Đi lên nhờ Dự án

12/05/2006
Xã Việt Lâm thuộc huyện Vị Xuyên và xã Tân Thành, huyện Bắc Quang được xếp vào diện các xã khó khăn nhất theo Chương trình 135 của tỉnh Hà Giang với thu nhập bình quân đầu người là 1.500.000đ năm 2004.

Dân cư hai xã này chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số như Dao, Tày, Nùng, H’Mông, Bố Y... đều là nông dân nghèo có thu nhập rất thấp.

 

Từ giữa tháng 7/2005, Hội LHPN tỉnh Hà Giang đã tiến hành đánh giá sơ bộ vùng nông thôn có sự tham gia của người dân ở 2 thôn Việt Thanh (xã Việt Lâm) và thôn Tân Tấu (xã Tân Thành). Kết quả đánh giá cho thấy, nguồn sống chính của 2 xã là trồng chè, trồngcây ăn quả (cam, quýt) và làm nương (lúa, ngô). Nguồn đánh bắt cá ở sông Lô và các suối cũng là một nguồnthu nhập và làm thực phẩm cho một số hộ dân nghèo ở địa phương nhưng cũng chỉ chiếm một phần rất nhỏ và sản lượng cá khai thác ngày càng giảm sút. Nhiều người đã chuyển nghề do không kiếm đủ sống cho gia đình. Nhìn chung, nông dân địa phương ở đây gặp nhiều khó khăn, thiếu lươngthực, thực phẩm và nguồn thu nhập dùng cho chi tiêu trong gia đình rất eo hẹp. Theo kết quả điều tra của tỉnh, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi của Hà Giang năm 2004 là 28,79% (huyện Vị Xuyên 28,08%, Bắc Quang 24,36%).

 

Tuy nhiên, hai xã Việt Lâm và Tân Thành lại có nhiều thuận lợi do có nhiều sông suối chảy qua, đây lại là nơi sinh sống của nhiều loài cá bản địa quý hiếm như cá Chiên, cá Gầm xanh, cá Anh vũ, cá Lăng, trên hệ thống sông Lô – Gâm. Những loài cá này được tận thu khai thác trên sông, suối bằng đủ các loại phương tiện như câu, giăng lưới, thậm chí cả bằng điện, thuốc nổ... Giá trung bình 1 kilogram cá Chiên là 120.000 – 150.000 đồng mà vẫn không đủ cung cấp cho các nhà hàng ở thị xã Hà Giang và hầu như không có bán ở chợ. Tình trạng khan hiếmvà giá bán cao của những loài cá này càng làm cho tình trạng khai thác thêm mạnh mẽ, làm suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi thuỷ sản, bỏ qua những quy định về bảo vệ môi trường nước và nguồn lợi thuỷ sảnNhà nước đã quy địnhtrong Luật thuỷ sản.

 

Một số ít nông dân đã bắt đầu nuôi cá trong lồng đặt trên sông suối. Riêng với cá Chiên, mỗi xã chỉ có 1–2 hộ ngư dân nuôi trong lồng bằng những hiểubiết cá nhân, không có bất kỳ sự hỗ trợ nào về kỹ thuật của cơ quan Nhà nước hay từ các tổ chức đoàn thể. Do thiếu vốn để đầu tư kỹ thuật và trang thiết bị, lại mang tính tự phát nên cá Chiên giống đều do chính các hộ thu gom đánh bắt. Việc nuôi cá Chiên trong lồng gặp không ít khó khăn, quy mô nhỏ, và thực chất chưa phải là “nuôi” mà chỉ là giữ cá chờ khi được giá cao hoặc khi cần có tiền thì bán cho tư thương.

 

Tháng 12/2005, dự án “Thử nghiệm nuôi cá Chiên lồng để góp phần cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ nghèo 2 huyện Vị Xuyên và Bắc Quang, tỉnh Hà Giang” đã được Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội và Hội LHPN tỉnh Hà Giang ký kết với tổng số tiền 39.000 Euro, trong đó Đại sứ quán Phần Lan tài trợ 35.000 Euro, phần còn lại do Hội LHPN tỉnh và người dân tham gia dự án đóng góp (nhân công, nguyên vật liệu...) Dự án sẽ hoạt động trong 18 tháng.

 

Với sự đóng góp tích cực của cán bộ Hội LHPN ở 2 huyện, 2 xã tham gia dự án, đến nay đã lựa chọn được 20 hộ gia đình, trong đó hầu hết là các chị em người dân tộc như Nùng, Tày, Hoa... tham gia với sự hưởng ứng tích cực của các ông chồng và sự hỗ trợ của các thôn bản. Các hộ tham gia dự án được dự họp, tập huấn kỹ thuật và đi tham quan nghề nuôi cá lồng ở Tuyên Quang, Hoà Bình... Cá Chiên giống đã được thu gom trực tiếp từ ngư dân có uy tín trong vùng, chị em đã được học kỹ thuật làm luống nuôi giun quế, tận dụng nguồn phân trầu, bò sẵn có đúng cách... Dự án bước đầu đã thu được những kết quả khả quan, mở ra một hướng làm ăn mới cho phụ nữ nghèo nơi đây.

Nguyễn Thu Hiền - Ban Dân tộc – Tôn giáo

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video