Điện Biên: Độc đáo nghề dệt thổ cẩm truyền thống của phụ nữ dân tộc Lào

13/03/2019
Dân tộc Lào ở tỉnh Điện Biên có nghề dệt truyền thống từ rất lâu, vải dệt được làm ra nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của gia đình là chủ yếu, các sản phẩm được làm từ vải dệt như: trang phục, vỏ đệm, vỏ gối, vỏ chăn, túi đeo, khăn...

Dân tộc Lào ở tỉnh Điện Biên có nghề dệt truyền thống từ rất lâu, vải dệt được làm ra nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của gia đình là chủ yếu, các sản phẩm được làm từ vải dệt như: trang phục, vỏ đệm, vỏ gối, vỏ chăn, túi đeo, khăn... Vì vậy việc bảo tồn nghề dệt truyền thống của dân tộc Lào là việc truyền dạy, lưu giữ những phương pháp, kỹ thuật dệt vải bao gồm việc làm ra các sản phẩm cụ thể phục vụ sinh hoạt, các hoa văn trang trí đặc sắc, kỹ thuật dệt may các sản phẩm từ vải dệt có tính thẩm mỹ, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Nghề dệt truyền thống dân tộc Lào chứa đựng sắc thái văn hóa riêng. Vì vậy việc bảo tồn và truyền dạy một số công đoạn trong nghề dệt truyền thống của dân tộc Lào như: trồng bông, xe sợi, nhuộm mầu… là rất quan trọng để tạo ra được một sản phẩm đẹp mắt, chất lượng tốt, thuận lợi khi sử dụng, có giá trị cao.

Để tạo ra những sấp vải thổ cẩm những người phụ nữ dân tộc Lào phải tiến hành qua các nhiều bước như: tách hạt bông, bật bông, vê bông, se sợi, quay sợi, lắp và quay cuộn chỉ, dải sợi, thu sợi, dệt.

Tách hạt bông (ỉu phải) là công đoạn đầu tiên. Khi đã có hạt bông thì cần phải có dụng cụ tách hạt (ỉu phải) để lấy bông. Công đoạn này cũng mất khá nhiều thời gian. Dụng cụ để tách hạt bông được chế tác thủ công, phần chân được lắp ráp hình chữ T, 2 đầu chữ T được ghép 2 thanh gỗ nhỏ dài khoảng 50cm, bản rộng khoảng 6cm, dày khoảng 3cm tạo thành chạc giống càng xe đạp. Cách đầu trên của càng khung dụng cụ tách hạt bông khoảng 10cm có luồn 2 thanh gỗ dài khoảng 25cm được tiện tròn. Giữa 2 thanh gỗ tròn được luồn một thanh gỗ tròn khác dài khoảng 30cm liền với tay quay có tác dụng làm bông tách ra khỏi vỏ khi người ta quay tay quay để hút hạt bông.

 

 Người phụ nữ dân tộc Lào đang thực hiện công đoạn tách hạt bông


Bật bông (công phải): Khi bông đã được tách ra khỏi vỏ thì tiến hành bật bông cho tơi xốp. Dụng cụ dùng để bật bông được chế tác đơn giản gồm: Cung bật bông (công tháp phải) là một cần tre nhỏ dài khoảng 1 m làm gần giống như chiếc cung. Dây cung bật bông thường được làm bằng sợi cây gai bện nhỏ. Dùng một đoạn tre nứa nhỏ để bật dây cung cho đều. Thúng đựng bông (xốn) có tác dụng để bật bông và không để bông bay bụi. 

 

 Khi bông đã được tách ra khỏi vỏ thì tiến hành bật bông cho tơi xốp.


Vê bông (lọ phải): Bông đã được làm tơi xốp, thì tiến hành vê bông thành các gòn bông (lọ phải) to bằng ngón tay trỏ, dài khoảng 40cm, khi bông đã được vê hết thì chuyển sang bước tiếp theo.

 

 Bông đã được làm tơi xốp, thì tiến hành vê bông thành các gòn bông


Se sợi (phắn phải): Đây là công đoạn tách từ gòn bông để tạo thành sợi, họ sử dụng dụng cụ se sợi để quay lấy sợi cho khỏi rối tạo thành cuộn chỉ sợi (náy phải).

 

  Những người phụ nữ dân tộc Lào sử dụng dụng cụ se sợi để quay lấy sợi cho khỏi rối tạo thành cuộn chỉ sợi


Quay sợi (pia phải): Khi đã có đủ các cuộn chỉ sợi thì quay sợi (pia phải) để tạo cuộn sợi có vòng to rồi đem cuộn sợi đi giặt (tốp nặm) và đun hồ để ngâm sợi và đem phơi khô; họ sử dụng 2 cây tre dài để luồn vào trong các cuộn sợi, một cây để treo lên giống như sào phơi quần áo, cây treo thả xuống để cho cuộn sợi được căng ra…

Lắp cuộn sợi (công quặng) và quay cuộn chỉ (phiến lót): Sau khi thu sợi rồi tiến hành cho từng quận vào “công quăng” có tác dụng cho sợi không bị rối, họ sẽ tách lấy một đầu dây sợi nối vào lõi chỉ và sử dụng công cụ quay cuốn thành quân chỉ sợi (phiến lót); thường phải có khoảng 30-40 quận chỉ sợi thì mới đủ để làm một sấp vải (cọn phải).

Rải sợi (khên hú): Chuông khên là dụng cụ để cho các cuộn chỉ sợi vào, thường là 08 hoặc 10 cuộn chỉ sợi rồi cầm “chuông khên” kéo sợi dải quanh cột nhà sàn và được chia theo các bậc, tầm khoảng 08-10 bậc dải sợi thì đủ để dệt một sấp vải (cọn phải).

Thu sợi (củ phải):  Khi đã rải đủ số sợi để dệt một sấp vải thì tiến hành thu sợi cho vào túi to để đựng rồi đem treo vào cạnh khung cửi và tiến hành luồn sợi vào khung cửi để dệt.

Mắc sợi vào khung cửi, dệt vải: Tiến hành luồn sợi vào khung cửi để dệt, họ luồn sợi qua lược dệt (phứm), luồn qua “khau hú”…

 

 Sản phẩm thổ cẩm của phụ nữ dân tộc Lào


Khi đã đan xong thì tiến hành dệt vải để tạo ra các sấp vải dệt truyền thống dân tộc Lào.

dantocmiennui

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video