Đoàn công tác TW Hội LHPN Việt Nam nghiên cứu, học tập phương thức thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào chính trị và kinh nghiệm vận động hành lang tại Australia

26/09/2013
Từ ngày 7 đến ngày 21/9/2013, đoàn công tác của Trung ương Hội LHPN Việt Nam gồm 20 thành viên do Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà làm trưởng đoàn đã tham dự khoá bồi dưỡng ngắn hạn về chủ đề "Nghiên cứu, học tập về phương thức thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các lĩnh vực chính trị và kinh nghiệm vận động hành lang" tại Trường Đại học Tổng hợp Queensland (ICTE-UQ) Australia (Úc). Chương trình do Hội LHPN Việt Nam và Văn phòng Đề án 165 tổ chức.

Theo chương trình khoá học, Đoàn có 17 buổi học tập tại Trường với các chuyên đề: Cơ cấu Chính phủ Úc; Vị thế của phụ nữ Úc trong xã hội và kinh nghiệm thực tiễn của Úc trong việc nội luật hóa, thực hiện các cam kết quốc tế về BĐG; Quyền lợi của Phụ nữ và Công bằng giới ở Úc ; Xây dựng người tiên phong; Xây dựng chính sách;Vai trò của truyền thông và kĩ năng truyền thông; Kỹ năng vận động hành lang; Kinh nghiệm và Thực tế tại Công đoàn Giáo viên bang Queensland; Vận động chính sách; Chương trình Phát triển Nghề nghiệp cho giới nữ tại đại học;Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của các phụ nữ đã thành công trong vận động hành lang.

Đoàn cũng dành thời gian gặp gỡ, trao đổi với đại diện Tổ chức Sisters Inside - một tổ chức cộng đồng hỗ trợ và ủng hộ quyền phụ nữ trong hệ thống luật tội phạm và cung cấp các dịch vụ còn thiếu cho những phụ nữ này; làm việc với đại diện Bộ Cộng Đồng - Văn phòng vì Phụ Nữ, người Già, người cần hỗ trợ và tình nguyện - Các dịch vụ và hỗ trợ cộng đồng; Văn phòng đảm bảo quyền công bằng Đại học Queensland.

Là một đất nước phát triển, Úc rất quan tâm đến vấn đề hoạch định, xây dựng chính sách liên quan đến quyền con người. Mục tiêu bình đẳng giới của Úc khá bền bỉ, toàn diện và từng bước thu được những kết quả nhất định. Trong lĩnh vực chính trị, việc làm, thu nhập, phụ nữ Úc ngày càng có nhiều cơ hội. Năm 2010, Úc có nữ Thủ tướng của Liên bang đầu tiên. Tuổi nghỉ hưu của lao động nữ là 60 tuổi, nam là 65 tuổi. Trong điều kiện tuổi thọ của người dân ngày càng tăng (nam 79 tuổi, nữ 84 tuổi), để bảo đảm khả năng chi trả cho Quỹ bảo hiểm xã hội, hiện nay Úc đang thực hiện lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cho cả lao động nam và nữ để đến năm 2017, lao động nữ nghỉ hưu ở tuổi 65, nam nghỉ hưu ở tuổi 67. Trong lĩnh vực y tế, giáo dục, phụ nữ Úc được tạo điều kiện tốt để có cơ hội học tập, chăm sóc sức khỏe (lao động nữ nghỉ thai sản 12 tháng, trong đó 6 tháng được nhận lương tối thiểu).

Việc xây dựng chính sách nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các lĩnh vực đời sống xã hội ở Úc được thực hiện bởi nhiều tổ chức, nhiều cấp. Văn phòng Thủ tướng liên bang và các bang có người phụ trách vấn đề phụ nữ. Cấp Liên bang có Bộ phụ trách các vấn đề gia đình, nhà ở và thổ dân trong đó có 1 phòng/ban phụ trách vấn đề phụ nữ. Một số bang có Bộ phụ trách công tác phụ nữ. Cơ quan phụ trách vấn đề chính sách thuộc Thủ tướng Chính phủ có nhiệm vụ thông qua Chương trình xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện xây dựng chính sách. Ngoài ra, còn có các tổ chức khác như: Tổ chức vận động trong các chiến dịch vì phụ nữ (Woman electorps Loppy); Tổ chức phi chính phủ Liên hiệp toàn quốc phụ nữ (National union of woman); Tổ chức thuộc các đảng phái chính trị. Chỉ tính riêng trong năm 2012 và 2013, Chính phủ Bang Queensland đã chi 42.258 triệu đô la Úc dànhhỗ trợ cho phụ nữ, nam giới, con cái của nạn nhân bạo lực gia đình: cung cấp nhà tạm lánh cho nạn nhân, cung cấp dịch vụ tư vấn trực tiếp tại chỗ, cung cấp thông tin tư vấn pháp luật; hỗ trợ các hoạt động tại tòa án; chương trình nâng cấp chỗ ở cho chị em phụ nữ bị bạo lực gia đình, làm nhà tạm lánh cho chị em phụ nữ bị bạo hành.

Quy trình xây dựng luật, chính sách đặc biệt là các chính sách có liên quan đến người dân và phụ nữ của Úc thực hiện một cách chặt chẽ, bảo đảm tính dân chủ, khách quan. Khi xây dựng một chính sách có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ đơn thân thì cơ quan chủ quản gửi đến Liên hiệp phụ nữ cấp liên bang hoặc cấp bang, đến các tổ chức phi chính phủ liên quan tới phụ nữ; gửi lấy ý kiến của những người liên quan trước 2 tuần. Trong nội dung trình Dự thảo văn bản pháp luật, bắt buộc phải có mục lấy ý kiến của người dân và lấy ý kiến của các cơ quan liên quan. Bộ chủ quản tổng hợp ý kiến gửi nội các hoặc văn phòng Chính phủ, giao cho bộ phận chức năng làm tờ trình Hội đồng nghị viện/Ủy ban pháp luật, sau đó tiếp thu ý kiến hoàn thiện văn bản. Khi văn bản trình ra Quốc hội, các bên liên quan vẫn tiếp tục quan tâm, vận động hành lang có thể đóng góp thêm vào dự thảo luật đó.

Công tác vận động hành lang trong xây dựng chính sách của Úc được thực hiện dưới hai hình thức: vận động hành lang từ bên trong (vận động những nhà hoạch định chính sách, bao gồm người ra quyết định, người có ảnh hưởng lớn tới việc xây dựng và thông qua chính sách); vận động hành lang từ bên ngoài (tổ chức họp báo, thông cáo báo chí, tổ chức các cuộc mít tinh, hội thảo). Trong vận động hành lang, cần có sự phối hợp của nhiều người, nhiều nhóm; có được tiếng nói đồng thuận trong tổ chức/nhóm phụ nữ, tạo được các mối quan hệ có tầm ảnh hưởng lớn dựa trên những giá trị của tổ chức, giá trị của cá nhân các thành viên.

Bài học thành công trong cuộc đấu tranh vì bình đẳng và phát triển cho phụ nữ của nước Úc là cần thiết phải có những người phụ nữ tiên phong với một số phẩm chất nổi bật: can đảm, tự tin, giản dị, trung thực; luôn là người đi đầu trong phong trào, biết lắng nghe, chia sẻ, có khả năng thu hút, lôi cuốn mọi người cùng tham gia. Đặc biệt, cần tìm được người tiên phong là nam giới thực sự dám đấu tranh cho phụ nữ, có tiếng nói quyết định/hoặc khả năng tác động mạnh mẽ tới quá trình xây dựng chính sách. Việc cần ưu tiên là làm thế nào để xác định và thiết lập mạng lưới người ủng hộ chính trị trong nội bộ và bên ngoài (lãnh đạo Đảng, chính quyền TW/địa phương, các Bộ ngành, các nhà doanh nghiệp).

Có thể đánh giá, qua chương trình bồi dưỡng ngắn hạn về chủ đề "Nghiên cứu, học tập về phương thức thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các lĩnh vực chính trị và kinh nghiệm vận động hành lang", đoàn công tác đã thu được nhiều kinh nghiêm quý báu từ nước bạn, qua đó có thể vận dụng vào thực tiễn ở Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới.

Cùng với chương trình chính thức cúa khoá học, đoàn đã có buổi làm việc giữa lãnh đạo Hội với Khoa Hợp tác quốc tế và Khoa Khoa học hành vi và Xã hội trực thuộc Trường Đại học Queensland để thảo luận về khả năng hợp tác với Hội LHPN Việt Nam (đặc biệt là Học viện Phụ nữ Việt Nam). Theo đó, nội dung học tập của một số khoa trong trường Queensland rất phù hợp với nhu cầu về đào tạo của Học viện Phụ nữ Việt Nam như về quản trị kinh doanh, về giới và phát triển, về công tác xã hội, quốc tế… Đoàn cũng đặt vấn đề để có thể hợp tác với một số khoa của Trường trong lĩnh vực nâng cao năng lực cho cán bộ giảng dạy của Học viện, trao đổi sinh viên.

Tuyết Mai - Trưởng ban Gia đình Xã hội TW Hội

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video