Độc đáoTriển lãm Búp bê Nhật Bản

18/10/2005
Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam, từ ngày 19-21/10/2005, tại 36 Lý Thường Kiệt, Hà nội, Hội Hữu nghị Việt Nhật, Đại Sứ Quán Việt Nam tại Nhật bản, Hội Búp Bê Sachie Kuniei Nhật Bản và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam sẽ trưng bầy, giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước về triển lãm Búp Bê và các loại trang phục Kimônô truyền thống của phụ nữ Nhật Bản

Ngay từ cửa ra vào của Triển lãm, hình ảnh gây sự chú ý đối với khách tham quan đó là 400 búp bê truyền thống của Nhật Bản với các kích cỡ, theo phong cách Kimekomi được trưng bầy, giới thiệu theo các chủ đề khác nhau cùng với các nhân vật theo từng loại trang phục thật hấp dẫn. Cũng như nhiều dân tộc trên thế giới có các loại đồ chơi khác nhau, có lịch sử ra đời khác nhau, với búp bêtruyền thống của Nhật bản, sự ra đời và phát triển có một nét riêng thật độc đáo.

Cách đây gần ba thế kỷ, vào giai đoạn từ năm 1736 – 1741, trong khi làm một chiếc hòm phục vụ cho lễ hội thờ cúng của bộ tộc Horikama (Nhật Bản), linh mục Takahashi Tadashige - chủ trì đền thờ Kygoto Kamo đã ghi ra cách làm búp bê từ những mẩu gỗ nhỏ, thừa cong còn lại. Phương thức đầu tiên của ông là ghép các mảnh gỗ để tạo ra một con búp bê và búp bê Kimekomi - Ningyoh đã ra đời như vậy. Trải qua thời gian, búp bê Kimekomi ngày càng phát triển. Từ ngày 6/2/1978, búp bê Kimekomi đã được Bộ công nghiệp và Giao thông Nhật Bản chọn là sản phẩm truyền thống dân tộc Nhật Bản. Từ câu chuyện trong lịch sử về sự ra đời của Búp Bê Kimokomi, ngay tại Triển lãm, khách tham quan sẽ được ngắm nhìn, chụp ảnh, tìm hiểu về sự đa dạng, độc đáo của búp bê Kimekomi mang nét đặc trưng của Nhật Bản từ kiểu dáng trang phục, tư thế. Không những chỉ chiêm ngưỡng mà ngay ở trong khuôn viên của Bảo tàng PNVN, khách tham quan sẽ được các nghệ nhân của Hiệp hội Sachie trực tiếp giới thiệu, hướng dẫn cách làm búp bê Kimekomi từ khâu chuẩn bị cho bột Kiri vào, bột hồ, nhào, trộn hợp chất này tiếp đến là tạo thân búp bê, làm khô, tạo ra rãnh nhỏ trên thân búp bê dọc theo hàng cúc áo Kimono, những nếp gấp của áo Kimono và đeo thắt lưng cho búp bê. Để tạo nên sự hấp dẫn của búp bê, ngoài các bước trên, du khách sẽ được các nghệ nhân hướng dẫn về cách làm các bộ phận ở mặt, tay, chân búp bê và cách trộn bột Kiri, quét sơn trắng, là những chất liệu đặc biệt của Nhật Bản và cũng có thể sử dụng để vẽ những bức tranh truyền thống và mặt nạ Noh, kết thúc mặt nạ búp bê sẽ được hoàn thành sau khi quét vài lượt bột hồ, vẽ lông mày và tô môi.

Điều đặc biệt tại Triển lãm, theo ý kiến của chị Phạm Kim Ngân - cán bộ Bảo tàng PNVN cho biết: "Bên cạnh việc trưng bầy, giới thiệu về các loại búp bê, tại Triển lãm còn giới thiệu hơn 20 loại trang phục Kimono truyền thống của phụ nữ Nhật Bản và khách thăm quan có nhu cầu sẽ được chụp ảnh lưu niệm".

Triển lãm giới thiệu về búp bê và trang phục Kimono truyền thống của phụ nữ Nhật Bản sẽ góp phần tạo nên sự giao lưu văn hoá, hiểu biết giữa phụ nữ 2 nước Việt Nam - Nhật Bản, tạo nên điểm nhấn trong chuyến tham quan du lịch của du khách gần xa khi đến tham quan thủ đô Hà Nội.

Mạnh Hà

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video