Điểm tin tuần

16/03/2007
Kể từ tháng 3/2007, trang Web Hội LHPN Việt Nam sẽ ra mắt chuyên mục Điểm tin tuần.

Tin trong nước

 

* Nữ nhà giáo ngày càng đóng vai trò đáng kể vào sự nghiệp phát triển giáo dục

 

TP 7/3 – Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Đặng Huỳnh Mai tại buổi gặp mặt nữ cán bộ khoa học, cán bộ quản lý, nhà giáo tiêu biểu ngành GD&ĐT Hà Nội nhân dịp 8/3. Năm 2006, toàn quốc có thêm 3 nữ nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân (Nguyễn Thị Mơ – Nguyên Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương; Nguyễn Thị Thu Cúc – ĐH Cần Thơ; Ngô Thị Kiều Nhi – ĐH Bách khoa TP HCM) và 150 nữ Nhà giáo ưu tú. 2 nữ nhà giáo được công nhận chức danh Giáo sư (Đỗ Thị Kim Liên – ĐH Vinh; Đặng Thị Kim Chi – ĐH Bách khoa Hà Nội) và 43 nữ nhà giáo được công nhận chức danh Phó Giáo sư.

 

 

* Vĩnh Phúc: 86.444 triệu đồng cho hội viên, phụ nữ vay phát triển sản xuất

 

LĐXH 6/3: Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi này đã có 927 chị em thoát nghèo và hàng ngàn hộ tăng thu nhập. Đáng lưu ý là tất cả các hộ vay đều được huởng lãi suất ưu đãi, riêng các đối tượng nghèo còn được tỉnh trích ngân sách hỗ trợ chỉ phải trả 0.25%. Ngoài ra, Hội còn xây dựng được 3.744 Tổ đoàn kết cho chị em vay 3.440 triệu đồng; vận động 449 chủ doanh nghiệp, trang trại cho lao động nữ vay 3.000 triệu đồng không tính lãi.

 

* Long An: 90% lao động nữ được trợ vốn Quỹ CEP

 

LĐ 7/3 – Năm 2006, Quỹ Trợ vốn cho người nghèo tự tạo việc làm (CEP) tại Long An đã trợ vốn cho hơn 4.000 lượt người là công nhân lao động nghèo với doanh số cho vay trên 11 tỷ đồng. Trong số này, có tới 90% là nữ công nhân lao độngđược Quỹ CEP trợ vốn để phát triển kinh tế gia đình.

 

* An Giang: Gần 300.000 phụ nữ sẽ được chăm sóc SKSS/KHHGĐ

 

SK&ĐS 8/3 -Với chiến dịch “Tăng cường tuyên truyền, vận động, lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ năm 2007”, sẽ có 287.859 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại các xã vùng khó khăn và có mức sinh cao được hưởng lợi. Chiến dịch tập trung tuyên truyền cho phụ nữ nắm bắt được thông tin về lợi ích của việc hạn chế gia tăng dân số đối với gia đình và cộng đồng; khuyến khích tư vấn chị em sử dụng biện pháp tránh thai, thực hiện mô hình gia đình có từ 1-2 con…

 

* Hợp tác đấu tranh phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em

 

HNM 7/3: Nhằm ngăn ngặn tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em, năm 2004 Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em (Chương trình 130). Đến nay hầu hết các địa phương đã lập Ban chỉ đạo 130 và triển khai các hoạt động của mình. Cuối năm 2006, Tổng cục Cảnh sát nhân dân (Bộ Công an) đã tổ chức ra mắt Ban chỉ đạo COMMIT – Ban chỉ đạo liên ngành về PCBB người các nước Tiểu vùng sông Mê Kông của Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực: xác định nạn nhân và bắt giữ tội phạm; xây dựng khung pháp lý và tương trợ tư pháp; xây dựng chương trình hành động quốc gia; hợp tác song phương và đa ngành; hỗ trợ kinh tế cho nạn nhân tái hoà nhập cộng đồng; giải quyết các hình thức môi giới có tính chất bóc lột; giúp nạn nhân hồi hương kịp thời và an toàn. Gần đây nhất, Tổng cục CSND, Bộ Tư lệnh biên phòng cũng đã ký cam kết thực hiện quy chế phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm BBPNTE bằng nhiều hoạt động thiết thực.

 

* ActionAids hỗ trợ Vĩnh Long chống buôn bán phụ nữ, trẻ em

 

PLVN 6/3: 17.300 USD là số tiền ActionAids (Tổ chức phi Chính phủ Quốc tế) hỗ trợ Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long triển khai giai đoạn 2 Dự án “Đấu tranh chống buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới” nhằm giúp các đối tượng: phụ nữ và trẻ em bị buôn bán, bị di cư bất hợp pháp; phụ nữ, trẻ em có nguy cơ bị buônbán hoặc phụ nữ là công nhân nhập cư bất hợp pháp. Ngoài Vĩnh Long, Dự án còn triển khai ở các tỉnh: Tây Ninh, Cao Bằng, Ninh Bình, Nam Định, Hải Phòng, Trà Vinh và Quận Gò Vấp, T.P Hồ Chí Minh.

 

* Quảng Trị: Lớp học… đếm tiền dành cho phụ nữ dân tộc nghèo

 

LĐ 8/3 – Đây là lớp học do Hội LHPN huyện Hướng Hoá phối hợp với Uỷ ban Y tế Hà Lan tổ chức dành cho những phụ nữ dân tộc Vân Kiều, Pa Cô nhằm giúp đỡ họ tự tin trong cuộc sống, sử dụng hiệu quả vốn vay. Trước đây, hầu hết phụ nữ Pa Cô, Vân Kiều không biết đếm tiền, do vậy việc mua bán hàng hoá, quản lý tiền bạc trong gia đình đều do đàn ông đảm nhiệm. Phụ nữ làm những việc rất nặng nhọc như: kiếm củi, giã gạo, làm nương rẫy… Sau 3 năm triển khai thí điểm, đến cuối năm 2005 đã có 32 lớp với gần 500 học viên “tốt nghiệp” khoá học đặc biệt này. Từ chỗ mù số, mù chữ, chị em đã biết đếm tiền, đọc bàn cân, thực hiện cộng trừ thành thạo và rất nhiều người đã trở thành “bà chủ” điều hành, quản lý tiền bạc thay chồng. Ý thức về bình đẳng giới cũng được nâng lên. Cùng với dự án học đếm tiền, Hội LHPN huyện Hướng Hoá và Uỷ ban Y tế Hà Lan còn triển khai dự án cho vay tín dụng nhỏ nhằm giúp chị em “học đi đôi với hành”, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

 

Tin Quốc tế

* Liên hợp quốc kêu gọi bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái

 

KT&ĐT 8/3 - Kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ năm nay, hàng nghìn đại biểu của các nước và các nhà hoạt động nữ trên khắp thế giới đã tập trung tại trụ sở LHQ để tham dự kỳ họp lần thứ 51 của Uỷ ban về tình trạng phụ nữ với chủ đề: chấm dứt nạn bạo hành và phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái.

 

* 28 phụ nữ đoạt Giải Nobel.

 

PLVN 7/3: Kể từ khi có Giải Nobel (1901) đã có 28 phụ nữ (chiếm 4,4%) đoạt giải, trong đó 9 ngườiđoạt Giải Nobel hoà bình và 8 người đoạt Giải Nobel về văn học. Về lĩnh vực khoa học tự nhiên và y học, con số này thấp hơn (y khoa 2,5%, hoá học 3% và vật lý 1,3%).

 

* Tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ - con đường ngắn nhất thu hẹp khoảng cách giới

 

DĐDN 6/3: Đó là nhận định tại Cuộc họp giữa OECD (Tổ chức hợp tác kinh tế & phát triển) và Chính phủ 7 nước châu Âu tại Berlin (Đức) tháng 2 vừa qua. Các chuyên gia cho rằng, con đường ngắn nhất để thu hẹp khoảng cách giới là thu hẹp năng lực tài chính, bởi lẽ bấy lâu nay phụ nữ thế giới nói chung luôn bị bó mình trong việc kiểm soát tài chính. Cũng theo các chuyên gia, khi người phụ nữ có nhiều quyền lực hơn trong các vấn đề về kinh tế, cũng là lúc họ có nhiều cơ hội hơn trong việc lựa chọn con đường phát triển. Như vậy, lẽ đương nhiên cán cân giới sẽ được cải thiện. Ngân hàng thế giới cũng đưa ra hàng loạt dẫn chứng, theo đó, hầu hết các cường quốc kinh tế phát triển có được thành quả như ngày nay là nhờ biết phát triển kinh tế bằng hai chân, dựa trên sức mạnh của cả hai giới nam và nữ.

 

* Thuỵ Điển: tỷ lệ nam nữ ngang bằng trong Chính phủ

 

PLVN 7/3: Đây là nước đầu tiên trên thế giới có tỷ lệ nữ chiếm 50% trong nội các Chính phủ. Kỷ lục thế giới về phụ nữ là đại biểu Quốc hội thuộc về Phần Lan (39%), Na Uy (35%) và Thuỵ Điển (34%). Hiện có 12 quốc gia, trong đó phụ nữ làm Tổng thống hoặc Thủ tướng.

 

* Thế giới: 70% số người nghèo khổ là phụ nữ

 

PLVN 7/3: Hiện có tới 1,3 tỷ phụ nữ, trẻ em thuộc diện nghèo khổ có mức sống dưới 2 USD/ngày trên toàn cầu (chiếm 70%), ngay cả ở Mỹ cũng chiếm tới 62%. Dự kiến con số này còn gia tăng, bởi gần 7 thập kỷ trước (năm 1940), số phụ nữ, trẻ em nghèo đói mới ở ngưỡng 40%. Theo đó, tỷ lệ phụ nữ mù chữ cũng chiếm 2/3 (600 triệu người) và 60% (78 triệu) trẻ em gái không được cắp sách tới trường.

 

Gương mặt trong tuần

 

Họ là những con người rất đỗi bình dị như hàng triệu người dân khác, thậm chí còn rơi vào những hoàn cảnh éo le. Song vượt lên tất cả, bằng ý chí, nghị lực phi thường, khát vọng làm giàu, cống hiến cháy bỏng, tình yêu quê hương đất nước sâu nặng, họ đã trở thành những tỷ phú, tiến sỹ đầu tiên của đồng bào dân tộc thiểu số xa xôi. 


* Nữ tiến sỹ đầu tiên của dân tộc Tà Ôi

 

NTNN 7/3: 33 tuổi đời, Kê Sưu đã trở thành Huyện uỷ viên đầu tiên và trẻ nhất của huyện A Lưới – nơi đồng bào Tà Ôih, một trong những tộc người nghèo và lạc hậu nhất khu vực miền Trung và Tây Nguyên sinh sống. Vượt qua định kiến bao đời , Kê Sưu quyết tâm đi học bởi theo chị “muốn truyền đạt kiến thức cho đồng bào thì phải hiểu rõ ngôn ngữ và văn hoá của họ”. Bảo vệ luận văn cao học với điểm tuyệt đối, chị được xét chuyển tiếp nghiên cứu sinh làm luận án Tiến sỹ. Được hậu thuẫn của chồng, chị lại lao vào nghiên cứu đề tài “Cấu tạo từ tiếng Tà Ôih trong sự so sánh với tiếng Việt”, đồng thời tập trung viết sách. Chị đã cho ra đời 2 cuốn: “Góp phần tìm hiểu văn hoá dân gian dân tộc Tà Ôih ở A Lưới - Thừa Thiên - Huế” (đồng tác giả Trần Hoàng) và Truyện cổ Tà Ôih (đồng tác giả Trần Nguyễn Khánh Phong). Điều đáng nói là cuốn Truyện cổ Tà Ôih vừa được trao giải Sách hay Việt Nam năm 2006.

 

Nữ tỷ phú đi lên nhờ … rác

 

Đến xã Thiện Tân (Vĩnh Cửu - Đồng Nai), ai cũng biết chị Tạ Thị Nở, Giám đốc Doanh nghiệp tưnhân Tân Phát Tài (xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) là một nữ tỉ phú… rác. Từ việc sử dụng rác thải, chế biến thành những vật liệu và thành phẩm có giá trị như bột cao su, cung ứng trở lại cho các doanh nghiệp sản xuất giày thể thao thu hút 120 lao động làm việc 3 ca liên tục mỗi ngày, doanh nghiệp do chị làm giám đốc đã có hàng chục tỉ đồng. Mô hình sản xuất này của chị đã được đánh giá rất cao vì vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải gây ra, vừa có thêm nguồn nguyên liệu tại chỗ phục vụ sản xuất và tạo việc làm ổn định cho người lao động./.

Trung tâm Thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video