ĐHĐB Phụ nữ tỉnh Phú Yên: 4 vấn đề lãnh đạo TW Hội LHPN Việt Nam chỉ đạo nghiên cứu thảo luận

25/10/2021
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hoà trực tiếp dự và chỉ đạo Đại hội Đại biểu Phụ nữ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hoà phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đại biểu Phụ nữ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII. Ảnh: Lê Vy

Thay mặt Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam, Phó Chủ tịch Bùi Thị Hoà đánh giá cao phong trào phụ nữ và kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác Hội của tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 2016 -2021với 5 kết quả nổi bật là bám sát nhiệm vụ chính trị địa phương và chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam, có những cách làm hay, sáng tạo; Các cấp Hội hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hướng đến các nhóm phụ nữ, quản lý hiệu quả nguồn vốn; Công tác vận động nguồn lực xã hội rất thành công; Hội đã thực hiện trách nhiệm trong giới thiệu, tham mưu tạo nguồn, đề xuất công tác cán bộ nữ, phát huy vai trò cán bộ nữ; Công tác xây dựng tổ chức Hội, thu hút, tập hợp phụ nữ có nhiều chuyển biến tích cực; các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh lần thứ XVI đều đạt và vượt. 

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hoà tặng tranh gạo chủ đề “Đoàn kết - Nhân văn - Sáng tạo - Phát triển” cho Thường trực Hội LHPN tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 2016-2021. Ảnh: Lê Vy

Để phát huy tốt vai trò, chức năng của tổ chức Hội, góp phần cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ 17, Chiến lược phát triển tổ chức Hội đến 2030, tầm nhìn 2035, Phó Chủ tịch Bùi Thị Hoà nhấn mạnh 4 vấn đề để Đại hội nghiên cứu thảo luận:

Thứ nhất, các cấp Hội cần đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng, giáo dục truyền thống, phổ biến giáo dục pháp luật, qua đó khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức công dân và niềm tự hào của người phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Phú Yên nói riêng; tiếp tục khẳng định vai trò của phụ nữ trong bảo tồn, lưu giữ, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc; chủ động triển khai xây dựng người phụ nữ Phú Yên thời đại mới có tri thức, có sức khỏe, có đạo đức, có bản lĩnh, trở thành nguồn nhân lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chú trọng hỗ trợ phụ nữ vun đắp giá trị tốt đẹp của gia đình, chủ động tham gia và đề xuất giải quyết tốt những vấn đề đang đặt ra đối với gia đình hiện nay, vận động xã hội tạo môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em ngay trong gia đình và cộng đồng. 

Thứ hai, cần thiết kế những giải pháp phù hợp để thúc đẩy nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế trong bối cảnh hiện nay. Chú trọng hỗ trợ phụ nữ miền núi, miền biển có sinh kế bền vững. Các cấp Hội cần tổ chức các mô hình khởi nghiệp, giải quyết việc làm có thu nhập ổn định; duy trì, phát triển các mô hình mới như: các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, khai thác công nghệ thông tin, mạng xã hội trong quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm; các mô hình kinh tế hộ gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm đạt chất lượng theo tiêu chuẩn Vietgap, OCOP. Đặc biệt, Hội LHPN tỉnh cần chủ động đề xuất đảm nhận nhiệm vụ cụ thể trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. 

Thứ ba, cần tiếp tục làm tốt vai trò nòng cốt vận động xã hội thực hiện bình đẳng giớiđề xuất cơ chế, chính sách tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Tham mưu, đề xuất và tích cực tham gia giải quyết các vấn về xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em ở địa phương như: bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em, tội phạm, tệ nạn xã hội, tình trạng "tín dụng đen", cho vay lãi nặng… Chủ động hơn nữa trong tham mưu lồng ghép giới trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tăng cường công tác phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và với các cơ quan Nhà nước trong công tác giám sát, phản biện xã hội các chủ trương, chính sách liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em, bình đẳng giới; Kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, lựa chọn giới thiệu những phụ nữ tiềm năng, chú trọng cán bộ nữ trẻ, dân tộc thiểu số, chuẩn bị nguồn cán bộ nữ có chất lượng cho hệ thống chính trị các cấp, góp phần duy trì bền vững tỷ lệ và nâng chất lượng cán bộ nữ tham gia cấp ủy, Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. 

Thứ tư, các cấp Hội phụ nữ Phú Yên cần nhận thức sâu sắc và đầy đủ về vai trò nòng cốt chính trị của tổ chức Hội, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong điều hành và tổ chức các hoạt động Hội. Thường xuyên chăm lo, nâng cao chất lượng tổ chức Hội; sâu sát cơ sở, nắm chắc tình hình phụ nữ, nhất là các lực lượng phụ nữ đặc thù; có hình thức phù hợp thu hút hội viên ở các địa bàn khó khăn, miền núi, vùng biển, phụ nữ tôn giáo, dân tộc thiểu số, phụ nữ  doanh nhân, trí thức, phụ nữ di cư lao động... Các cấp Hội quán triệt và thực hiện đúng vai trò, nhiệm vụ của mình với phương châm "Tỉnh vận dụng sáng tạo, Huyện đồng hành cùng cơ sở, Xã nắm chắc hội viên, Chi thấu hiểu phụ nữ""Lấy hạnh phúc và lợi ích của phụ nữ làm mục tiêu phấn đấu; lấy sự hài lòng của phụ nữ làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội". Nâng cao tinh thần chủ động, linh hoạt, phát huy nội lực của đội ngũ cán bộ Hội, nhất là trong điều kiện bình thường mới và yêu cầu phải thường trực đối phó với dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu.

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video