Đổi mới trong công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho phụ nữ

26/09/2016
Trong những năm qua, các cấp Hội LHPN tỉnh Nghệ An đã tập trung thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội cho các tầng lớp phụ nữ, nhất là phụ nữ nông dân và dân tộc thiểu số.

Bằng các hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng như: hội nghị, hội thảo, tập huấn; đối thoại chính sách, lồng ghép sinh hoạt chi, tổ phụ nữ, tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật, thi báo cáo viên, thi tuyên truyền viên giỏi, hoà giải viên giỏi, nói chuyện chuyên đề, sân khấu hóa, tọa đàm... đã góp phần chuyển tải các điều luật đến đông đảo các tầng lớp phụ nữ một cách tự nhiên và dễ hiểu.

Tuy nhiên, ở những thôn, bản của các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, hội viên, phụ nữ dân tộc công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật của Hội vẫn còn gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là do đường sá xa xôi, đi lại khó khăn, dân cư sống không tập trung; trình độ dân trí còn nhiều hạn chế nên chị em chưa quan tâm nhiều đến việc tiếp cận, tìm hiểu thông tin về chính sách, luật pháp. Mặt khác, các cơ sở hội thiếu hình thức, biện pháp tuyên truyền, vận động phù hợp, cán bộ cơ sở, chi tổ Hội thiếu kiến thức, kỹ năng tuyên truyền…

Để khắc phục những hạn chế trên, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội đổi mới trong cách tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Trong đó tập trung xây dựng các mô hình điểm nhằm vận động, giáo dục sát với nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ; trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được để nhân ra diện rộng. Hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng được gần 500 “CLB phụ nữ với pháp luật”, câu lạc bộ “Lá chắn”, câu lạc bộ “Tuyên truyền phổ biến pháp luật”… Tổ chức lồng ghép tuyên truyền qua triển khai thực hiện Tiểu đề án 4 về “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho phụ nữ nông dân và phụ nữ dân tộc thiểu số”. Qua đó, đã tổ chức 22 lớp tập huấn cho 1.580 báo cáo viên, TTV về kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; phối hợp tổ chức 3 lớp tập huấn phổ biến Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, kỹ năng trình tự giải quyết khiếu nại, tố cáo cho 200 học viên là cán bộ Hội phụ nữ; tổ chức 29 lớp tập huấn về chính sách việc làm, di cư an toàn, phòng chống mua bán người tại huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành,...

Một trong những biện pháp quan trọng và mang lại hiệu quả cao đó là tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa, giáo dục trực tiếp tại cộng đồng. Tuyên truyền qua hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng cũng được các cấp Hội chú trọng phối hợp tổ chức thực hiện. Đặc biệt, 21/21 huyện, thành, thị đã xây dựng “tủ sách phụ nữ và pháp luật”, 399 xã, phường, thị trấn xây dựng được tủ sách, trong đó chủ yếu các đầu sách về pháp luật, phát động phong trào đọc và làm theo sách, báo trong hội viên, phụ nữ tạo điều kiện cho chị em tìm hiểu tiếp cận những thông tin về luật pháp, chính sách, về cơ chế phát triển kinh tế, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Bên cạnh công tác tuyên truyền về phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội thì việc hỗ trợ giúp đỡ những người lầm lỡ trở về tái hòa nhập cộng đồng cũng được các cấp Hội phụ nữ hết sức quan tâm. Hằng năm Hội phối hợp với chính quyền và các đoàn thể khảo sát gia đình hội viên có người nghiện để động viên, tư vấn cai nghiện tại cộng đồng. Thường xuyên quan tâm, giúp đỡ, gần gũi hỗ trợ những người cai nghiện thành công, những người lầm lỗi, những người bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng. Các cấp Hội đã thành lập các mô hình như: Mô hình giúp đỡ người chấp hành án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; mô hình câu lạc bộ “Lá chắn”,câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”.Năm 2016, Hội LHPN tỉnh ký kết chương trình phối hợp với Trại giam số 6 trong việc phối hợp giáo dục phạm nhân nữ và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2016 - 2020; … Tạo điều kiện cho các hộ gia đình vay vốn phát triển kinh tế từ các nguồn vốn tiết kiệm của Hội, nguồn vốn vay từ ngân hàng CSXH,…với số vốn 1 tỷ 500 triệu đồng hiện đang cho 150 gia đình có người cai nghiện ma tuý tiến bộ có hoàn cảnh khó khăn vay.

Với những hoạt động, cách thức tổ chức thực hiện có nhiều đổi mới, sáng tạo nên công tác tuyên truyền phòng chống các tội phạm, TNXH của các cấp Hội đã tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức, nâng cao ý thức của cán bộ, hội viên phụ nữ, cộng đồng trong phòng chống các loại tộiphạm, tệ nạn xã hội.

Tuy nhiên, hiện nay, tình hình di cư lao động, mua bán người vẫn còn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp; hiệu quả công tác cai nghiện, dạy nghề và tạo việc làm cho người nghiện ma tuý sau cai còn hạn chế; tỷ lệ tái nghiện cao…

Trong thời gian tới, Hội tiếp tục duy trì và phát huy hoạt động của các mô hình, nhân rộng các mô hình hiệu quả; tiếp tục phối hợp với các ban ngành tổ chức các hoạt động tuyên truyền, đưa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến được với phụ nữ nói riêng và nhân dân nói chung một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hội LHPN tỉnh Nghệ An

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video