình ảnh đẹp về nữ ĐBQH trong nước và trên diễn đàn quốc tế.

Th.S Dương Thị Tình Thương (Phó Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu – Văn phòng Quốc hội)/PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video