Đoàn đại biểu Phụ nữ Việt Nam tham dự cuộc họp Mạng lưới các nhà lãnh đạo nữ APEC lần thứ 14

11/08/2009
Nhận lời mời của Bộ trưởng Bộ Phát triển cộng đồng, thanh niên và thể thao Xinh-ga-po, từ 4-5/8/2009 vừa qua, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hòa, Uỷ viên TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPNVN đã dẫn đầu đoàn đại biểu Phụ nữ Việt Nam tham dự Cuộc họp Mạng lưới Các nhà Lãnh đạo nữ APEC lần thứ 14 tại Xinh-ga-po.

Hơn 600 các nhà lãnh đạo nữ - đại diện Chính phủ, doanh nghiệp, học viện và xã hội dân sự từ 21 nền kinh tế APEC đã tham dự sự kiện quan trọng này. Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Dr. Noeleen Heyzer, một số Bộ trưởng và tương đương đã tham dự hội nghị (Chi lê, In-đô-nê-xi-a, Thái Lan, Xinh-ga-po, Đài Loan-Trung Quốc, Việt Nam).

Thủ tướng Xinh-ga-po Lý Hiển Long đã đến dự và phát biểu khai mạc hội nghị. Ông nhấn mạnh, sự phát triển kinh tế năng động của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong những năm qua, trong đó có sự đóng góp to lớn của phụ nữ. Việc giải phóng và trình độ học vấn ngày càng cao của phụ nữ đã góp phần thúc đẩy sự thay đổi xã hội và các nền kinh tế theo hướng bình đẳng. Việc đầu tư cho con người, phát huy tiềm năng của họ và quan tâm xây dựng hệ thống an sinh xã hội vững chắc là những nhân tố quan trọng để phát triển bền vững.

Với chủ đề “Phụ nữ và phát triển bền vững”, hội nghị đã trao đổi các vấn đề về phụ nữ trong doanh nghiệp; vượt qua cơn bão khủng hoảng thúc đẩy các cơ hội kinh tế cho phụ nữ; phụ nữ trong nền kinh tế tri thức, sự hài hòa giữa công việc và cuộc sống; doanh nghiệp xã hội; những thách thức và ước vọng cho tương lai. Hội nghị đã khắc họa sâu sắc những tiến bộ vượt bậc mà phụ nữ APEC đã đạt được trong thời gian qua và những đóng góp to lớn của phụ nữ đối với sự phát triển của các nền kinh tế.

Trong APEC, phụ nữ chiếm hơn một nửa lực lượng lao động (62,5%), tỷ lệ phụ nữ làm chủ các doanh nghiệp tương đối cao 40-45% (Mỹ, Xinh-ga-po, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a). Ở nhiều nền kinh tế, GDP tăng, thu nhập bình quân đầu người tăng, hệ thống y tế & giáo dục phát triển, mức sống của người dân ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua đã làm tăng thêm số phụ nữ thất nghiệp (9 triệu), đưa tổng số phụ nữ bị thất nghiệp trong khu vực khoảng 38 triệu. Phụ nữ làm việc trong khu vực phi chính quy và những công việc dễ bị tổn thương bị tác động mạnh nhất. Ở một số nền kinh tế, tiềm năng của phụ nữ chưa được phát huy, hệ thống an sinh xã hội chưa được đầu tư thích đáng, việc thực hiện bình đẳng giới còn chậm – là những tác nhân hạn chế sự phát triển. Doanh nghiệp xã hội là một khái niệm và là một mô hình được nhiều xã hội thực hiện nhằm phát huy nguồn lực, tạo việc làm, tăng thu nhập và niềm tin cho những người bị rủi ro trong xã hội.

Tại hội nghị, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa đã trình bày tham luận về “Sự hài hòa giữa công việc và cuộc sống”, nêu bật những đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam đối với sự nghiệp phát triển đất nước, cũng như sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sự tiến bộ của phụ nữ “Nam cũng như nữ đều mong muốn thành đạt trong sự nghiệp và hạnh phúc trong cuộc sống. Cuộc sống và công việc bổ sung cho nhau. Công việc thuận lợi sẽ giúp con người thêm yêu cuộc sống, mặt khác, gia đình hạnh phúc là điểm tựa giúp con người làm việc tốt hơn. Để giúp phụ nữ hài hòa công việc và cuộc sống, nhiều nước đã có các chính sách và biện pháp hữu hiệu tạo điều kiện cho phụ nữ vừa phát huy khả năng làm việc của mình,, vừa làm tốt trách nhiệm với gia đình”.

Với tinh thần hợp tác, hội nghị đã thông qua Bản Khuyến nghị kêu gọi các nhà lãnh đạo APEC tối đa hóa các cơ hội phát triển kinh tế cho phụ nữ, cũng như đầu tư mạnh hơn cho các chính sách và chương trình thúc đẩy bình đẳng giới và an ninh kinh tế cho phụ nữ với 10 nội dung cụ thể. Đó là: Tăng cường các chương trình nâng cao năng lực bao gồm giáo dục và đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho phụ nữ; Thúc đẩy các chương trình tạo việc làm nhằm hỗ trợ cho phụ nữ làm việc ở khu vực phi chính quy và dễ bị rủi ro; Đảm bảo cho các doanh nghiệp qui mô vừa và nhỏ tiếp cận nguồn tài chính; Đảm bảo các mạng lưới an sinh xã hội cho phụ nữ; Đơn giản hóa các thủ tục đăng ký kinh doanh; Tăng cường việc sử dụng khoa học & công nghệ cho phụ nữ; Tạo điều kiện cho phụ nữ nhất là phụ nữ nông thôn và bản địa tiếp cận với công nghệ thông tin; Thúc đẩy sự hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư nhân, coi đó là biện pháp quan trọng để thúc đẩy sự đóng góp của phụ nữ đối với nền kinh tế; Hỗ trợ các doanh nghiệp xã hội - một mô hình doanh nghiệp cho phụ nữ và phát triển bền vững đồng thời ghi nhận giá trị kinh tế và xã hội của sự hỗ trợ, đầu tư và thúc đẩy các chương trình liên quan đến vấn đề môi trường (thay đổi khí hậu), các sáng kiến làm hài hòa công việc & cuộc sống (hệ thống chăm sóc trẻ em…). 

Trần Hòa

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video