Đọc là con đường dẫn tới giải Nobel danh tiếng

05/11/2009
Ngày 7.10.2009 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp khoa học của nhà hóa học nữ người Israel Ada Yonath. Bà đã trở thành người Israel thứ 9 giành giải thưởng Nobel danh giá, và cũng là người phụ nữ đầu tiên đoạt giải Nobel hóa học trong 45 năm trở lại đây.

Một ngày trước khi Israel kỉ niệm Ngày Thiếu nhi của nước này, nhà hóa học 70 tuổi Ada Yonath, người nổi tiếng với công trình nghiên cứu về ribosome, đã chia sẻ với tờ Tân Hoa Xã một số câu chuyện trong những năm tháng đầu đời của bà. Những câu chuyện này không chỉ vẽ lên hình ảnh một cô bé khao khát mở mang kiến thức mà còn cho thấy tầm quan trọng của việc đọc sách đối với thành công trong sự nghiệp khoa học của bà.

Một trong những thứ có ảnh hưởng đầu tiên đối với Yonath là cuốn sách Hebrew mang tựa đề “Những nhà khám phá thế giới”. “Đó không phải cuốn sách nói về những người đi biển như Columbus, mà nó khái quát về cuộc đời và sự nghiệp của những người như Marie Curie” - nhà nghiên cứu Yonath thuộc Viện Weizmann, Israel nhớ lại.

Lúc đó, Yonath mới lên bảy hoặc tám tuổi, và không hề có ý định trở thành một nhà khoa học trong tương lai. “Thực sự lúc đó tôi không nghĩ về chuyện này, tôi cũng không biết rằng, bạn có thể làm một số điều bạn thích và được trả lương vì việc đó”, bà cho biết.

Cuộc sống với cô bé Yonath lúc đó thật khó khăn. Bà sống trong một vùng ngoại ô nghèo gần Jerusalem với cha mẹ và em gái. Với người cha là một giáo sĩ Do thái, phần lớn những cuốn sách trong nhà bà đều nói về tôn giáo. Không có cuốn sách nào thực sự phù hợp cho cô bé Yonath vốn ham mê đọc sách và khao khát  mở mang kiến thức.

Nhưng Yonath đã gặp may khi tầng hầm trong căn hộ nơi bà sinh sống là địa điểm một lớp học dành cho trẻ em trước khi học tiểu học do người hàng xóm của bà mở ra. Vì thế, bà có thể thỉnh thoảng vào đó đọc sách và bà đặc biệt thích thơ của trẻ em. 

Sau khi người cha qua đời năm Yonath 11 tuổi, bà vùi mình trong sách vở, tìm kiếm sự an ủi bằng cách đọc sách để giữ cho tâm trí không nghĩ đến sự mất mát này và những khó khăn khác đang trĩu nặng trong gia đình bà.

Sau này, Yonath và gia đình chuyển tới sống tại Tel Aviv, nơi bà đã xoay xở để được học tại một “trường trung học tốt nhất” và được nhận học bổng. Không có ti vi tại nhà, và chỉ với một chiếc đài mà theo bà “hầu như không hoạt động”, sách đã trở thành một phần quan trọng trong những năm tháng niên thiếu của bà.

Theo lời Yonath, vì mẹ bà rất nghèo nên bà đã phải làm việc trong suốt những năm tháng ngồi ghế nhà trường để trợ giúp gia đình. Vào những kì nghỉ hè, bà làm công việc quét dọn, tới làm việc tại các nhà máy, làm bánh sandwich trong các nhà hàng, làm thủ quỹ và “tất cả những công việc mà bà có thể kiếm được”.

Trong những ngày tháng vất vả làm việc để mưu sinh, Yonath cùng mẹ và em gái phải ngủ chung một phòng, còn phòng ngủ khác để cho 3 nữ sinh thuê. “Tôi không bao giờ nghĩ về hoàn cảnh của mình lúc đó, cũng không nghĩ cuộc đời đã không công bằng với tôi ra sao”, bà nói. Nhưng cũng chính trong những ngày tháng khó khăn chật vật đó, sách vở đã trở thành một “thứ vũ khí” hữu hiệu đối với bà.

Cũng trong thời gian này, bà trở thành thủ thư của trường và phụ trách phòng đọc sách. Yonath cho biết, tuy phụ trách việc trông coi mọi cuốn sách tại đây nhưng bà thường dành nhiều thời gian cho việc đọc sách. Yonath xem quãng thời gian làm việc tại thư viện là “nguồn lợi ích lớn” trong những ngày tháng còn ngồi ghế nhà trường.

Có thể nói, chính niềm đam mê đọc sách và mở mang kiến thức đã đặt nền tảng cho sự nghiệp khoa học của bà và từng bước đưa bà tới con đường thành công ngày hôm nay. Theo Yonath, đọc sách rất quan trọng đối với trẻ em ngày nay vì nó không chỉ mang lại niềm vui cho người đọc mà còn giúp xây dựng nhân cách con người.

Minh Nguyệt
(Theo VietnamNet/Tân Hoa Xã)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video